Ngày Rằm tháng Giêng của người Hà Nội

Quang Thái| 19/02/2019 14:25

(NSHN) - Ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình ở Hà Nội tất bật đi lễ chùa, chuẩn bị mâm lễ tươm tất, chu đáo dâng lên tổ tiên với mong muốn một năm mới bình an, may mắn.

(NSHN) - Ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình ở Hà Nội tất bật đi lễ chùa, chuẩn bị mâm lễ tươm tất, chu đáo dâng lên tổ tiên với mong muốn một năm mới bình an, may mắn.


Để có mâm lễ tươm tất, chu đáo, mọi người phải đi chợ từ sớm, mua những thực phẩm thật tươi ngon… Ảnh chụp lúc 6h45, tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên). 


Tại chợ Gia Lâm, rau xanh giữ giá. Cụ thể, su hào 3.500 đồng/củ; súp lơ khoảng 10.000 đồng/cây; bắp cải 12.000 đồng/kg; các loại rau ăn lá dao động từ 1.000 - 3.000 đồng/bó… Thực phẩm tươi sống khác như: Gà giá từ 70.000 - 120.000 đồng/kg; chuối xanh 30.000 đồng/nải; xôi 25.000 đồng/đĩa. Các loại hoa như: Hồng, cúc giá khoảng 5.000 đồng/bông; hoa ly 15.000 đồng/cành; lay ơn 10.000 đồng/cành.


Chị Nguyễn Thị Thanh (người bán xôi tại chợ Gia Lâm) cho biết: “Người dân đặt xôi của tôi từ 2 ngày trước. Ngày này, tôi nấu số lượng xôi, bánh chưng gấp 3 lần ngày thường mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách”.


Bà Ngô Thị Huệ (quận Long Biên) cho hay: “Rằm tháng Giêng năm nào cũng vậy, tôi đi chợ từ 6h30 để mua đồ về làm lễ. Tôi mong các con, cháu khỏe mạnh, điềm lành đến với gia đình và điềm dữ đi”.


Theo bà Huệ, đối với mâm lễ Rằm tháng Giêng, tối thiểu phải có đĩa xôi, con gà, khoanh giò, bát canh, chút hoa quả và hoa tươi.


Bên cạnh các loại hoa giá bình dân, một số gia đình chọn hoa đắt đỏ như hoa lê về trưng Rằm tháng Giêng. Giá hoa lê dao động từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng/cành.


Không chỉ chợ nội thành, tại khu chợ xã Liên Hà (huyện Đông Anh), tấp nập người mua bán trong sớm Rằm tháng Giêng.


Mâm cỗ dâng lên tổ tiên của nhà chị Nguyễn Thị Nga (huyện Đông Anh) tươm tất với bánh chưng, gà, giò….


Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Ngày Rằm, Tết, gia đình tôi sửa soạn, bày biện mâm cỗ mặn thành kính dâng lên tổ tiên. Rằm tháng Giêng rất quan trọng, bởi gia đình tôi quan niệm ‘đầu xuôi đuôi lọt’ nên phải chuẩn bị chu đáo”.


Bà Phạm Thanh Tâm (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Rằm tháng Giêng năm nào tôi cũng đi lễ, cầu mong cho gia đình an lành trong năm mới. Tôi quan niệm, mâm lễ dâng lên đức Phật không nên quá cầu kỳ, quan trọng phải thành tâm”.


Rằm tháng Giêng còn có tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu, là một Tết nằm trong hệ thống Thượng - Trung - Hạ nguyên (Rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười âm lịch. Ảnh: Một phụ nữ phóng sinh cá ở khu vực bên ngoài chùa Trấn Quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày Rằm tháng Giêng của người Hà Nội