Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiết kiệm chi phí, bảo đảm mỹ quan đô thị

Việt Nga| 23/06/2020 06:22

(HNM) - Cách đây 10-15 năm, hạ tầng viễn thông mạnh chính là “vũ khí” để các nhà mạng cạnh tranh cung cấp dịch vụ đến khách hàng. Song, khi các nhà mạng đều phát triển mạng lưới trên toàn quốc, cũng là lúc đặt ra vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng, giúp tiết kiệm cho chính doanh nghiệp đồng thời bảo đảm mỹ quan đô thị. Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã tiên phong xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật và dùng chung cột ăng ten thu phát sóng (BTS).

Phố Trung Liệt (quận Đống Đa) phong quang, sạch đẹp hơn sau khi hạ ngầm dây, cáp viễn thông. Ảnh: Đỗ Tâm

Bảo đảm cảnh quan và an toàn

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thực trạng các hệ thống BTS, cột điện, cột chiếu sáng, cột biển báo giao thông... cùng tồn tại và kèm hệ thống dây chằng chịt vừa làm xấu cảnh quan đô thị vừa có thể gây nguy hiểm cho người dân. Do vậy, từ năm 2010, thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, điện lực, truyền hình cáp... đầu tư công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật và dùng chung BTS.

Trưởng phòng Bưu chính viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, đến nay đã có 150/255 tuyến phố hoàn thành hạ ngầm, dùng chung hạ tầng kỹ thuật; các tuyến phố còn lại đang tiếp tục triển khai trong năm nay. Ngoài ra, còn có 173 công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, sau khi thí điểm dùng chung trạm BTS tại 10 vị trí trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (năm 2010), hiện đã có 3.100/10.000 trạm BTS trên toàn thành phố được các nhà mạng dùng chung. Như vậy, tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông giữa các nhà mạng trên địa bàn thành phố đã đạt 30%. “Các tuyến phố sau khi hạ ngầm dây, cáp viễn thông, điện lực và dùng chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã mang diện mạo mới, góp phần giữ gìn cảnh quan phố phường đẹp hơn, văn minh hơn”, ông Nguyễn Tiến Sỹ nói.

Sinh sống ở khu vực vừa thực hiện hạ ngầm, dùng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, bà Lê Thùy Linh, trú tại số 42 phố Trung Liệt (quận Đống Đa) nhận xét, trước đây dây cáp viễn thông chằng chịt vừa mất mỹ quan, vừa gây nguy cơ mất an toàn, thì nay đường phố phong quang, sạch đẹp hơn hẳn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Minh Cường cho rằng, thành phố Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà trạm, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm), bởi tính chung trên toàn quốc, tỷ lệ dùng chung hạ tầng giữa các nhà mạng còn hạn chế.

"Thực tế, việc các nhà cung cấp dịch vụ di động sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư, vận hành - bảo trì, bảo dưỡng, mà còn bảo đảm cảnh quan môi trường văn minh, an toàn của người dân. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 52/CT-BTTTT (ngày 11-11-2019) về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông", ông Hoàng Minh Cường cho biết.

Tiếp tục nhân rộng mô hình dùng chung

Nhận thấy lợi ích của việc sử dụng chung hạ tầng viễn thông, đầu tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã tiên phong ký thỏa thuận dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động tại 700 vị trí. Tiếp đó sang đầu tháng 6-2020, cả 4 nhà mạng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), VNPT, MobiFone và Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel) ký thỏa thuận dùng chung tại hơn 1.300 vị trí trong các năm 2020 và 2021. Như vậy, mô hình dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông tiếp tục được các doanh nghiệp viễn thông chủ động triển khai, nhân rộng.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cho biết, nếu cùng sử dụng chung vị trí nhà trạm, BTS, các nhà mạng sẽ tiết kiệm 1/3 chi phí so với đầu tư mới. Đặc biệt khi sắp tới, các nhà mạng triển khai mạng 5G việc dùng chung hạ tầng viễn thông là rất quan trọng, vì ước tính xây dựng hạ tầng mạng 5G tốn gấp 3 lần so với mạng 3G, 4G.

Cùng quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm kỳ vọng, việc chia sẻ và dùng chung hạ tầng mạng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp viễn thông và xã hội, từ đó mở ra tiềm năng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. 

“Việc ký thỏa thuận chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng giữa các nhà mạng khẳng định sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong việc triển khai Chỉ thị số 52/CT-BTTTT, đồng thời góp phần tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước và cho chính nhà mạng”, Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường nhấn mạnh.

Thông tin thêm về việc hợp tác giữa các nhà mạng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Văn Tuấn khẳng định, việc thỏa thuận dùng chung hạ tầng không chỉ thể hiện sự tin tưởng hợp tác giữa các doanh nghiệp viễn thông mà còn góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị cho Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm chi phí, bảo đảm mỹ quan đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.