Hà Nội là thị trường đầy tiềm năng

Thùy Dương| 18/06/2017 12:59

(NSHN) - Năm 2016, Hà Nội thu hút 3,11 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tăng 2,93 lần so cùng kỳ năm 2015.

(NSHN) - Năm 2016, Hà Nội thu hút 3,11 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tăng 2,93 lần so cùng kỳ năm 2015. Thành quả này có sự đóng góp to lớn của Nhật Bản, quốc gia đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Nội với tổng số hơn 800 dự án, vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,2 tỷ USD tính đến nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa nhận định Hà Nội là một thị trường đầy tiềm năng và có sức hấp dẫn đặc biệt với doanh nghiệp Nhật Bản.

- Ông có thể cho biết những lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, đầu tư tại Hà Nội?

Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thị trường Hà Nội thường được biết đến nhiều ở nhóm ngành sản xuất chế tạo. Nhóm ngành nông nghiệp và nhóm ngành dịch vụ chưa được biết đến nhiều. Tuy nhiên, theo báo cáo điều tra của JETRO công bố gần đây, trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo chỉ chiếm 22%, như vậy có tới 78% đầu tư vào hai nhóm còn lại.

Trong đó, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ đang gia tăng nhanh chóng. Đơn cử như việc hãng bán lẻ lớn nhất Nhật Bản đã mở siêu thị AEON và chuẩn bị mở siêu thị thứ hai ở Hà Nội. Ngoài ra, nhiều nhà máy, công ty sản xuất chế tạo của Nhật Bản đều có khuynh hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khi xây dựng nhà máy thứ hai, thứ ba.

- Theo ông, lý do gì dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng về đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội?

Hệ thống hạ tầng của Hà Nội đang được hoàn thiện và được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Môi trường đầu tư của Hà Nội cũng được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao nên có sức hấp dẫn đặc biệt với các doanh nghiệp Nhật Bản. JETRO cho rằng Hà Nội có rất nhiều triển vọng và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cần biết nhiều hơn về thành phố này. Vì vậy, chúng tôi đã xuất bản sách, tư liệu để cung cấp dữ liệu cần thiết cho các doanh nghiệp đã hoạt động ở Hà Nội cũng như những doanh nghiệp đang tìm hiểu về môi trường đầu tư ở thành phố.

Trong số này phải kể đến tấm bản đồ về những khu công nghiệp thuộc địa bàn Hà Nội, các nhà máy tiêu biểu trong từng khu công nghiệp, những công ty có tiếng tăm của Nhật Bản đang hoạt động ở thành phố... Hằng năm, JETRO cũng xuất bản cuốn “Hà Nội style”, trong đó có nhiều thông tin liên quan đến Hà Nội như thời trang, ăn mặc, nơi ở, các loại dịch vụ, nhà hàng, danh sách các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Hà Nội...

- Ông có thể đánh giá về thuận lợi cũng như những khó khăn mà các doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải khi đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội?


Ngoài những doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực sản xuất và chế tạo thì ngành công nghiệp dịch vụ từ nay sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp ở lĩnh vực này họ rất muốn có nhiều số liệu, ví dụ như ở quận Hoàn Kiếm mật độ dân số như thế nào, khả năng tiêu thụ hàng hóa ra sao... Nhưng những thông tin kiểu này rất khó có thể tra cứu. Hà Nội có nhiều thế mạnh nhưng phụ thuộc vào mức độ truyền thông của thành phố. Tôi lấy một ví dụ đơn giản là Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản như 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông) - điều mà không phải nước Đông Nam Á nào cũng có được. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật Bản không biết rõ về lợi thế này nên Hà Nội cần có những thông tin quảng bá hình ảnh, những đặc trưng của thành phố... để các nhà đầu tư tìm hiểu dễ dàng hơn.

- Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe, của Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu tới Việt Nam và đặc biệt là chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, được đánh giá sẽ tạo nên làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về triển vọng có một làn sóng như vậy vào Hà Nội?

Việt Nam và Nhật Bản đang trong thời kỳ tốt đẹp nhất từ trước tới nay của mối quan hệ song phương, từ đó tạo ra những cơ hội tốt nhất để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư. Để Hà Nội có thể đón nhận làn sóng đầu tư như hai bên mong muốn thì việc đầu tiên thành phố cần làm là đẩy mạnh các điều kiện, cải thiện môi trường đầu tư, cụ thể là hạ tầng cứng (đường sá, hệ thống nước thải...). Hà Nội có thể tham khảo những quốc gia đã rất thành công trong việc cải thiện môi trường đầu tư để hoàn thiện, học hỏi các nước đi trước để cải thiện cơ sở hạ tầng, lên kế hoạch thu hút đầu tư...

- Ông có đề xuất những kiến nghị gì nhằm cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư, thúc đẩy thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội thời gian tới?

Tôi nhận thấy khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải là hệ thống pháp luật. Các văn bản pháp luật Việt Nam có chỗ chưa rõ ràng, có những điều khó hiểu đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Khi gặp khó khăn, họ cũng chưa nhận được sự giải thích, giúp đỡ tích cực để có thể có những hiểu biết cặn kẽ hơn. Vì vậy, tôi cho rằng hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những điều cần thực hiện vì nó nằm trong hạng mục thu hút đầu tư.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam hay Hà Nội thường đưa theo cả gia đình. Do đó, họ muốn được cung cấp những điều kiện cơ bản để đáp ứng nhu cầu sinh sống tại Hà Nội như trường học, bệnh viện quốc tế đủ tiêu chuẩn... Những biển báo, biển hiệu trên đường phố ngoài tiếng Việt nên có thêm tiếng Anh để xây dựng một môi trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội là thị trường đầy tiềm năng