Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết thực mô hình chữa cháy công cộng

Tiến Thành| 18/02/2020 07:00

(HNM) - “Phố nhỏ, ngõ nhỏ” là đặc trưng của quận Hoàn Kiếm và đây cũng là vấn đề nan giải trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Từ thực tế đó, quận Hoàn Kiếm đã triển khai mô hình lắp đặt các thiết bị chữa cháy công cộng trong các ngõ phố, tạo hiệu quả tích cực về phòng cháy, chữa cháy và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân.

Công an quận Hoàn Kiếm hướng dẫn người dân và lực lượng chức năng sử dụng bình chữa cháy tại điểm lắp đặt thiết bị.

Ý nguyện của người dân

Chiều rộng chỉ khoảng 1,5m, đủ cho hai xe máy đi ngược chiều tránh nhau, tuy nhiên ngõ 74 phố Hàng Quạt (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) lại có đến 28 hộ dân cùng sinh sống. “Công tác phòng cháy, chữa cháy tuy đã được các hộ dân chú ý nhưng vẫn rất lo lắng khi ngõ nhỏ, phương tiện chữa cháy không thể tiếp cận nếu có sự cố”, Bí thư chi bộ Khu dân cư Hàng Quạt - Tố Tịch Nguyễn Quang Thịnh nói.

Vì vậy, việc ngõ được trang bị bình cứu hỏa khiến người dân rất an tâm. Giá treo bình cứu hỏa cao khoảng 1,4m, nên mọi người đều có thể dễ dàng lấy xuống để sử dụng. Tiêu lệnh chữa cháy ngoài hướng dẫn bằng tiếng Việt còn có hướng dẫn bằng tiếng Anh để khách du lịch nước ngoài biết và sử dụng nếu có sự cố tại nơi lưu trú.

Theo dõi việc lắp đặt thiết bị chữa cháy, chị Đào Thị Ánh Tuyết (38 tuổi, trú ở ngõ 74 phố Hàng Quạt) không giấu nổi niềm vui: “Tôi kinh doanh ăn uống ở đầu ngõ, cũng sử dụng lửa nên việc có thiết bị chữa cháy ngay bên cạnh sẽ giúp tôi xử lý nhanh nếu có sự cố cháy xảy ra”.

Rộng hơn ngõ 74 Hàng Quạt, nhưng ngõ Hàng Chỉ (phường Hàng Gai) lại có đặc điểm là nằm trong phố Hàng Hòm, nơi kinh doanh hóa chất lớn nhất của thành phố Hà Nội. Sinh sống ở nơi có nguy cơ lớn về cháy nổ nên bà Đoàn Thị Nhuận (ngõ Hàng Chỉ, phường Hàng Gai) cho biết, người dân mong muốn có thiết bị chữa cháy công cộng từ rất lâu. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đến nay ý nguyện đó đã trở thành hiện thực.

Đại úy Nguyễn Văn Long - Phó trưởng Công an phường Hàng Gai cho biết, việc lắp đặt các thiết bị phải bảo đảm khoa học, thẩm mỹ, tiết kiệm và dễ vận hành, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Bên cạnh việc trang bị thiết bị chữa cháy công cộng, phường cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho 100% hộ dân về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy cơ bản, nhất là các thiết bị chữa cháy công cộng.

Phường Hàng Bài cũng vừa lắp đặt xong thiết bị chữa cháy tại 4 điểm, gồm: Ngõ 50 phố Hàng Bài, ngõ 32 phố Trần Quốc Toản, ngõ 27 phố Bà Triệu và ngõ 3 phố Hàm Long. Theo Thượng úy Công Văn Kiên, cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàn Kiếm), đây không chỉ là các thiết bị chữa cháy để sử dụng khi xảy ra sự cố, mà với mục đích cao hơn là phương pháp tuyên truyền trực quan, ngày nào người dân cũng nhìn thấy để dần nâng cao hơn nữa ý thức tự phòng, chống cháy nổ.

Bà Ngô Thị Tuyết (trú tại ngõ 32, phố Trần Quốc Toản) chia sẻ: "Việc lắp đặt thiết bị chữa cháy được người dân đồng thuận và ủng hộ. Hiện người dân đã hoàn toàn yên tâm trong việc xử lý nếu có sự cố cháy nổ xảy ra”.

