Các huyện ngoại thành Hà Nội: Gồng mình cứu lúa, rau màu

Đỗ Minh| 23/08/2016 06:59

Nông dân các huyện ngoại thành đang gồng mình cứu lúa, rau màu và chống úng, ngập.

Cơn bão số 3 vừa qua đã gây mưa lớn trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê của Ngành Nông nghiệp, tính đến ngày 22-8, toàn thành phố có 687ha lúa bị ngập trắng, trên 2.949ha lúa bị sâu nước, khoảng 800ha rau bị ngập, giập nát... và nhiều diện tích thủy sản, gia cầm bị nước cuốn trôi. Nông dân các huyện ngoại thành đang gồng mình cứu lúa, rau màu và chống úng, ngập.

Lúa, rau màu ngập trắng, thủy sản chết…

Sáng 22-8, cùng Sở NN&PTNT đi kiểm tra sản xuất và tình hình ngập úng ở cơ sở, chúng tôi thấy dọc theo các xã vùng bãi huyện Quốc Oai như Cấn Hữu, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa… nước bao phủ trắng cả một vùng. Anh Nguyễn Văn Sáu, thôn Bến Vôi, xã Cấn Hữu, cho biết: Gia đình có trên 100 mẫu ao nuôi cá, vịt. Mưa lớn đã khiến toàn bộ ao bị ngập trắng, trên 3 nghìn vịt con và hơn 1 nghìn vịt đẻ bị chết. “Không chỉ vịt, cá thả trong ao cũng trôi đi rất nhiều, thiệt hại phải trên 300 triệu đồng” - anh Sáu xót xa. Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Độ, thôn Linh Tú, xã Cấn Hữu, cũng thiệt hại không nhỏ. “Mưa lớn, nước dâng đã khiến hơn 2.000 con vịt trong tổng số 6.000 con của gia đình bị nước cuốn đi. Hàng trăm triệu đồng vay vốn nuôi vịt giờ không biết lấy gì để trả” - ông Độ buồn rầu.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm: Bão kèm theo mưa lớn khiến nước sông Tích lên nhanh làm một phần diện tích địa phương vùng trũng thấp của huyện ngập sâu. Tổng diện tích lúa ngập là 118,2ha; diện tích lúa, hoa màu, thủy sản ngoài sông bị ngập trắng là 49,52ha. Bên cạnh đó, xóm Phú Cao (Thôn 1, xã Phú Cát) và thôn Bến Vôi (Cấn Hữu) còn bị nước cô lập, UBND huyện phải bố trí xuồng để giúp nông dân, đặc biệt là học sinh đi lại.

Hàng trăm héc ta lúa tại Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ,… cũng bị ngập trắng và sâu nước. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: Hiện diện tích lúa bị úng, ngập của huyện khoảng 330ha, trong đó ngập sâu, ngập trắng 190ha; diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập 80ha, diện tích ngô, rau màu các loại là 27ha.

Cánh đồng Cấn (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) chìm trong nước.


Khẩn trương khắc phục, bảo đảm sản xuất

Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai Đoàn Hùng Thái cho biết: Để kịp thời khắc phục hậu quả sau bão số 3, Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai đã vận hành 9 trạm bơm tiêu úng và các trạm bơm tiêu khác do địa phương quản lý... để chống úng. UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Cấn Hữu huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, tổ chức chống tràn cho 500m đê bao Đồng Quan và 1.200m đê bao Đồng Giắp; xử lý phần rò rỉ nước cống Khúc Vạy.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm, huyện đã có chủ trương không cấy lúa mùa và sản xuất thủy sản, tuy nhiên, nhiều hộ nông dân vẫn sản xuất nên thiệt hại khá lớn. “Dự báo mực nước sông Tích sẽ còn tiếp tục dâng cao, gây áp lực đối với các tuyến đê bao cấp V và đê tả Tích. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tổ chức chống tràn khi mực nước sông Tích ở mức báo động lũ cấp 3; đồng thời, huy động 2 xuồng làm phương tiện di chuyển cho nhân dân thôn Phú Cao (xã Phú Cát) và thôn Bến Vôi (Cấn Hữu) bị nước cô lập” - ông Lâm cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc: Để tiêu úng cứu lúa, rau màu, thủy sản, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai huyện đã chống tràn xong chiều dài đoạn đê bị ngập 1.800m; sử dụng cọc tre, bao tải để hộ đê, giữ đê. Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện và các HTX nông nghiệp tiếp tục vận hành 18 trạm bơm tiêu úng tại hầu hết các xã bị ngập, úng. Đồng thời giám sát, kiểm tra chặt chẽ đề phòng sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Trần Thanh Nhã cho biết: Để ứng phó với những thiệt hại do mưa bão số 3 gây ra, Sở đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các quận, huyện để có phương án khắc phục. Các doanh nghiệp thủy lợi đã vận hành 123 trạm bơm tiêu, với 496 máy bơm các loại; tổng lưu lượng bơm tiêu khoảng 1,556 triệu mét khối/giờ. Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đê, kè, cống, hồ, đập phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố; tổ chức lực lượng ứng trực, chủ động tiêu thoát nước, vận hành các trạm bơm tiêu khi nước dồn. Dự kiến, trong một hai ngày tới, nếu trời không mưa, sẽ tiêu úng cho toàn bộ lúa và rau màu, thủy sản. Đối với những vùng rau không thể khắc phục, Sở khuyến cáo UBND các huyện, xã chỉ đạo nông dân nhanh chóng giải phóng đất, gieo bù những cây ngắn ngày. Tuy nhiên, về lâu dài, đối với các vùng bãi, thường xuyên bị úng ngập cần được chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tránh những thiệt hại không đáng có.

Chủ tịch nước gửi thư khen các lực lượng giúp dân chống bão

Trong đợt bão số 3 vừa qua, cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ đã tích cực tham gia cứu nạn, cứu hộ, giúp nhân dân phòng, chống bão, lũ. Ngày 22-8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi Thư khen các lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Nội dung nêu rõ: Những nghĩa cử cao đẹp trên mang đậm bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng, vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Chủ tịch nước mong muốn, các lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, có nhiều việc làm tốt đẹp hơn nữa trong việc giúp dân, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Thư Kỳ



Hà Nội vận hành các trạm bơm để ứng phó với mưa bão

Sáng 22-8, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội có mưa. Lượng mưa đo được tại khu vực Thanh Liệt là 65,5mm, Linh Đàm 54,6mm, Cầu Giấy, Mễ Trì, hồ Tây 32-37mm... Một số điểm khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... bị ngập cục bộ. Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, tổng lượng mưa đo được từ 18h ngày 18-8 đến 8h ngày 22-8 tại Vân Hồ, Nguyễn Khuyến, Mễ Trì, Hoàn Kiếm, Xuân Đỉnh, Yên Sở ở mức 222mm-274mm.

Trong ngày 22-8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trên địa bàn thành phố xuất hiện những trận mưa vùng. Tại đập Thanh Liệt, mực nước tại sông Tô Lịch là 4,19m, sông Nhuệ 4,22m, Công ty đã mở đập Thanh Liệt, vận hành Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm khác để hỗ trợ hạ mực nước sông Nhuệ, cũng như trên hệ thống về cao trình quy định, sẵn sàng ứng phó với những trận mưa tiếp theo.

Trong khi đó, chiều 22-8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, đã xuất hiện vùng áp thấp kèm mưa dông, sóng lớn, gió giật mạnh trên khu vực giữa và Nam Biển Đông.

Hương Ly - Phương Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các huyện ngoại thành Hà Nội: Gồng mình cứu lúa, rau màu