Dẹp chợ cóc, chợ tạm: Bài toán nan giải

Việt Tuấn| 26/06/2016 06:30

Giải tỏa chợ cóc, chợ tạm dù được quan tâm, song tại nhiều nơi chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” và việc tìm ra giải pháp phù hợp vẫn là bài toán nan giải.

Các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu hằng ngày của người dân, vì thế phát sinh các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm tràn lan gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vệ sinh môi trường (VSMT)... Giải tỏa chợ cóc, chợ tạm dù được quan tâm, song tại nhiều nơi chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” và việc tìm ra giải pháp phù hợp vẫn là bài toán nan giải.

Dẹp chỗ này phình chỗ khác

Hiện trên địa bàn thành phố có 425 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng 3 và 34 chợ chưa phân hạng (chưa kể các chợ cóc, chợ tạm). Theo quy định, ngoài các chợ hạng 1 do UBND cấp tỉnh quản lý, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý chợ hạng II; UBND các phường, xã, thị trấn quản lý chợ hạng III trên địa bàn, bao gồm an ninh trật tự, ATVSTP, phòng chống cháy nổ, VSMT, khiếu nại, tố cáo…

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, số chợ dân sinh hiện có không đáp ứng được nhu cầu của người dân nên chợ cóc, chợ tạm phát sinh tràn lan, khiến người dân bức xúc kiến nghị nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Đơn cử như quận Ba Đình, hiện chỉ có 8 chợ dân sinh, phân bố trên 5 phường, còn lại 7 phường chưa có chợ. Tương tự, tại quận Cầu Giấy chợ phân bố không đồng đều, có nơi 3 chợ dân sinh, nhưng có nơi chỉ có một chợ, trong khi dân cư đông đúc... Quận Hà Đông cũng có 16 chợ dân sinh song cũng không đủ đáp ứng nhu cầu, vẫn tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm, nhất là tại các khu đô thị mới...

Những năm qua, đặc biệt từ năm 2014 (năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị của UBND TP Hà Nội về “Năm trật tự và văn minh đô thị”), UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng, các quận, huyện, thị xã quyết tâm giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm gắn với thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Sở Công thương đã tích cực giám sát công tác giải tỏa các tụ điểm chợ cóc trên địa bàn, xử lý triệt để việc bán hàng không bảo đảm vệ sinh theo quy định. Cùng với đó, các địa phương còn tổ chức ký cam kết với các hộ dân có vi phạm... Song theo ghi nhận, dù rất nỗ lực dẹp bỏ, nhưng loại hình chợ cóc, chợ tạm dẹp chỗ này phình chỗ khác, thành phố mới dẹp được hơn 100 chợ cóc. Nhiều chợ cóc, chợ tạm chỉ được giải tỏa khi có lực lượng làm trật tự, sau đó lại tái diễn bởi nhu cầu người mua thì ắt có nguồn cung. Thậm chí, nhiều người bán hàng còn đối phó bằng cách chất hàng lên xe bán hàng lưu động, khi có lực lượng chức năng đến thì di chuyển đến khu vực khác. Cũng do tự phát, thiếu sự quản lý nên việc bán hàng tại các chợ này không theo quy củ, không bảo đảm VSMT, ATVSTP là phổ biến…


Chợ cóc tại Ngũ Hiệp - Thanh Trì. Ảnh: Anh Tuấn


Cần giải pháp phù hợp

Theo ghi nhận ý kiến từ nhiều người dân ở khu vực Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân…, nguyên nhân khiến chợ cóc, chợ tạm tồn tại vì các mặt hàng bán tại đây thường có giá rẻ hơn siêu thị, chợ truyền thống. Đặc biệt là sự tiện lợi, dễ mua, dễ bán, không phải gửi xe, đa phần là những thực phẩm do người dân vùng ngoại thành mang đến bán trực tiếp.

Thực tế cho thấy, để giải tỏa được toàn bộ chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn Thủ đô là một bài toán không dễ giải. Yêu cầu đầu tiên đặt ra là chính quyền các cấp và ngành chức năng phải quan tâm, đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu của người dân. Điều này không dễ bởi theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong khu vực nội thành vẫn rất thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng chợ dân sinh. Cùng với đó, với tập quán sinh hoạt, thói quen mua sắm của người dân hiện nay cũng khó có thể dẹp bỏ ngay chợ cóc, chợ tạm. Bằng chứng là có không ít chợ sau khi được cải tạo hoặc di chuyển sang một địa bàn khác cho phù hợp với quy hoạch thì lại không có người đến mua bán và lại phát sinh chợ cóc, chợ tạm.

Trong lúc khó giải tỏa chợ cóc, chợ tạm thì yêu cầu đặt ra là cần có giải pháp quản lý cho phù hợp. Vì nếu thiếu sự quản lý thì sẽ dẫn đến mất an ninh, an toàn. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, trong lúc hệ thống chợ dân sinh chưa đáp ứng được nhu cầu, chờ Nhà nước bố trí đất quy hoạch xây dựng thì cũng cần tìm phương pháp quản lý chợ cóc, chợ tạm cho hợp lý. Trước mắt, cần rà soát lại xem địa bàn nào thấy phù hợp tạm thời thì giao cho các phường sở tại quản lý, yêu cầu những hộ buôn bán tổ chức bán hàng có trật tự, giữ gìn vệ sinh, bảo đảm mỹ quan đô thị, ký cam kết không xả rác bừa bãi.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, quận cũng đã chỉ đạo các lực lượng quyết dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm tồn tại trên địa bàn. Song riêng chợ tạm Phan Đình Phùng - Trần Văn Chuông, hiện có nhiều tiểu thương buôn bán ổn định, nên UBND quận đã đề nghị với UBND thành phố cho phép lùi thời gian giải tỏa chợ này đến năm 2019. Trong quá trình chưa giải tỏa, quận Hà Đông xây dựng phương án tổ chức lại chợ, tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động giao thương cũng như bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực chợ.

Việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm không làm được triệt để sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu. Việc cần thiết hiện nay là mỗi địa phương cần đánh giá lại hệ thống chợ trên địa bàn, kể cả chợ cóc, chợ tạm. Những chợ cóc, chợ tạm nào thực sự cần thiết và đáp ứng được các tiêu chí cơ bản thì nên sắp xếp, quản lý chặt chẽ; đồng thời kiên quyết giải tỏa những chợ cóc, chợ tạm không phù hợp nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị, VSMT và ATVSTP, an ninh trật tự. Điều này cần một chủ trương chung trong toàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẹp chợ cóc, chợ tạm: Bài toán nan giải