Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một Hà Nội đang xanh hơn, đẹp hơn

Nguyễn Ngọc Tiến| 16/02/2020 11:45

(HNNN) - Hà Nội ngày càng phát triển với nhiều con đường mới thênh thang, thoáng đãng. Phố mới gọn gàng, kiến trúc lạ và các khu chung cư cao tầng theo quy hoạch xuất hiện ngày càng nhiều. Cùng với công trình là cây và hoa với ý thức và quan niệm rõ ràng là để cải tạo không khí, tạo cảnh quan đẹp cho thành phố.

Ảnh: Thanh Hà

Cây xanh xưa, chuyện ít biết

Xưa, dù có nhiều hồ ao và các con sông chảy qua nhưng vào mùa hè, Hà Nội vẫn nóng bức hơn các tỉnh lân cận vì dân số đông, phố phường lại được xây dựng bằng vật liệu dễ hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt nên người dân đã ý thức rõ về sự cần thiết trồng cây trong phố. Trải qua thời gian, cho đến nay, ở khu vực nội đô vẫn còn nhiều cây hàng trăm năm tuổi.

Cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp quy hoạch khu vực phố cổ, làm con đường quanh hồ Hoàn Kiếm, họ vẫn giữ lại nhiều cây và đến ngày nay, nhiều cây trong số đó vẫn xanh tốt, cho bóng mát. Đó là cây đa trong sân Báo Nhân Dân ngót nghét 200 năm tuổi, cây muỗm ở Bờ Hồ (đối diện với khách sạn Apricot trên phố Hàng Trống), hàng me cuối đường Lê Thái Tổ, ít nhất cũng gần 150 tuổi.

Nói một cách công bằng, cây xanh Hà Nội được trồng với ý thức phục vụ cuộc sống đô thị, tạo ra cảnh quan phố phường bắt đầu từ khi người Pháp chiếm Hà Nội. Không chỉ nhằm tạo cảnh quan, họ đã có những tính toán khoa học và đưa ra các tiêu chuẩn cho cây trồng trên phố. Cây phải có rễ cọc để hạn chế gãy đổ trong mùa mưa bão, tán phải rộng để có bóng mát, không có mùi khó chịu và nhựa độc hại, có hoa vào mùa  xuân... Họ cũng tính đến yếu tố lá rụng để thuận lợi cho việc vệ sinh, không trồng cây có lá to bản gần cống để tránh tắc trong mùa mưa...   

Cuối năm 1885, phố Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền) là nơi đầu tiên được lát vỉa hè và cũng là phố đầu tiên trồng cây phượng, một giống cây bản địa lớn nhanh, mở đầu cho việc trồng cây trên hè phố sau đó. Khi hai hàng phượng lớn nhanh, nở hoa đỏ rực vào mùa hè tạo cảm giác thích thú cho nhiều người Hà Nội, đó cũng là lúc người Pháp sống ở phố này bắt đầu “sinh sự”. Họ kêu lên Tòa đốc lý là cành và thân cây đã che lấp cửa hàng khiến họ không buôn bán được; họ la lối rằng những con ve sầu bám trên cây kêu rầm rĩ vào mùa hè làm họ mất ngủ. Rồi họ “vu” cho hai hàng phượng là nơi trú ngụ của muỗi, nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét. Và thế là chính quyền thành phố ra lệnh chặt hai hàng cây này.

Không chỉ trồng các giống cây bản địa, chính quyền còn nhập nhiều giống cây trên thế giới để tạo ra sự đa dạng, phong phú cho phố phường. Họ nhập xà cừ từ châu Phi vì giống cây này lớn nhanh, tán rộng và cho trồng thử nghiệm ở vườn ươm Bách Thảo, sau đó mang ra trồng ở nhiều phố.

Tuy nhiên, khi cây lớn, các nhà thực vật học đã phát hiện ra rằng xà cừ không phù hợp bởi ở châu Phi cây có rễ cọc nhưng trồng ở Hà Nội thì rễ lại ăn ngang, gây nguy hiểm cho nhà dân và người dân nên họ hạn chế dần việc trồng xà cừ. Những giống cây bản địa và cây nhập về đều được người Pháp trồng ở vườn ươm để sàng lọc, sau khi tìm được những giống có đặc tính phù hợp với đô thị thì họ chọn ra bộ cây gồm: Sấu, sao, muồng, cơm nguội, sưa, bằng lăng... thay dần cho xà cừ.

