Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nghe” thiên nhiên để sáng tạo

Nguyễn Trương Quý| 25/01/2020 07:01

(HNNN) - Hà Nội có thể được xem như một ví dụ cho sự sáng tạo không gian sống. Từ những triền đê chống lụt đắp qua nhiều thế kỷ đến việc cải tạo những vùng trũng thành hồ nước cảnh quan cho khu vực dân cư, các ví dụ thành công nhất của sáng tạo kiến trúc và quy hoạch đều cho thấy sự tôn trọng và “hiểu” môi trường tự nhiên.

“Cung đàn”. Ảnh: Lê Việt Khánh

Sáng tạo kiến trúc nhờ trị thủy

Chúng ta hay có xu hướng nhìn những công trình đơn lẻ như đại diện cho hình thái kiến trúc đô thị, song ở Hà Nội, bằng độ lùi thời gian, chúng ta sẽ thấy sự sáng tạo lớn nhất chính là hệ thống đê trong thành phố. Chính hệ thống này, đặc biệt là đê sông Hồng, đã làm nên tên gọi “thành phố trong sông” đối với Hà Nội. 

Các bộ sử như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi nhận rằng từ thời Cao Biền, thành Đại La đã được đắp với chức năng phòng thủ kiêm ngăn nước từ các vùng sông hồ bên ngoài. Trải qua các triều đại, từ thời Trần đến thời Nguyễn, việc đắp đê cao và liền mạch đã thành một công việc trọng tâm của trị quốc. Việc đắp đê đã ngăn dòng chảy, tạo ra các vùng đất khô ráo cho việc định cư và một diện mạo phong cảnh kiến trúc của thành phố. Các bức lũy cũng trở thành các con đê, đi vào đời sống người dân như một cấu trúc gắn với môi trường sinh hoạt. Các bức lũy qua năm tháng đã trở thành những con đường mà nay vẫn còn dấu vết như đường Bưởi, Hoàng Hoa Thám, La Thành, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân... “Nhớ những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về” - câu hát trong bài Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp đã gói được sự biến cải ấy. Đê sông Hồng từ thời Đại La đắp 1 trượng (4m), qua nhiều thời kỳ, cho đến nay có chỗ cao tới 14m, đã tạo ra một sự thay đổi lớn về hình thái đô thị dưới bàn tay con người.

Dấu tích các bức lũy hay con đê đã mờ nhạt hơn trước khi mực nước sông Hồng không còn cao như trước, cũng như khu dân cư mở rộng ngoài đê đã khiến cho các cao độ chỉ còn là một gợi nhớ xa xôi. Các cửa ô ra vào thành phố cũng chỉ còn lại dấu tích Ô Quan Chưởng xây từ thế kỷ XVIII, trở thành một điểm nhấn kiến trúc đặc trưng cho sự kết hợp công năng của hình thái kiến trúc quân sự và dân sinh.

Trong nhiều thế kỷ, các vùng trũng xung quanh trung tâm Hà Nội liên thông tạo thành một túi nước khổng lồ, kết nối với vùng trũng Sơn Nam Hạ. Địa thế này khiến cho các khu dân cư bị chia cắt và các con đường nối với vùng khác không trở thành cơ sở ổn định cho các hoạt động giao thương. Việc nắn chỉnh các con sông nhỏ cũng như cố định giới hạn các mặt hồ qua quy hoạch của người Pháp đã tạo ra một diện mạo mới của đô thị theo kiểu Tây phương, gồm các trục lộ hướng tâm rõ rệt, các đại lộ lớn trồng cây xanh và các ô bàn cờ vuông vắn. Các mặt nước mau chóng được xác định là điểm nhấn cảnh quan đô thị như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang...

Công việc này được kế tục trong các đợt quy hoạch Hà Nội sau này, khi các hồ nước được lấy làm trung tâm các khu dân cư như hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất, hồ Thủ Lệ trong vườn Bách thú cùng tên, và các hồ Văn Chương, Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Đống Đa... giữa các khu tập thể hoặc khu nhà mới hình thành từ các làng xóm ven đô. Công việc nạo vét lòng hồ đắp cao các vùng trũng tại chỗ là một cách sáng tạo có từ kinh nghiệm dân gian. Hình thái thành phố mới phát triển từ những cách thức khắc phục nhược điểm tự nhiên, tạo ra một cách sinh hoạt gần với môi trường nước, không chỉ về nhà cửa mà còn về cách thức đi lại, ăn uống. Đó là một nét riêng của Hà Nội.

Sáng tạo nhờ thẩm mỹ riêng

Không ngạc nhiên khi các dấu ấn kiến trúc đô thị ở Hà Nội gắn với sự điều chỉnh các công trình trị thủy. Trước tiên là những cây cầu. Một trong những công trình đầu tiên được Toàn quyền Paul Doumer quyết định xây dựng sau khi Hà Nội được quy hoạch theo hình thức một thành phố Tây phương chính là cầu Long Biên. Khi cầu Long Biên khánh thành (năm 1902), cây cầu đường sắt dài 1,68km bắc qua sông Hồng này tạo ra sự biến đổi bản lề cho đô thị đã qua gần nghìn năm lấy dòng sông Cái làm hào lũy tự nhiên. Mang dấu ấn thẩm mỹ kiến trúc của giai đoạn Belle Epoque trải tới cuối thế kỷ XIX, cầu Long Biên với những dầm vai sắt nhịp nhàng hình đăng ten đã tạo ra một ấn tượng về sự hoành tráng hiện đại.

