“Người đặc biệt” Lê Thụy Hải

Mỹ Anh| 16/05/2021 06:05

(HNMCT) - Lê Thụy Hải đi qua gần hết cuộc đời với cái mác của một người Hà Đông, trước khi khu vực này trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội cách đây hơn chục năm về trước. Và ông cũng đã trải qua già nửa sự nghiệp bóng đá trong môi trường bao cấp, trước khi trải qua thứ bóng đá chớm chuyên nghiệp với sự chi phối mạnh mẽ của đồng tiền, với những ngôi sao không cưỡng lại được sự cám dỗ của thời cuộc khi ấy...

HLV Lê Thụy Hải để lại nhiều dấu ấn trong làng bóng đá Việt Nam. Ảnh: Phan Tùng

Một người Hà Đông

Sinh năm 1946 ở Hà Đông, gần hết cuộc đời của ông Hải “lơ” gắn với mảnh đất này. Bạn bè nhiều khi quen miệng vẫn giới thiệu ông Lê Thụy Hải đến từ quê Hà Đông, với cá tính thẳng thật, bộc trực.

Thời trẻ, Lê Thụy Hải nổi danh hào hoa cả trong và ngoài sân cỏ. Ông thi đấu ở vị trí tiền vệ với khả năng chuyền bóng và dứt điểm đầy sáng tạo. Ngoài đời, ông kết hôn với một người con gái đẹp của đất Hà Đông. Ông từng hạnh phúc chia sẻ rằng điều may mắn nhất trong cuộc đời mình là có bàn tay chăm sóc ân cần của bà xã. Mỗi lần phải sang Singapore xạ trị (ông Hải bị ung thư tuyến tụy và cũng qua đời vì căn bệnh này), bà đều đi cùng, lo lắng chăm chút cho ông.

Cuối đời, sau những năm tháng phiêu bạt khắp các tỉnh, thành, gắn bó với những câu lạc bộ (CLB) mà ông từng huấn luyện, ông Hải trở về căn nhà ở Hà Đông để nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Bóng đá mang lại thành công và đỉnh cao sự nghiệp cho ông, nhưng trong suy nghĩ của ông, gia đình mới là chốn bình yên và là nơi mà ông ưu tiên hàng đầu. Hà Đông, nơi ông sinh ra, lớn lên, lập gia đình, sinh con rồi rời cõi tạm luôn là nơi thiêng liêng, ý nghĩa nhất.

Lăn lộn giữa bóng đá bao cấp và chuyên nghiệp

Giống như những đồng đội cùng thế hệ 4x, 5x, ông Lê Thụy Hải là chứng nhân của sự đổi thay trong dòng chảy lịch sử bóng đá Việt Nam. Đội bóng Tổng cục Đường sắt là nơi gắn bó với tuổi thanh xuân của tiền vệ hào hoa Lê Thụy Hải những năm 1965 - 1994. Cựu huấn luyện viên (HLV) Vương Tiến Dũng, người chơi bóng cho Thể Công - đối thủ của Tổng cục Đường sắt - hồi tưởng: “Ở đội Tổng cục Đường sắt lúc ấy, anh Hải là nhạc trưởng. Ở vị trí tiền vệ trung tâm, anh Hải tổ chức điều tiết. Đó là mẫu cầu thủ chuyền dài tốt, sút xa có uy lực. Tiếc là Tổng cục Đường sắt hay để thua Thể Công khi ấy...”.

Ngày 7-1-1976, đội Tổng cục Đường sắt được chọn là đại diện miền Bắc tham dự trận đấu mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam, tổ chức trên sân Cộng Hòa (nay là sân vận động Thống Nhất), gặp CLB Cảng Sài Gòn. Ông Lê Thụy Hải và đồng đội tham dự trận đấu với tư cách là nhà vô địch giải Công đoàn miền Bắc. Giữa hiệp một, từ một pha tổ chức tấn công, ông Hải tạt bóng từ sát đường biên dọc, kiến tạo cho người đàn em Mai Đức Chung mở tỷ số trận đấu. Sang hiệp hai, ông Hải là người nâng tỷ số lên 2-0 cho đội nhà từ cú sút ngoài vòng cấm. “Bàn thứ hai thì anh Hải sút bóng rất căng vào lưới. Đội Tổng cục Đường sắt thắng chung cuộc 2-0”, HLV Mai Đức Chung bồi hồi nhớ lại.

