Hà Nội bất lực với xe 3 bánh ngông nghênh giữa đường phố

Nguồn: CAND| 10/08/2016 18:21

Chủ xe thu nhập trung bình 20 triệu đồng/tháng, chuyên chở hàng hóa với giá rẻ hơn nhiều lần so với taxi tải, lại có thể chạy bất kỳ khung giờ, tuyến đường nào, thậm chí mọi ngõ ngách trên địa bàn Thủ đô.

Chủ xe thu nhập trung bình 20 triệu đồng/tháng, chuyên chở hàng hóa với giá rẻ hơn nhiều lần so với taxi tải, lại có thể chạy bất kỳ khung giờ, tuyến đường nào, thậm chí mọi ngõ ngách trên địa bàn Thủ đô- đó là những lý do khiến cho hàng ngàn chiếc xe 3 bánh giả danh xe thương binh vẫn đang ung dung hoạt động mỗi ngày.

Chở hàng hóa cồng kềnh, vượt đèn đỏ, len lỏi, lạng lách gây ùn tắc giao thông - xe 3 bánh từng được ví như “hung thần” trên đường phố Hà Nội.

Ngông nghênh giữa phố


Rất dễ để quan sát rõ nhất hình ảnh những chiếc xe 3 bánh “tung hoành” trên các tuyến phố. Khoảng 10h30 ngày 5-8 chúng tôi có mặt tại phố Đê La Thành- vốn được coi là tuyến phố cơ khí, sắt thép của Hà Nội. Tại khu vực ngã tư Hoàng Cầu-Đê La Thành, 4 chiếc xe 3 bánh đang xếp hàng chờ việc. Cánh lái xe thảnh thơi tụ tập trên thùng xe làm vài ván cờ.

Xe ba bánh chở hàng cồng kềnh, góp phần làm gia tăng ùn tắc giao thông.


Trong khi đó, trước một cửa hàng sắt thép đầu phố Đê La Thành, một chiếc xe 3 bánh chềnh ềnh ngang nhiên đỗ ngay dưới lòng đường. Phố Đê La Thành vốn đã nhỏ hẹp, lại thêm tình trạng xe 3 bánh dừng đỗ tự do, khiến cho giao thông ùn ứ thường xuyên xảy ra, mặc dù không phải giờ cao điểm. 2 người đàn ông hô hoán lấy hết sức bình sinh chuyển những cuộn sắt thép dài gần chục mét xếp lên chiếc xe 3 bánh.

Chiếc xe bắt đầu chuyển bánh, cuộn sắt dài loằng ngoằng, lia qua lia lại như muốn quệt vào người đi đường. Không chỉ cồng kềnh giữa phố, từ chiếc ống xả kêu pành pạch của chiếc xe này liên tiếp xảy ra những vạt khói đen xì, khét lẹt thẳng vào mặt người đi phía sau.

Tại đường Trường Chinh, đoạn gần ngã tư Giải Phóng - Trường Chinh, gần 11h, giữa dòng phương tiện lộn xộn, 2 chiếc xe 3 bánh chở cốt pha, xà cồ loằng ngoằng cố gắng len lỏi, càng khiến cho dòng xe ùn tắc thêm trầm trọng. Người thanh niên điều khiển một chiếc xe 3 bánh chỉ chừng 30 tuổi, đầu đội mũ cối, đeo kính đen và không quên khoác trên mình bộ quần áo bộ đội. Ngồi cùng trên cabin còn có thêm 1 “phụ xe” khá nhiều tuổi, với chiếc nạng gỗ trên tay. Nhiều người đi đường tỏ ra bức xúc với kiểu một mình một đường của chiếc xe 3 bánh này.

Có mặt tại đường Giải Phóng trưa 5-8, chúng tôi bắt gặp nhiều chủ xe 3 bánh tự chế đỗ sát vệ đường chờ khách đến thuê chở hàng. Cái nắng nóng hầm hập từ mặt đường bốc lên, khiến lái xe nào cũng nhễ nhại mồ hôi. Thấy chúng tôi lân la hỏi chuyện, một tài xế xe 3 bánh than thở: “Nóng 40 độ C thật đấy, nhưng trưa mới là lúc mà dân 3 bánh bận nhất, không có CSGT, đường vắng nên tranh thủ cày cuốc. Từ sáng đến giờ mới được một “cuốc”, nên vẫn phải bám mặt đường để chờ khách tiếp”.