Để tạo kiến trúc phong cảnh, họ cho trồng mỗi phố một loài, phố Phan Đình Phùng, Lê Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... chủ yếu là sấu, Lý Thường Kiệt trồng cây cơm nguội, đoạn đầu phố Lò Đúc trồng cây sao, Quán Thánh trồng hoa sữa (sau mới trồng ở phố Nguyễn Du)... Trong khuôn viên các công sở, họ trồng cọ châu Phi, ngọc lan. Ở các vườn hoa công cộng, họ trồng bằng lăng, sưa, điểm thêm cọ. Tính đến năm 1954, Hà Nội có 1.512 cây sấu, chiếm tới 60% tổng số cây xanh ở 4 quận nội thành; đến đầu những năm 1990, Hà Nội còn 1.478 cây và năm 2003 còn 1.400 cây.

Vì sao chính quyền lại chọn sấu làm giống chính dù màu lá tối hơn các giống cây khác? Ấy là vì sấu là giống bản địa có thân thẳng, tán gọn, rễ cọc, lá hình mắt nai rất đẹp, lá rụng một lần nên thuận tiện cho công việc vệ sinh. Kể từ khi cây sấu được trồng trên phố Hà Nội cho đến nay, giống cây này rất ít bị đổ do mưa bão. Không chỉ có nhiều ưu điểm, quả sấu xanh còn dùng để luộc rau muống, dầm với đường làm món sấu dầm cho các bà, các cô. Quả sấu chín là thứ quà “trời cho” gắn liền với đám học trò tinh nghịch.

Có ba loài cây mà trẻ con Hà Nội thời bao cấp ít nhiều đều có kỷ niệm là sấu, cơm nguội và xà cừ. Khi quả sấu mới chỉ bằng hòn bi ve, đám trẻ đã tìm cách hái và chấm muối ăn ngấu nghiến. Đến khi sấu chín, người ta công kênh nhau để hái. Vì thân sấu rất thẳng, quả thì ở trên ngọn mà cành sấu lại dễ gãy nên để hái được quả sấu chín là vô cùng nguy hiểm nhưng đám trẻ vẫn liều. Cây cơm nguội cũng cuốn hút lũ trẻ vì chúng thường lấy quả già nhét vào ống thổi rồi “bắn” lung tung. Còn cây xà cừ là nơi trú ngụ của ve sầu. Buổi tối mùa hè, bọn trẻ hay đi mò ve quanh gốc cây, ban ngày thì “đội quân” quần đùi này vác cây sào dài ngoẵng trên có tí nhựa kếp đi dính ve. Mang về cũng chẳng làm gì nhưng đó là cái thú của đám trẻ nên ngày nào chúng cũng trốn ngủ trưa để lang thang tìm kiếm...

Và cây xanh hôm nay...

Sau khi tuyến đường từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân hoàn thành và được đặt tên Võ Nguyên Giáp thì thành phố đã cho trồng cọ dầu, long não, lát hoa... ở phần đất ở dải phân cách và hai bên hè, tạo ra một dải xanh tuyệt đẹp dài hơn 10 cây số.

Không chỉ đường Võ Nguyên Giáp, trên đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng có trồng giống phong lá đỏ để tạo sự đa dạng về màu sắc và mang ý nghĩa hội nhập. Đến nay, giống cây xứ lạnh đã sống và dần thích nghi với khí hậu 4 mùa ở miền Bắc, có cây bắt đầu đổi màu lá vào mùa đông, đẹp mắt vô cùng. Tại các tuyến phố mới hình thành, các khu đô thị mới như Mỹ Đình, Việt Hưng, Trung Hòa..., chủ đầu tư cho trồng nhiều giống cây mới lạ, mùa xuân này đã vươn cao, hứa hẹn một vùng xanh trong tương lai. Ngoài các giống cây cũ, còn có rất nhiều giống cây khác được trồng khắp các tuyến phố như: Sang, chà là, bàng lá nhỏ... hay cây ban trắng, ban đỏ của vùng núi Tây Bắc...

Chương trình trồng 1 triệu cây xanh đã về đích trước 2 năm, hiện Thành phố đang tích cực trồng thêm để hết năm 2020 đạt thêm 600.000 cây nữa, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 thành phố sẽ đạt chỉ tiêu cây xanh 10-12m2/người. Không chỉ trồng cây tầng cao, Hà Nội cũng đang tạo ra kỳ hoa dị thảo dưới mặt đất tại nhiều tuyến đường. Chỉ dăm năm nữa, cây mới trồng ở các tuyến phố, khu chung cư sẽ lớn hơn, cho bóng mát và cùng với số cây đã có sẽ giúp Hà Nội trở thành một thành phố xanh hơn, đẹp hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một Hà Nội đang xanh hơn, đẹp hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.