Đi giữa những giai đoạn lịch sử của đất nước, ông Lê Thụy Hải cũng trải qua đủ những kỷ niệm của bóng đá thời chiến và thời bình. Cách đây 6 năm, khi vẫn còn khỏe, ông từng kể: “Lúc đấy, chúng tôi vừa tập vừa đề phòng có còi báo động. Khi còi báo động hú thì chúng tôi phải chạy xuống hầm. Lúc bấy giờ, chúng tôi không có nhiều tiền đâu. Vào đội, tôi được phát mỗi tháng 30 đồng 6 hào. Rồi khi thi đấu, mỗi trận chúng tôi được 10 đồng. Anh em cầu thủ cố gắng tích cóp từng chút một để sau lập gia đình. Cái tích cóp của chúng tôi những ngày tháng ấy chỉ có một tí. Còn bây giờ, các bạn trẻ vào nghề là đã có 10 cái tí ấy rồi. Hồi ấy, chúng tôi nghĩ đơn giản lắm. Tôi cứ nghĩ rằng chơi bóng đá, nghỉ thì làm công nhân. Rồi đến lúc đến tuổi về hưu thì nghỉ. Thời đó, những trận đấu của Tổng cục Đường sắt với Thể Công hay Công an Hà Nội thì sân Hàng Đẫy lúc nào cũng chật kín khán giả. Khi ấy đã có vé chợ đen với giá 3 hào rồi. Nhưng sân lúc nào cũng đông. Còn bây giờ, các bạn nhiều tiền nhưng chẳng mấy ai xem nữa”.

Thăng trầm cảm xúc

Dù thành danh với tư cách cầu thủ nhưng ông Lê Thụy Hải lại không đến với bóng đá chuyên nghiệp từ sớm khi bắt đầu làm HLV trưởng. Ông Hải “lơ” bôn ba từ bóng đá nữ với đội Than Quảng Ninh đến những CLB hạng dưới từ Quảng Ngãi, Hùng Vương An Giang, Thanh Hóa đến Bình Dương. Phải tới năm... 60 tuổi ông mới làm HLV ở V.League. Đó là vào năm 2004, ông đồng ý dẫn dắt Hà Nội ACB. HLV Lê Thụy Hải chia sẻ với báo giới vài năm trước: “Ở cái tuổi đủ để nhận biết về cuộc đời, xã hội và mọi thứ khác, tôi mới nhận. Chứ nếu làm sớm, có khi tôi cũng giống như nhiều HLV bây giờ thôi, phải thế này thế khác...”.

Đó cũng là giai đoạn mà bóng đá Việt Nam đảo điên bởi đồng tiền. Ông Lê Thụy Hải trải qua hơn 10 năm trong guồng quay chóng mặt bởi những bản hợp đồng tiền tấn dành cho các cầu thủ. Nhưng rồi ông nhận ra rằng, giá trị của HLV không được đề cao, còn kém những cầu thủ ngôi sao, đúng như nhận xét của HLV Đặng Trần Chỉnh (hiện là Giám đốc Kỹ thuật ở Bình Dương): "Ghế HLV có bốn chân thì cầu thủ nắm đến ba".