Thu nhập khủng

Phố Tây Sơn, khoảng 10h sáng 5-8, chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Quốc Văn, một lái xe 3 bánh tự chế đang nằm vắt vẻo trên chiếc võng mắc ngang thùng xe. Do chưa có mối khách nào từ sáng đến giờ, nên anh Văn vẫn thong thả làm mấy hơi thuốc lào rồi nằm ngắm phố phường, rảnh nữa thì làm vài ván “xòe quạt” với anh em chạy xe 3 bánh khác. Anh kể, cách đây gần chục năm, nghe người bạn mách mối, anh bỏ số tiền hơn 20 triệu mua một chiếc xe ba bánh tại một xưởng sản xuất ở Hà Đông.

Mặc dù không phải thương binh, nhưng khi đi chạy xe anh Văn cũng “đánh” cả cây rằn ri, hay bộ quần áo bộ đội cho giống thương binh thật. Chẳng may khi bị lực lượng CSGT bắt giữ, anh lại… “xin xỏ”, bí quá thì nhờ người bạn là thương binh thật đứng ra bảo lãnh.

“Giờ lực lượng CSGT kiểm tra gắt gao lắm. Có thẻ thương binh rồi, họ còn yêu cầu phải có cả xác nhận của phường, xã, thẻ bảo hiểm y tế… họ mới chấp nhận, nên làm ăn giờ cũng khó hơn nhiều”, anh Văn cho biết. Khi biết chúng tôi có nhu cầu thuê xe để chở đồ chuyển nhà, anh Văn vui vẻ nhận lời: “Bất cứ giờ nào, tuyến đường nào xe anh cũng chạy được. Nếu tránh được vào giờ cao điểm để đỡ ùn tắc đường thì tốt nhất”.

Với đoạn đường 3km vào trong ngõ sâu, anh “thương binh giả” ra giá 150.000 đồng. Nhìn chiếc xe 3 bánh “chinh chiến” cả chục năm nay đã cũ kĩ, hoen gỉ oằn mình xuống như một con ngựa già, ít ai có thể nghĩ, trung bình mỗi tháng, trừ tất cả các khoản chi phí sinh hoạt, anh Văn có thể bỏ túi 20 triệu đồng. Anh khẳng định, đây cũng là thu nhập của hầu hết các lái xe 3 bánh đã có thâm niên lâu năm như anh tại Hà Nội.

Tuy nhiên, đối với những người mới vào “nghề” chạy xe 3 bánh như trường hợp anh Nguyễn Văn Hưng, trú tại huyện Mê Linh, thì thu nhập có phần eo hẹp hơn. Ở quê, gia đình anh Hưng có cả mẫu đất trồng hoa màu nhưng sau một vụ tai nạn giao thông sức khỏe giảm sút, hơn nữa công việc kinh doanh hoa màu tại các chợ đầu mối không được thuận lợi như trước kia nên anh quyết định rời quê về trung tâm Hà Nội kiếm sống bằng nghề chạy xe 3 bánh.

Chiếc xe 3 bánh hiện của anh là do mua lại của một người bạn với giá 10 triệu đồng. Thuê trọ với giá 20.000 đồng/tối, tằn tiện chi tiêu, thì mỗi ngày anh Hưng cũng bỏ ra được vài trăm nghìn, thời gian công việc lại không gò bó, thích nghỉ ngày nào thì nghỉ.

Trò chuyện với một số chủ cửa hàng chuyên kinh doanh đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng trên đường Đê La Thành, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Giải Phóng… chúng tôi dễ dàng nhận được câu trả lời vì sao họ lại “cần” xe 3 bánh.

Anh Nguyễn Quốc Quân, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở đường Hoàng Quốc Việt phân tích: “Thuê xe chở gạch, ngói mà tìm xe taxi tải vừa “chết” tiền, lại không tiện như cái xe 3 bánh này. Nhà trong ngõ nhỏ, taxi tải không vào đến nơi được, nhưng 3 bánh thì cứ gọi là tận cửa luôn”.

Chẳng thế mà trong sổ điện thoại của các cửa hàng vật liệu xây dựng, nội thất, các cơ sở gia công sắt thép… hầu như nhà nào cũng có vài ba số điện thoại của xe 3 bánh. Xe 3 bánh rẻ, tiện lợi nên đây cũng là lý do mà nhiều người dân có nhu cầu vận chuyển đồ đạc tìm đến thuê xe 3 bánh chở hàng…

Thông tin từ Phòng CSGT, hiện trên địa bàn TP Hà Nội chỉ có hơn 30 xe 3 bánh có đăng ký, được phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại của thương binh. Như vậy, ngoài những chiếc xe 3 bánh được đăng ký ở các tỉnh khác mang về Hà Nội lưu hành, hàng ngàn chiếc xe 3 bánh đang lưu thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội phần lớn đều là tự chế, giả danh thương binh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội bất lực với xe 3 bánh ngông nghênh giữa đường phố