Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quận Cầu Giấy có phố mang tên giáo sư Trần Quốc Vượng

Hà Hiền| 28/10/2016 15:48

(NSHN) - Ngày 28-10, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức gắn biển phố Trương Công Giai, Dương Khuê và Trần Quốc Vượng.

(NSHN) - Ngày 28-10, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức gắn biển phố Trương Công Giai, Dương Khuê và Trần Quốc Vượng.

Việc đặt tên đường, phố mang tên danh nhân ở quận Cầu Giấy nói riêng, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có công với Thủ đô và đất nước.

Phố Trương Công Giai dài 670m-rộng 8m, bắt đầu từ ngã ba giao cắt với đường Cầu Giấy tại số 337 (đối diện phố Trần Quý Kiên) đến ngã ba giao cắt với phố Thành Thái (cạnh công viên Cầu Giấy). Thời nhỏ, Trương Công Giai được gọi là thần đồng bởi học tài, thông kinh thấu chữ, ứng xử tài hoa. Khi đỗ đạt, ông được phong chức Thượng thư Bộ Công rồi Thượng thư Bộ Hình, hàm Lỵ Quận công. Từ 1721 - 1723 giữ chức Tế tửu trường Quốc Tử Giám. Trong suốt quá trình làm quan, Trương Công Giai luôn luôn nêu cao quan điểm làm quan để giúp vua, giúp đời.

Phố Dương Khuê dài 540m-rộng 8m, được đặt cho bắt đầu từ ngã ba giao cắt với đường Hồ Tùng Mậu (giáp Trường ĐH Thương mại) đến ngã ba giao cắt với phố Nguyễn Hoàng (đối diện nhà số 66). Dương Khuê (1839 - 1902), tự Giới Nhu, hiệu Vân Trì, quê ở làng Vân Đình, nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Sinh thời, ông là một nhà Nho yêu nước và là nhà thơ nổi tiếng. Các tác phẩm hát nói của ông đều trở thành thể cách mẫu mực của ca trù, trong đó có bài “Hồng hồng, tuyết tuyết”. Ông cùng với Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm... đã góp phần làm nghệ thuật Ca trù trở nên nổi tiếng.

Phố Trần Quốc Vượng dài 750m-rộng 13,5m, bắt đầu từ ngã ba giao cắt với đường Xuân Thủy (tại số nhà 165) đến ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng (đối diện Bệnh viện Y học Cổ truyền). Trần Quốc Vượng (1934-2005) sinh tại Hải Dương trong một gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học. Ông thuộc môtíp bác học quảng văn. Công lao của ông được ghi nhận, đánh giá trong nhiều lĩnh vực như khảo cổ, lịch sử, dân tộc học, tâm lý học, nghệ thuật học, văn hoá..., nhưng chiếm vị trí chủ đạo nhất và thể hiện toàn bộ con người ông là ở lĩnh vực Địa - Văn hoá. Ông được phong học hàm Giáo sư năm 1980, Nhà giáo ưu tú năm 1990, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997. Năm 2012, ông được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về Khoa học - công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Cầu Giấy có phố mang tên giáo sư Trần Quốc Vượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.