Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội nên là thành phố di sản thông minh

23/05/2019 10:27

(HNMCT) - Metteo Aimini là một kiến trúc sư quy hoạch người Italia. Năm 2005, lần đầu tiên đặt chân đến đất này, ông đã đặc biệt ấn tượng với di sản kiến trúc đô thị mang đậm tính bản địa của Hà Nội.

(HNMCT) - Metteo Aimini là một kiến trúc sư quy hoạch người Italia. Năm 2005, lần đầu tiên đặt chân đến đất này, ông đã “phải lòng” và đặc biệt ấn tượng với những di sản đô thị, di sản kiến trúc mang đậm tính bản địa của Hà Nội. Và ông đã thể hiện tình yêu Hà Nội theo cách riêng của mình qua việc xuất bản cuốn sách Hà Nội 2050 với nhiều tư liệu quý. Nhân dịp này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Metteo Aimini về những vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị.

Kiến trúc sư Metteo Aimini


- Xin chào ông! Điều gì đã khiến ông “phải lòng” Hà Nội ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến nơi này - cách đây 14 năm?

- Lần đầu tôi đến Việt Nam vào năm 2005. Tôi ấn tượng mạnh mẽ với sự đan xen giữa những yếu tố truyền thống với hiện đại trong quá trình phát triển của Hà Nội - nơi có khu vực trung tâm mang đậm những dấu ấn văn hóa - lịch sử, có những ngôi làng rất đẹp nằm ngay trong thành phố. Đặc biệt, Hà Nội có rất nhiều ao, hồ, cây xanh và những địa danh mang vẻ đẹp riêng. Những điều đó đã tạo nên sự quyến rũ và bản sắc của thành phố này.

Chính vì quá yêu Hà Nội, tôi đã dành 12 năm để thu thập tài liệu, bản đồ và các tư liệu cần thiết để viết cuốn Hà Nội 2050. Cuốn sách không chỉ miêu tả cái đẹp của thành phố mà còn là những triển vọng, những dự báo có thể xảy ra dựa trên nền tảng nghiên cứu và những tài liệu thu thập được. Thách thức lớn nhất của Hà Nội lúc này là giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, giữ gìn bản sắc của thành phố sao cho vừa đạt được những bước tiến quan trọng vừa tôn trọng văn hóa, lịch sử. Đấy chính là cách làm cho Hà Nội khác với những thành phố trong khu vực cũng đang phát triển không ngừng.

Đây là câu chuyện về sự phát triển quy hoạch đô thị của một thành phố có bề dày lịch sử - văn hóa đáng nể. Khi muốn tìm hiểu về thành phố này, tôi quay lại tìm hiểu thành phố trong quá khứ, từ các giai đoạn lịch sử ban đầu cho đến giai đoạn phát triển của các công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp, Liên Xô (cũ)... Tôi thấy thành phố này vẫn còn ẩn giấu rất nhiều điều thú vị về nguồn cội, bản sắc nhưng bức tranh quy hoạch của Hà Nội cũng vô cùng phức tạp. Điều đó đặt ra câu hỏi, bản sắc Hà Nội sẽ thế nào trong khi thành phố này chứa đựng quá nhiều di sản và muốn giữ tất cả.

- Điều gì khiến ông ấn tượng với các di sản của Hà Nội?


- Nhiều người không muốn coi những ngôi nhà hình ống là di sản, nhưng với tôi đấy là di sản đặc thù của Hà Nội. Nhà ống cũng giống như khu tập thể - “KTT” (cách gọi riêng của giới kiến trúc sư quốc tế về các khu tập thể của Việt Nam - PV), có những đặc điểm riêng. Mỗi “KTT” có sự biến đổi theo đặc thù về văn hóa, nhu cầu và bản sắc của mỗi con người sinh sống trong đó. Từ mỗi “KTT” cũng có thể nhìn thấy đặc tính của con người. Đấy cũng là một di sản bởi nó mang những yếu tố điển hình về Hà Nội. Khi Hà Nội phát triển hơn, những “KTT” hoặc nhà ống bị thay thế bằng những khu chung cư là lúc quan hệ xã hội, quan hệ giữa người với người và giữa con người với mảnh đất của mình đã bị thay đổi. Đấy là sự đứt gãy mối quan hệ truyền thống.

- Để bảo tồn và phát triển khu phố cổ, Hà Nội nên làm gì? Cách bảo tồn ở Italia như thế nào, thưa ông?

- Phố cổ không chỉ là những ngôi nhà hay các dãy phố được xây dựng lâu đời. Phố cổ còn là những con người sinh sống ở đấy. Nếu phố cổ Hà Nội không có những con người ấy sẽ chỉ là công viên Disneyland mà thôi. Khi đó, những ngôi nhà cổ, phố cổ chỉ là những vật thể vô hồn, bởi lẽ người dân sinh sống trong phố cổ chính là những người giữ gìn bản sắc, lưu giữ phần hồn của Hà Nội. Thành phố có thể giải quyết bằng cách tăng các dịch vụ vệ sinh, dịch vụ công cộng... để giảm bớt những bất cập trong khu phố cổ.

