Để Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại

Thanh Hải| 05/07/2017 06:58

(NSHN) - Các đại biểu HĐND cho rằng, cần gắn với hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải hành khách công cộng và quy hoạch đô thị, để Hà Nội thực sự trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.

(NSHN) - Ngày 4-7, với 95/96 đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Trước đó, thảo luận về Đề án, các đại biểu HĐND cho rằng, cần gắn với hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải hành khách công cộng và quy hoạch đô thị, để Hà Nội thực sự trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.

Sự cần thiết của đề án

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và đã đạt được những chuyển biến, tiến bộ nhất định. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ theo hướng quy chuẩn, hiện đại. Nhiều tuyến đường giao thông trục chính cơ bản được hoàn thành. Thành phố đã khởi công nhiều tuyến đường vành đai và đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu vượt, nút giao thông quan trọng. Cùng với đó, vận tải hành khách công cộng được phát triển đồng bộ, hiện đại, mạng lưới xe buýt được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Viện, giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm. Trong khi đó, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh (thành phố có khoảng hơn 5,2 triệu xe máy, gần 500 nghìn ô tô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm. "Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20km/giờ thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào TP Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, Tết" - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc quản lý phương tiện xe cơ giới đường bộ cũng còn nhiều bất cập như: Quản lý phát triển về số lượng phương tiện mới có quy định đối với xe taxi; các biện pháp về thuế, phí, lệ phí chưa đủ mạnh để tác động đến sự phát triển số lượng và hoạt động của các loại phương tiện giao thông đường bộ. Việc điều tiết, cấm hoạt động đối với một số loại phương tiện giao thông còn ở phạm vi hẹp... Do vậy, ông Vũ Văn Viện khẳng định, việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án là hết sức cần thiết.

Đề xuất nhiều giải pháp tích cực

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ Sóc Sơn) cho rằng, đây là đề án có tính đột phá, thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc khắc phục những hạn chế, bất cập, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. "Đề án có tác động lớn đến các cơ quan, tổ chức và người dân. Do đó, cần nghiên cứu những tác động, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cũng như vấn đề quy hoạch, thiết kế đô thị..." - đại biểu kiến nghị.

Bên cạnh đó, các đại biểu HĐND thành phố đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Xuân Lưu (Tổ Thanh Xuân) kiến nghị việc dừng lưu hành xe máy sẽ chính thức từ ngày 1-1-2030; chuyển đổi một số cây xăng không đúng quy hoạch trở thành điểm cung cấp nhiên liệu sạch... Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) đề xuất miễn phí cho người sử dụng phương tiện xe buýt. “Nếu so sánh với sự mất mát do tắc đường, ô nhiễm môi trường một năm đến nửa tỷ USD thì chi phí đầu tư cho phương tiện công cộng là cần thiết” - đại biểu Phạm Đình Đoàn lý giải.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Thanh Xuân) đề xuất thêm các giải pháp như: Thành phố ưu tiên xây dựng thành phố thông minh và giao thông thông minh; xây dựng hệ thống giao thông đường thủy nội địa; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ như phân tuyến, mở rộng điểm đỗ; kiến nghị với Chính phủ quyết liệt chỉ đạo di dời các công ty, đơn vị ô nhiễm ra ngoại thành...

Tiếp thu những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, thành phố sẽ cụ thể hóa trong quá trình hoàn thiện Đề án và triển khai thành các chương trình cụ thể nhằm xây dựng Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Lộ trình thực hiện Đề án

Giai đoạn 2017-2018: Tập trung cho quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Giai đoạn 2017-2020: Tập trung cho quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng; áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại