Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Hoài Đức theo định hướng đô thị

Bạch Thanh| 16/01/2019 06:28

(HNM) - Những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Hoài Đức có bước tiến vượt bậc, hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đô thị.

(HNM) - Những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện Hoài Đức có bước tiến vượt bậc, hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đô thị. Trong giai đoạn 2012-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,75%/năm; thu nhập bình quân từ 22 triệu đồng/người/năm (2012) lên 42,5 triệu đồng/người/năm (2017); tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Khẳng định vị thế là một trong 4 huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố, lộ trình trở thành quận của Hoài Đức vào năm 2020 đang rộng mở với những bước đi vững chắc.

Nhiều thành tựu nổi bật

Là một trong những địa bàn quan trọng của Thủ đô Hà Nội, Hoài Đức nằm trên nhiều tuyến giao thông như: Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, các trục tỉnh lộ: 422, 423... Ngoài ra, một số dự án giao thông lớn đang triển khai (các đường Vành đai 3,5 và 4) cùng nhiều khu đô thị... nên tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Hoài Đức diễn ra nhanh, mạnh.

Lĩnh vực công nghiệp của huyện Hoài Đức ngày càng phát triển.


Không chỉ lợi thế vị trí địa lý, Hoài Đức còn có tiềm năng phát triển kinh tế lớn từ các làng nghề. Với hầu hết (52/54) làng có nghề, trong đó 12 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống, sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh trên toàn quốc và xuất khẩu sang một số nước châu Âu. Trong năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 6.279 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2012. Trong 5 năm, từ 2012 đến 2017, tổng giá trị sản xuất thực hiện mỗi năm ước đạt 15.723 tỷ đồng và năm 2018 tổng giá trị sản xuất đạt19.131 tỷ đồng, dịch vụ - thương mại công nghiệp phát triển mạnh; nông nghiệp chỉ chiếm 5,5% cơ cấu kinh tế. Tuy chiếm tỷ lệ cơ cấu nhỏ, nhưng Hoài Đức vẫn tập trung chỉ đạo triển khai các hoạt động hỗ trợ vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh có giá trị kinh tế cao, nên một số mô hình sản xuất hiệu quả đang được nhân rộng, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha...

Cùng với đó, công tác đầu tư xây dựng được đẩy mạnh, tạo những chuyển biến rõ nét cho diện mạo của huyện. Trong các năm từ 2012 đến 2017, huyện đã xây dựng hàng trăm công trình xây dựng cơ bản, trong đó chủ yếu là trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn… với tổng kế hoạch vốn đã giao ước đạt 3.135,8 tỷ đồng. Riêng năm 2017, huyện đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 106 công trình. Thực hiện Quyết định 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 của UBND thành phố, trong 5 năm qua huyện đã xây dựng được khoảng 1.500 tuyến đường làng, ngõ, xóm với chiều dài 194km, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Với việc đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng thiết yếu; nâng cấp, mở rộng 100% đường trục huyện, liên xã, các tuyến giao thông nông thôn... cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, thu ngân sách hằng năm đều vượt kế hoạch thành phố giao và tăng mạnh qua các năm. Năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hoài Đức đạt 2.164.380 triệu đồng (139,4% dự toán thành phố, tăng 82,2% so với năm 2017). Hoài Đức cũng là điểm sáng của thành phố trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với 49 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, vượt kế hoạch thành phố giao.

Không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, các chính sách an sinh xã hội cũng được Hoài Đức đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn bộ 14 nghĩa trang liệt sĩ và 2 đài tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn đều được đầu tư nâng nền, xây mới; xây mới/tu sửa 410 ngôi nhà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng; trao tặng 31 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho hộ người có công với số tiền gần 500 triệu đồng; thăm, tặng quà gia đình chính sách với tổng số 22.073 suất quà (giá trị 8,3 tỷ đồng); vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt 71 tỷ đồng...

Nhờ nỗ lực không ngừng, năm 2017, với 19/19 xã nông thôn mới, Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ghi nhận những kết quả tích cực giai đoạn 2012-2018, Hoài Đức được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Hiện Hoài Đức đang là huyện được TP Hà Nội quan tâm đầu tư để phát triển thành quận vào năm 2020.

Định hướng tiêu chí quận

Với nền tảng vững chắc, tận dụng lợi thế, khai thác thế mạnh, Hoài Đức tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nâng cao năng lực trong chỉ đạo điều hành, chuẩn bị tốt các điều kiện để trở thành quận vào năm 2020. Theo đó, Hoài Đức tập trung xây dựng hạ tầng giao thông khung với những phần việc cụ thể: Triển khai thi công tuyến đường Vành đai 3,5; lập hồ sơ và đã được phê duyệt dự án tuyến đê tả Đáy dài 17km, mặt cắt 9m; huy động kinh phí từ nhiều nguồn với số tiền 7.224 tỷ đồng để xây mới 18 trường học các cấp; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đạt tiêu chuẩn Bệnh viện loại I; kiến tạo, tu bổ hạ tầng theo hướng đồng bộ, phù hợp với tiêu chí cấp quận.

Lộ trình đã rõ nét, tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Đề án trở thành quận vào năm 2020, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang hạ tầng, Hoài Đức tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực điều hành của bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở. Theo đó, huyện tập trung cải tiến và đổi mới phương pháp chỉ đạo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo chương trình, nghị quyết các cấp; bám sát mục tiêu, chủ trương lớn của các cấp ủy Đảng, tập trung chỉ đạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Một vấn đề nữa được Hoài Đức coi là mấu chốt của thành công, đó là sự đồng thuận, chung sức của cán bộ, nhân dân và các tổ chức kinh tế trên địa bàn; sự hỗ trợ của các quận, huyện, sở, ngành, thành phố trong mọi lĩnh vực. Chắc chắn rằng, với nỗ lực không ngừng, Hoài Đức sẽ đạt nhiều thành tựu lớn hơn trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Hoài Đức theo định hướng đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.