Tuy nhiên, với cá tính mạnh, ông Hải “lơ” chẳng thể lơ chuyện ấy. Ông mở đường cho việc HLV Việt Nam nhận mức lương lên đến hơn 100 triệu đồng/tháng. Và ông cũng chính là người yêu cầu một cuộc “cách mạng” cho HLV, với việc được hưởng khoản tiền lót tay khi chuyển đến CLB mới như các cầu thủ. Sau này, ông giãi bày: “Đồng lương gắn liền với giá trị con người. Tôi nghĩ giá trị bản thân mình phải ở mức tiền như thế. Về lót tay, tôi trao đổi với nhiều HLV. Rất nhiều người muốn mà không dám nói. Tôi nói với các anh ấy rằng kể cả cầu thủ dự bị cũng có lót tay. HLV là người thầy của 25 cầu thủ trong đội bóng, giúp các ông chủ giành thành tích, có được thương hiệu... Các bạn học trò có tiền sao mình lại không được hưởng điều đó”.

Trong một nền bóng đá chuyên nghiệp (nhưng ở một giai đoạn dài lại không được xem là chuyên nghiệp), HLV Lê Thụy Hải sẵn sàng xử lý các “ông sao” và cả những ông bầu thích can thiệp vào công việc huấn luyện. Nhiều người còn nhớ câu chuyện trên chuyến xe đầu tiên ông Hải cùng đội bóng Hà Nội ACB đi tập, lúc mọi người đã có mặt thì xuất hiện một người đang hối hả chạy đến, cách xe khoảng 100 mét. Liếc thấy đó là Vũ Minh Hiếu - một ngôi sao của đội, ông Hải khẽ bảo tài xế: "Đi đi!". Giọng ông gằn xuống như kiểu bảo: "Tôi biết kia là Minh Hiếu rồi, không phải đợi!". Cả đội choáng váng với HLV mới...

Cũng ở Hà Nội ACB, sau mùa giải 2003 chơi thăng hoa, ghi 11 bàn, giúp Nam Định giành vị trí thứ ba chung cuộc, cầu thủ Achilefu được bầu Kiên rải tiền đón về. Anh tự xem mình là ngôi sao. Có lần, trong bữa ăn tập thể, Achilefu lớn tiếng mắng đầu bếp, đòi ngồi bàn riêng và chế độ ăn riêng. Ông Hải lập tức đuổi thẳng tiền đạo người Nigeria ra khỏi nhà ăn và cắt suất bữa đó. Sau sự cố trên, Achilefu và các ngoại binh khác của Hà Nội ACB ngoan hẳn...

Rõ ràng, với tính cách của mình, ông thường làm chủ cả 4 cái chân ghế HLV ở những nơi mà ông đặt chân tới, tạo được sự độc lập đáng kể với các ông bầu vốn thích can thiệp vào chuyên môn.

Còn nhớ, sau một trận đấu giao hữu ở sân Hàng Đẫy, ông Hải tranh luận gay gắt với bầu Kiên về chuyện nhân sự, và ông tuyên bố: "Nhà tôi ở ngay Hà Đông, chỉ cần vài chục nghìn tiền xe ôm là về tới", ngụ ý không ngại bị sa thải. Trong bóng đá Việt Nam, bầu Đệ từng làm khổ nhiều HLV bởi thích can thiệp vào chuyên môn. Chỉ HLV Lê Thụy Hải là xử lý được vấn đề đó. Chính bầu Đệ trong Hội nghị các chủ tịch CLB năm 2011 kể lại rằng mình từng bị ông Hải đuổi khỏi nhà ăn khi tới thăm đội bóng và có vài ý kiến về chuyên môn.

Lê Thụy Hải cũng nổi tiếng với những câu nói đặc biệt mà đối phương chẳng thể lường trước. Ông cũng giữ cái thói quen nói như “tát nước vào mặt” mỗi khi phóng viên bắt đầu mở lời. Nhưng rồi chính ông sau đó lại tuôn như suối khi vào mạch chuyện sau đó.
76 tuổi, tính cả tuổi mụ như người xưa vẫn tính khi ai đó rời bỏ dương gian. Một chặng đường với đủ thăng trầm cảm xúc, gam màu sáng tối đã đến và đi với ông Lê Thụy Hải. Khép lại cuộc đời, ông Hải để lại những điều đặc biệt và thú vị, cho chính ông và cho nền bóng đá Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Người đặc biệt” Lê Thụy Hải