Hoạt động kinh doanh trái phép trên Hồ Tây: Quyết tâm giải tỏa, lập lại trật tự

Tuấn Lương| 04/07/2016 07:07

Các phương tiện thủy, nhà hàng nổi hoạt động trên Hồ Tây suốt thời gian dài, đã ngang nhiên xả thải ảnh hưởng tới môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

(NSHN) - Các phương tiện thủy, nhà hàng nổi hoạt động trên Hồ Tây suốt thời gian dài, đã ngang nhiên xả thải ảnh hưởng tới môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.Trước tình hình đó, TP Hà Nội quyết tâm giải tỏa, quy hoạch lại hoạt động này nhằm bảo tồn danh lam thắng cảnh Hồ Tây là việc làm cần thiết. Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) khẳng định việc đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp trên Hồ Tây là tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Sau khi Sở GT-VT đình chỉ hoạt động của các phương tiện thủy trên Hồ Tây, kể từ ngày 20-6, ba doanh nghiệp (DN) có du thuyền, nhà hàng nổi, gồm Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây, Công ty TNHH Nhuận Mai và Công ty cổ phần Sông POTOMAC đã có đơn kiến nghị, gửi tới các cơ quan chức năng.

Theo đơn, ngày 12-5-2008, các DN đã di dời lần thứ nhất từ vị trí đường Thanh Niên về địa điểm mới số 2 đến số 10 đường ven hồ Thụy Khuê. Đây là địa điểm được UBND quận Tây Hồ thỏa thuận và được Sở GT-VT cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, với thời hạn một năm. Theo quy định quản lý về giao thông đường thủy, khi hết hạn sẽ được gia hạn, như các lần trước đó. Tuy nhiên, sau khi hết hạn một năm (tháng 5-2009), các DN đã không được Sở GT-VT gia hạn giấy phép, với lý do là hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí trên Hồ Tây phải có giấy phép "con" và giao cho UBND quận Tây Hồ cấp. Song do không có hướng dẫn cụ thể nên quận Tây Hồ không cấp giấy phép "con" cho DN.

Thừa nhận những bất cập trong hoạt động của các phương tiện thủy trên Hồ Tây, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT cho rằng, từ tháng 5-2009 đến nay, các DN hoạt động trong tình trạng chưa được cấp phép bến. Tàu thuyền được cải biến nhiều lần nhưng lại không được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xem có đủ điều kiện hay không. Ngoài ra, các phương tiện không bảo đảm tiêu chí về an toàn PCCC, vệ sinh môi trường... Cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng chưa dứt điểm.


Nhiều nhà hàng nổi đang hoạt động trái phép trên Hồ Tây. Ảnh: Anh Tuấn


Sau vụ chìm tàu du lịch trên Sông Hàn (Đà Nẵng) mới đây, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ GT-VT đã có văn bản yêu cầu các địa phương, trong đó có Hà Nội, phải rà soát, chấn chỉnh, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong hoạt động vận tải thủy. Do đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện thủy. Trong thời gian kiểm tra, các đơn vị phải đình chỉ hoạt động. "Việc đình chỉ này tuân thủ các quy định của pháp luật và nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dân và DN. Dự kiến, trong tháng 7-2016 sẽ kết thúc kiểm tra, sau đó, sẽ tập hợp ý kiến DN để trình UBND thành phố" - ông Vũ Văn Viện nói.

Cũng trong đơn kiến nghị nói trên, ba DN cho rằng, việc tạm dừng hoạt động này ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của gần 200 lao động và ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở GT-VT nhấn mạnh, đình chỉ là do DN không bảo đảm an toàn nên phải ngừng hoạt động. Không thể vì lợi ích của DN mà đưa vào hoạt động, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người dân. Cơ quan chức năng sẽ thanh tra sớm, xem đơn vị nào bảo đảm điều kiện để có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Ông Vũ Văn Viện cho biết, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương giao UBND quận Tây Hồ chủ trì, lập quy hoạch bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bẩy. Sau khi quy hoạch, không chỉ có cầu tàu mà còn có các dịch vụ khác, bảo đảm an toàn cao nhất cho du khách; qua đó từng bước đưa nơi đây thành địa điểm du lịch, hỗ trợ khai thác hiệu quả một trong những danh lam thắng cảnh đặc trưng hàng đầu của Thủ đô.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn: Các du thuyền đã tồn tại từ nhiều năm. Ban đầu có 5 DN, sau cổ phần hóa và tách thành 13 DN, với 8 du thuyền, 13 xuồng máy, 10 thuyền chèo tay, 115 vịt đạp nước, 2 tàu thể thao và 16 cầu, sàn cứng không có thiết kế đăng kiểm. Trong đó, chỉ có 10 du thuyền, xuồng máy và 115 vịt đạp nước của Công ty cổ phần Sông POTOMAC, Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây, Xí nghiệp Môi trường Hồ Tây… là được cấp phép hoạt động. Còn lại 15 phương tiện và 16 cầu, sàn đều hoạt động trái phép. Bên cạnh đó, đa số tàu thuyền khu vực này đã tự ý hoán cải, mở rộng kích thước để kinh doanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa an toàn tính mạng của du khách, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường hồ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động kinh doanh trái phép trên Hồ Tây: Quyết tâm giải tỏa, lập lại trật tự