Ở Italia, chúng tôi không di dời người dân ra khỏi khu phố cổ mà đó là quá trình tự chọn lọc. Một lúc nào đấy, khi không thích sống trong khu phố cổ nữa, họ sẽ tự rời đi. Ở Việt Nam, tôi nghĩ, việc di dời người dân ra khỏi khu phố cổ là câu chuyện không đơn giản, dễ dàng, bởi nó liên quan đến các gia đình nhiều thế hệ, đến việc kiếm sống hay duy trì nghề truyền thống...

Chúng ta phải xác định cái nào là di sản văn hóa, cái nào là di sản kiến trúc. Di sản không chỉ là nhà, là công trình kiến trúc mà di sản còn là con người. Sau khi xác định được việc nâng cao giá trị di sản thì cần xem xét ưu tiên bảo tồn cái nào và phát triển cái nào theo hướng hiện đại. Cần nhớ rằng, Hà Nội là thành phố nghìn năm văn hiến, nhưng nó cũng có nhu cầu phát triển theo hướng hiện đại.

- Trong cuốn sách Hà Nội 2050, ông chia di sản kiến trúc của Hà Nội theo các phong cách như “Paris của Đông Dương” hay “Leningrad của vùng nhiệt đới”. Sự đa dạng ấy đã gây ấn tượng như thế nào với ông?


- Đấy là những nét vô cùng độc đáo của Hà Nội. Ngoài các di sản về cảnh quan thiên nhiên, những công trình kiến trúc thời Pháp như khu phố cổ, các biệt thự... Hà Nội còn có những di sản kiến trúc là các công trình được xây dựng theo phong cách Xô viết trong thời kỳ Liên Xô (cũ). Những công trình ấy cần được gìn giữ bởi đấy cũng là những di sản kiến trúc gắn bó với lịch sử của người dân Hà Nội.

- Cái tạo nên nét độc đáo là do các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đã áp đặt quan điểm, tầm nhìn tổng thể của họ lên các công trình. Ví dụ, người Pháp muốn biến Hà Nội thành một “Paris của Đông Dương” nên áp dụng mô hình của họ vào đây. Với những di sản như vậy, câu hỏi đặt ra là tầm nhìn mới của Hà Nội là gì?

- Không thể phủ nhận thành công của cả hai mô hình: “Paris của Đông Dương” và “Leningrad của vùng nhiệt đới” tại Việt Nam bởi khi đó, cả Pháp và Liên Xô (cũ) đều cử đến Hà Nội những kiến trúc sư hàng đầu của họ. Cả 2 mô hình này thành công là bởi họ có sự trao đổi, thảo luận với các kiến trúc sư Việt Nam để xây nên những công trình hợp lý nhất. Tầm nhìn của Hà Nội bây giờ cũng nên theo hướng này, tức là phải tìm hiểu rõ cả các yếu tố liên quan chứ không chỉ xây một khu nhà cao tầng là xong. Quan trọng nhất phải là sự quan tâm đến người dân địa phương để tìm ra được mô hình phù hợp và bền vững nhất.

- Với một thành phố dày đặc di sản như Hà Nội thì việc phát triển mô hình thành phố thông minh cần được tiến hành như thế nào?


- Nhiều năm trước, khi mới đến Hà Nội, lần đầu tiên tôi nhìn thấy xe ôm. Lúc đó tôi đã nghĩ, tại sao không triển khai một công ty quản lý đội ngũ xe ôm này nhỉ? Và bạn thấy đấy, bây giờ đã có các ứng dụng như Grab, Uber... vô cùng thông minh, hữu ích. Đấy chính là ví dụ điển hình trong việc phát triển thành phố thông minh, tức là đưa vào đó những dịch vụ thông minh để phát triển. Những dịch vụ thông minh này sẽ phủ một lớp mới lên trên các lớp cũ của thành phố.

Đó chỉ là những lớp xếp chồng lên nhau, và lớp quan trọng nhất vẫn phải là cơ sở hạ tầng. Trong quá trình phát triển, cần tránh việc nhảy cóc khi chỉ chú trọng đến việc phát triển các dịch vụ thông minh mà thiếu đi hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc. Thiếu đi yếu tố cốt lõi này, thành phố thông minh sẽ không thể hoạt động và thành công được. Tôi nghĩ, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành thành phố di sản thông minh trong tương lai.

- Hình dung của ông về Hà Nội đến năm 2050 là gì?

- Rất có thể đến lúc đó tôi sẽ chuyển đến sống ở Hà Nội (cười).
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nên là thành phố di sản thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.