Là địa bàn “điểm” của quận Hoàn Kiếm trong công tác lắp đặt điểm chữa cháy công cộng, đến nay phường Chương Dương đã hoàn thành lắp đặt bình chữa cháy công cộng tại 107 ngõ với 122 điểm. Theo Trung tá Nguyễn Chiến Thắng, Phó trưởng Công an phường Chương Dương, các khu dân cư, tổ dân phố đều họp lấy ý kiến của người dân trước khi thực hiện.

“Địa bàn phường có nhiều khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao trong khi hạ tầng, giao thông phục vụ chữa cháy còn hạn chế. Với sự đồng tình của người dân, đến nay toàn bộ các ngõ của phường đã được lắp đặt thiết bị chữa cháy công cộng, bảo đảm phục vụ tốt hơn công tác phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư”, Trung tá Nguyễn Chiến Thắng khẳng định.

Nhân rộng mô hình

Nhận thấy hiệu quả của mô hình lắp đặt các thiết bị chữa cháy công cộng trong các ngõ phố, quận đã triển khai lắp đặt tại tất cả các phường và việc này nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp chính quyền quận Hoàn Kiếm.

Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm Nguyễn Hoàng Đức cho biết, đặc điểm trên địa bàn phường có nhiều ngõ sâu, đông dân, trong khi đó người dân còn để vật dụng đồ đạc, hàng hóa chắn lối đi, các kho hàng hóa nằm xen kẽ trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

“Việc lắp đặt các thiết bị chữa cháy công cộng là một hình thức tuyên truyền trực tiếp, góp phần nâng cao ý thức người dân về phòng cháy tốt hơn và chữa cháy đạt hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm nói.

Ông Trịnh Bá Lưỡng, đại biểu HĐND phường Hàng Gai bày tỏ mong muốn quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai lắp đặt thiết bị chữa cháy tại tất cả các ngõ, ngách trên địa bàn quận. “Phường còn nhiều ngõ sâu, đông dân, tôi đề nghị nên lắp đặt thiết bị ở nhiều điểm để người dân thuận tiện sử dụng nếu có sự cố xảy ra”, ông Trịnh Bá Lưỡng nêu rõ.

Trung úy Nguyễn Việt Hoàng, cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, theo tiêu chí hướng dẫn triển khai lắp đặt thiết bị chữa cháy công cộng thì ngõ phải có chiều rộng tối thiểu là 1,2m, chiều sâu tối thiểu 50m trở lên. Tuy nhiên, trên địa bàn các phường ở phố cổ lại có rất nhiều lối đi chung của một số hộ gia đình, chiều rộng chỉ đủ cho 2 người đi lách nhau, không bảo đảm các tiêu chí nêu trên. Nếu lắp thiết bị chữa cháy tại đây sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

“Hiện đơn vị đã tham mưu cho các cấp chính quyền về việc lối đi chung nào có điểm thụt lùi hoặc sân chung thì sẽ lắp thiết bị chữa cháy ở đó để tất cả ngõ, ngách đều có thiết bị chữa cháy cho người dân sử dụng”, Trung úy Nguyễn Việt Hoàng nói.

Nói về việc triển khai mô hình trên địa bàn quận, Thiếu tá Lê Văn Thinh, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, đến giữa tháng 2-2020 đã có 330 điểm ở 315 ngõ tại 11/18 phường trên địa bàn quận được lắp đặt tổng cộng 660 bình chữa cháy công cộng. Lộ trình trong năm 2020, quận Hoàn Kiếm sẽ hoàn thành việc lắp đặt tại tất cả các ngõ ngách.

Đối với việc bảo quản, giữ gìn thiết bị, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm nêu rõ, lực lượng chức năng vận động người dân cùng hỗ trợ bảo vệ các thiết bị, đồng thời định kỳ Công an quận sẽ tiến hành kiểm tra để bảo đảm về số lượng và chất lượng thiết bị.

Chủ động nâng cao ý thức người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy là mục tiêu của quận Hoàn Kiếm trong việc lắp đặt các thiết bị chữa cháy công cộng. Với sự ủng hộ, đồng tình của người dân, có thể kỳ vọng mô hình này sẽ đóng góp không nhỏ vào công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn trung tâm của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực mô hình chữa cháy công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.