Sau cầu Long Biên tám mươi năm, sự ra đời các cây cầu bắc qua sông Hồng tiếp tục là sự kiện đáng chú ý trong dấu mốc phát triển thành phố. Cầu Thăng Long, Chương Dương trong thập niên 1980 và ba cây cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì và Nhật Tân ở thời đầu thế kỷ XXI đã lần lượt đóng vai trò điểm nhấn cho khung cảnh thành phố. Mỗi cây cầu đều cố gắng thể hiện vai trò kết nối vùng đô thị hai bên bờ sông, đồng thời tìm cách ghi một nét thẩm mỹ của thời đại qua hình thức: Từ cầu Long Biên mang hình thức thẩm mỹ phô diễn kết cấu thép cổ điển đến cầu Chương Dương “láng giềng” hệ dầm sắt tam giác đơn giản; từ cầu Thăng Long hai tầng với hệ thống đường dẫn phức tạp tới cầu Thanh Trì dùng công nghệ bê tông ứng lực ở hai đầu của đường vành đai 3, đều là những cây cầu từng giữ kỷ lục ở Việt Nam về chiều dài và chiều rộng mặt cầu. Thậm chí, nhiều cây cầu đã đi vào kho tàng dân ca, ca dao tục ngữ và bài hát.

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội gắn với sông hồ, liên quan đến các công việc trị thủy và tô điểm cảnh sắc đô thị qua nhiều thế kỷ. Mặt hồ trung tâm của Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, là thành quả rõ nét nhất của việc xử lý quy hoạch kiến trúc. Từ một mặt hồ lịch sử, gắn với nhiều sinh hoạt của các phường xóm dân cư hay phủ chúa Trịnh cũ, vào cuối thế kỷ XIX, trong tình trạng xây dựng, cơi nới tự phát, “những ngôi nhà vươn ra hồ trên những cái cọc”, hồ Hoàn Kiếm “là nơi nhận đủ thứ rác”.

Sự can thiệp quy hoạch trong hai chục năm đã biến hồ trở thành gạch nối giữa khu phố cổ của người Việt ở phía Bắc và khu phố mới của người Pháp ở phía Nam. Hồ Hoàn Kiếm ghi dấu một sự sáng tạo mới khi các nhà quy hoạch cố gắng hài hòa giữa các dấu tích kiến trúc Á Đông như đền Ngọc Sơn trên hòn đảo phía Bắc cùng hệ thống cầu Thê Húc và Tháp Bút, tiếp giáp các dấu tích đền Bà Kiệu nối với khu phố bản địa, hay Tháp Rùa giữa phần nam của hồ với các công trình quy mô theo kiến trúc Pháp ở xung quanh. Sự chuyển biến được ghi nhận bằng vườn hoa cây xanh và nhịp điệu công trình cao dần về phía xa khiến cho hồ Hoàn Kiếm có một vị thế đặc biệt trong khung cảnh khi đóng vai trò trung tâm của đô thị, vừa là không gian xanh vừa là khoảng giãn cách các tuyến giao thông quan trọng.

Sau hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu và công viên Thống Nhất cũng tạo ra được sự sáng tạo ý nghĩa khi được cải tạo thành một trung tâm cảnh quan của Hà Nội. Thay vì lấp một phần theo quy hoạch của người Pháp bị bỏ dở từ năm 1943, một công viên bao trọn lấy mặt hồ được hình thành. Cho đến nay, công viên rộng 55ha này vẫn là một bài học đáng kể cho việc thiết kế các công viên, vườn hoa khác, có thể kể đến công viên Thủ Lệ cùng khuôn viên đền Voi Phục và khu vực các công trình tòa tháp văn phòng xung quanh mặt hồ rộng từng tạo ra một ấn tượng đặc biệt về cửa ngõ phía Tây Hà Nội.

Sự sáng tạo trong kiến trúc Hà Nội thường cho thấy hiệu quả khi tìm cách khai thác các đặc điểm môi cảnh tự nhiên. Các vùng đầm nước hay vùng trũng bất lợi về mặt sinh hoạt đã cho thấy chúng là di sản quý giá khi được nạo vét và nắn chỉnh để trở thành huyết mạch lưu thông hoặc trung tâm của các khu phố. Xét cho cùng, đó là những sáng tạo thành công nhờ tìm được tiếng nói đồng điệu với nhịp điệu thiên nhiên, cảnh quan. Mất đi sự gắn kết với tự nhiên, thành phố có thể phải chật vật định nghĩa giá trị môi sinh.

Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm phát triển trong đó có hơn 130 năm hiện đại hóa đã cho những bài học kinh nghiệm quý giá về sự sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nghe” thiên nhiên để sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.