Quá tải tại các điểm cấp, đổi giấy phép lái xe: Đẩy khó cho người dân?

Tuấn Lương| 28/11/2016 07:28

Một số ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần có giải thích cụ thể hơn, không thể thuận lợi cho công tác quản lý mà đẩy khó cho người dân.

(HNM) - Dù đã tăng cường nhân lực, phương tiện, bố trí thêm điểm tiếp dân và đa dạng hóa hình thức phục vụ, song thời gian qua cả 3 điểm tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) của Sở GT-VT Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Một số ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần có giải thích cụ thể hơn, không thể thuận lợi cho công tác quản lý mà đẩy khó cho người dân.

Điểm nào cũng quá tải

Khoảng 2 tháng nay, cả 3 điểm tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX của Sở GT-VT Hà Nội (tại số 2 Phùng Hưng - quận Hà Đông, số 16 Cao Bá Quát - quận Ba Đình, Khu đô thị mới Việt Hưng - quận Long Biên) và điểm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (tại đường Tôn Thất Thuyết - quận Cầu Giấy) luôn trong tình trạng quá tải. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 24 và 25-11 cho thấy, ngay từ đầu buổi sáng, phòng chờ điểm cấp đổi số 2 Phùng Hưng và 16 Cao Bá Quát đã kín đặc người đến lấy số xếp hàng. Cán bộ tại các cửa tiếp nhận hồ sơ làm việc hết công suất. Tuy nhiên, người dân dồn về càng lúc càng đông.

Chị Nguyễn Thị Liên (đường Thanh Bình, quận Hà Đông) cho biết: “Tôi đi đổi GPLX ô tô. Nhà tôi chỉ cách bộ phận "một cửa" của Sở GT-VT Hà Nội vài trăm mét và đã ra từ rất sớm nhưng cũng phải xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt. Bảng thông báo trước cửa Phòng Tiếp nhận hồ sơ ghi rất rõ: GPLX mô tô đến hết năm 2020 mới hết hạn phải đổi nhưng vẫn có rất đông người chờ hàng tiếng để đổi”. Một số người khác cho biết, đến nơi mới biết hạn chót đổi của GPLX mô tô là năm 2020 nhưng mất công đến rồi nên đành bấm số xếp hàng.

Đáng nói là lợi dụng tình trạng quá tải, “cò” xuất hiện rất đông tại cả các điểm cấp đổi GPLX. Dù đã có bảng thông báo và hệ thống loa khuyến cáo người dân đến làm trực tiếp nhưng vẫn có không ít trường hợp tin vào “cò”, dẫn tới kết quả không như mong đợi. Trong vai người đi đổi GPLX, phóng viên được một “cò” ngã giá 500 nghìn đồng và yêu cầu cung cấp bản photocopy GPLX và chứng minh nhân dân, tuy nhiên đầu buổi chiều hoặc sáng hôm sau, khi có điện thoại của "cò" thì phải có mặt để vào chụp ảnh in GPLX.

Cần giải thích rõ ràng

Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, trước đây, trung bình mỗi ngày, cả 3 điểm của Sở tiếp nhận khoảng 600-700 hồ sơ cấp đổi GPLX các loại. Tuy nhiên, sau khi Bộ GT-VT ban hành Thông tư 58/2015/TT-BGTVT quy định về lộ trình chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy bìa sang vật liệu PET thì lượng công dân đến làm thủ tục tăng đột biến, đặc biệt các tháng cuối năm. Dù Sở GT-VT Hà Nội đã tăng cường nhân lực, phương tiện và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đa dạng phương thức cấp, đổi GPLX nhưng vẫn chưa đáp ứng được tốt nhu cầu của người dân.

Trong tháng 10 và 11-2016, Sở đã cấp đổi được khoảng 8.500 GPLX tại trụ sở gần 40 cơ quan, đơn vị. Còn tại 3 điểm của Sở, trong tháng 10-2016 đã đổi 36.000 GPLX các loại (trong đó có tới 25.000 GPLX mô tô); trong tháng 11-2016 đổi được gần 50.000 GPLX các loại (trong đó có hơn 30.000 GPLX mô tô). Trong tổng số GPLX đã đổi, có tới 35% GPLX thuộc quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GT-VT các địa phương nhưng chủ nhân đang sinh sống và học tập trên địa bàn Thủ đô.

“Chúng tôi cũng đã công khai thông tin về lộ trình đổi GPLX tại điểm tiếp nhận hồ sơ cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn có rất đông công dân đến đổi GPLX mô tô. Khi công dân có nhu cầu, chúng tôi vẫn tích cực phục vụ, song chính công dân cũng rất mệt mỏi, vất vả vì phải chờ đợi” - ông Nguyễn Đình Nghĩa nói.

Liên quan đến tình trạng “cò”, ông Nghĩa khẳng định, “cò” không thể can thiệp vào quy trình cấp, đổi GPLX của cơ quan nhà nước. Mọi công dân phải chụp ảnh trực tiếp để in lên bằng. Sở đã khuyến cáo rõ ràng để người dân tránh mất tiền oan.

Một số ý kiến cho rằng, Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra lộ trình cấp đổi nhằm mục tiêu quản lý hệ thống GPLX trên toàn quốc hiệu quả và chặt chẽ hơn là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần giải thích cụ thể và rõ ràng để người dân không hoang mang, lo lắng. Đề ra lộ trình là để phục vụ công tác quản lý, nhưng GPLX là của người sử dụng. Chính những thông tin thiếu rõ ràng đã trở thành nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải hiện nay. Như vậy, để thuận lợi cho công tác quản lý, cơ quan chức năng vô hình trung lại đẩy khó cho người dân.

Lộ trình cấp, đổi GPLX từ vật liệu bìa sang vật liệu PET

GPLX ô tô và giấy phép lái xe hạng A4: Trước ngày 31-12-2016. GPLX không thời hạn (hạng A1, A2, A3): Trước ngày 31-12-2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, người có GPLX bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX vật liệu PET.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá tải tại các điểm cấp, đổi giấy phép lái xe: Đẩy khó cho người dân?