Giải pháp cho tiêu chí trường học

Bài, ảnh: Nguyễn Mai| 12/04/2019 08:04

(HNM) - Trường học (tiêu chí số 5) là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn thành phố mới có 340/386 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học.

(HNM) - Trường học (tiêu chí số 5) là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Theo quy định của thành phố Hà Nội, để đạt chuẩn nông thôn mới, các xã phải có 100% trường học các cấp (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) đạt chuẩn quốc gia; hoặc tối thiểu có 70% tổng số trường đạt chuẩn trở lên mới được tính là cơ bản đạt tiêu chí. Hiện nay, toàn thành phố mới có 340/386 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học. Với các xã chưa đạt, để hoàn thành tiêu chí này còn nhiều khó khăn, rất cần những giải pháp cụ thể, đặc thù.

Nhiều xã chưa có trường chuẩn

Trường Mầm non An Phú B (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) có 3 lớp nhưng chỉ có 2 phòng học, 1 lớp phải học nhờ tại Nhà văn hóa thôn Thanh Hà. Cô giáo Trần Thị Đoan Trang, giáo viên nhà trường chia sẻ: “Do phải học nhờ nên ngày nào thôn sử dụng nhà văn hóa, các cháu phải nghỉ học hoặc phải học ghép với các lớp trên. Riêng 2 lớp học tại Trường Mầm non An Phú B, mỗi lớp có gần 50 cháu, hiện đã quá tải. Nhà trường đã đề nghị các cấp hỗ trợ xây dựng thêm phòng học nhưng đến nay vẫn khó thực hiện".

Học sinh Trường Mầm non An Phú B đang học nhờ tại Nhà văn hóa thôn Thanh Hà.


Cán bộ địa chính - xây dựng UBND xã An Phú, Trần Văn Thụ cho biết: Là xã miền núi, địa bàn rộng, khoảng cách từ trung tâm xã tới thôn khá xa (hơn10km) nên cấp học mầm non, tiểu học phải chia thành nhiều trường để học sinh đi học thuận lợi. Hiện nay, cấp học mầm non của xã có 2 trường: Mầm non An Phú A và B, mỗi trường có thêm 2 điểm lẻ; Trường Tiểu học An Phú cũng có 4 điểm trường học đặt tại các thôn. Thời điểm này, cả 3 cấp học trên địa bàn xã đều chưa đạt chuẩn quốc gia. Nhiều điểm trường phải học nhờ nhà văn hóa thôn, phòng học xuống cấp, bàn ghế thiếu... Với cơ sở vật chất giáo dục như vậy, An Phú gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.

Không riêng An Phú, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều, huyện Mỹ Đức mới có 42/78 trường học đạt chuẩn quốc gia, thấp nhất trong số các huyện trên địa bàn thành phố. Đây là một khó khăn cho cả sự phát triển của ngành Giáo dục lẫn việc hoàn thành tiêu chí trường học trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tương tự huyện Mỹ Đức, tại huyện Ứng Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, trong triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện này cũng gặp nhiều khó khăn về tiêu chí trường học. Đơn cử, xã Trầm Lộng đăng ký về đích nông thôn mới năm 2018 nhưng cả 3 cấp trường học đều chưa đạt chuẩn nên không hoàn thành, phải tiếp tục thực hiện trong năm 2019. Hiện các xã của Ứng Hòa như: Quảng Phú Cầu, Hòa Lâm, Sơn Công... đã đăng ký hoàn thành nông thôn mới năm 2019 nhưng mỗi xã mới chỉ có 1/3 cấp trường học đạt chuẩn...

Tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia cũng là khó khăn chung của các huyện Phú Xuyên, Ba Vì... trong xây dựng nông thôn mới. Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, toàn thành phố hiện có 340/386 xã đạt tiêu chí trường học, còn 46 xã chưa đạt.

Giải pháp khắc phục

Về nguyên nhân, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho rằng, tiêu chí trường học tuy chỉ chiếm 4 điểm (trên thang điểm 100 khi chấm xã đạt nông thôn mới) nhưng để đạt được, trước hết cần kinh phí đầu tư tới hàng chục tỷ đồng. Theo quy định, kinh phí đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Vì vậy, các huyện có nguồn thu ngân sách lớn như: Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh... đã chủ động được nguồn vốn phục vụ xây dựng trường đạt chuẩn. Các huyện khó khăn, thu ngân sách hạn chế nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, trong đó có trường học.

Để khắc phục, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều, là huyện thuần nông, thu ngân sách rất hạn chế, nên huyện đã đề nghị thành phố ưu tiên hỗ trợ cho Mỹ Đức nguồn vốn hoàn thiện tiêu chí trường học; đồng thời, có giải pháp giúp các huyện xây dựng hạ tầng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua đó, địa phương sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, năm 2019, huyện Ứng Hòa cần xây dựng 12 trường học đạt chuẩn để hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ thành phố và các cấp, ngành...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, căn cứ vào phân cấp đầu tư của thành phố, các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách địa phương (huyện, xã). Tuy nhiên, với một số huyện thuần nông, ngân sách eo hẹp, thành phố có chủ trương hỗ trợ thông qua các chương trình, nguồn vốn lồng ghép.

Mặt khác, tháo gỡ khó khăn này, những năm qua, Hà Nội đã phát động phong trào "nội thành hỗ trợ ngoại thành" xây dựng nông thôn mới. Đến hết quý I-2019, 12/12 quận đã hỗ trợ các huyện hơn 438 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có nhiều trường học đạt chuẩn.

"Thực tế, đầu tư trường học đạt chuẩn cần rất nhiều thời gian, phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước từ đấu thầu đến xây dựng cơ bản; khi công trình hoàn thành, mới thẩm định, công nhận trường chuẩn rồi mới chấm điểm nông thôn mới... Do vậy, các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc sát sao các khâu đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của các quận", Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cho tiêu chí trường học