Nữ anh hùng lái máy xúc

Dương Linh| 17/04/2021 06:15

(HNM) - Là người phụ nữ duy nhất lái máy xúc trên Công trường Thanh niên cộng sản đầu tiên ở Thủy điện Hòa Bình những năm 1980, bà Lê Thị Ngừng (sinh năm 1954) đã nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc không ngừng nghỉ để trở thành Anh hùng Lao động. Với bà, những năm tháng đó là ký ức sâu sắc không thể nào quên trong cuộc đời…

Anh hùng Lao động Lê Thị Ngừng cùng chồng là ông Lê Viết Phụng ôn lại kỷ niệm năm xưa trên Công trường Thanh niên cộng sản ở Thủy điện Hòa Bình.

Dũng sĩ ngăn sông

Trong ngôi nhà ấm áp ở khu dân cư số 9, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chúng tôi có dịp gặp gỡ bà Lê Thị Ngừng. Ở tuổi 67, nữ Anh hùng Lao động ngày nào bây giờ không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng tiếng nói vẫn sang sảng. Hỏi về một thời hăng say lao động trên Công trường Thanh niên cộng sản ở Thủy điện Hòa Bình, ánh mắt bà Ngừng sáng lên, những kỷ niệm ùa về trong ký ức. 

Cô gái Lê Thị Ngừng sinh ra trong một gia đình lao động ở xã Phúc Lâm, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Những năm sau giải phóng, đất nước còn nhiều khó khăn, theo tiếng gọi của phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, cũng như hàng vạn thanh niên của các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, năm 1976, Lê Thị Ngừng xung phong tham gia xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình. “Không phải ai muốn đi cũng được, vì đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Tôi cũng như các thanh niên khác, đều mong muốn được góp sức trẻ, cống hiến hết mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, bà Ngừng cười tươi chia sẻ.

Rồi bà kể về cái thời sôi nổi ấy: “Đến với công trình Thủy điện Hòa Bình những ngày đầu xây dựng, tôi là một trong bốn chị em được lựa chọn vào đội sửa chữa cơ khí của Công ty Thi công cơ giới. Chúng tôi xách đồ nghề đi kiểm tra từ các loại xe bình thường đến xe Ben-la, xe xúc EKG. Nhìn xe xúc EKG to như cái nhà, tôi kinh lắm... Nhưng tôi cũng không thể ngờ mình lại trở thành nữ công nhân lái chiếc xe xúc khổng lồ đó…”.

Hành trình từ một cô công nhân đến một Anh hùng Lao động không đơn giản. Đó là cả một quá trình phấn đấu học tập, làm việc cật lực, không ngừng nghỉ. Tiếp cận với máy móc khi đó ký hiệu động cơ toàn bằng tiếng Nga, bà Ngừng đã mày mò tự học cùng sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. “Những ngày đầu ngồi trên xe, nghe tiếng ủi, tiếng rít, với cái nóng và khí thải của xe nhả ra, đầu tôi đau như búa bổ, vừa buồn nôn, vừa chóng mặt. Nhưng với sự cố gắng, từ thợ bậc 2/7, tôi đã lên được bậc 4/7 của thợ lái máy xúc chính thức. Cả đội có 500 lái xe, chỉ mình tôi là nữ. Dù vậy, năng suất lao động của tôi luôn cao hơn nhiều anh em…”, bà Ngừng tự hào kể.

Tiếp mạch chuyện, bà Ngừng nhớ lại: "Tôi không thể quên tiếng máy ầm ầm và ánh đèn không bao giờ tắt trên công trường. Nhưng đến nay tôi nhớ nhất một đêm. Đêm đó đúng hôm tôi làm trưởng ca, trời đổ mưa rất nhanh. Máy xúc được đặt trong hố móng rất sâu, bốn bề là núi cao nên mưa là ngập nặng. Chúng tôi lội nước ngang bụng dù trong nước toàn thuốc mìn để cố gắng chuyển máy lên cho khỏi ngập, nhưng đang chuyển thì mất điện. Đang lo nơm nớp thì may thay lại có điện, cả đội chạy vội lên xe, đánh máy lên. Từ 12h đêm đến 6h sáng hôm sau công việc mới hoàn thành, nhưng sau đó tôi bị ốm rất nặng, có lúc còn tưởng mình sẽ chết. Thế rồi, sau một tháng điều trị, bệnh thuyên giảm, tôi tập đi và dần trở về với công việc. Sau đận ấy, tôi lại như quên hết những gian khổ đã từng trải qua, lại hăng say làm việc".

Xả thân tận tụy, hết mình trong công việc, tháng 5-1984, bà Ngừng được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi ấy, bà như được tiếp thêm sức mạnh, càng phấn đấu tốt hơn. Ghi nhận những nỗ lực của bà, Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho bà Ngừng vào năm 1985. Rồi ngày 8-1-1986, bà Lê Thị Ngừng được Ban Chấp hành cuộc hành quân theo chân Bác chứng nhận đạt danh hiệu “Dũng sĩ ngăn sông Đà đợt 2”.

Kể về lý do được nhận danh hiệu Dũng sĩ ngăn sông, bà Ngừng nói: “Xuất phát từ mong muốn đất nước điện khí hóa, người dân quê mình được hưởng thụ, không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều không nghĩ về lợi ích cá nhân, chỉ mong được cống hiến. Để chạy đua với nước lũ, thực hiện mục tiêu đưa các tổ máy vào phát điện theo kế hoạch, cả công trường sôi sục khí thế thi công ngăn sông Đà đợt 2. Lúc đó, thanh niên chúng tôi đều tự nguyện thi đua, động viên nhau lao động, làm thêm giờ, bất kể ngày đêm, phấn đấu vượt năng suất nên tôi làm thông từ 18h đến 6h sáng hôm sau mà không thấy mệt mỏi, không hề nản chí…”.

Động lực phấn đấu

Vừa nỗ lực lao động, bà Ngừng còn tham gia công tác Đoàn, là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Tổng công ty Thủy điện Hòa Bình, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Không những vậy, bà Ngừng còn tranh thủ học thêm Đại học Luật, Cao cấp Lý luận chính trị... “Một năm sau khi nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, trong kỳ thi thợ bậc cao, tôi được xếp bậc 5/7 và với những sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, trong nhiều năm liền, tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua, vinh dự là đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc năm 1986…”, bà Ngừng tự hào chia sẻ.

Năm 1988, do tình hình sức khỏe, bà Ngừng chuyển công tác về Công ty cổ phần Licogi 13. Phát huy tinh thần thanh niên từ những năm tháng trên công trường, bà Ngừng vừa tham gia công tác Đảng, Đoàn ở công ty, vừa làm Tổ trưởng dân phố tại địa phương. “Bà nhà tôi làm Tổ trưởng dân phố hơn 10 năm, còn được Công an thành phố Hà Nội khen thưởng. Đến khi ốm, phải mổ tim mới nghỉ”, ông Lê Viết Phụng, chồng bà Ngừng chia sẻ. Khoe những bức ảnh khi còn lái máy xúc được lưu giữ cẩn thận, bà Ngừng tiếp lời chồng: “Nếu còn khỏe, tôi vẫn tiếp tục làm công tác ở tổ dân phố, nhưng do ảnh hưởng của việc lái xe xúc lâu ngày nên sức khỏe yếu dần, không tham gia được… Dù vậy, tôi vẫn cùng gia đình tham gia đầy đủ các hoạt động tại khu dân cư với tư cách công dân”.

Trong suốt quãng thời gian hơn 30 năm gắn bó với ngành Xây dựng đến lúc nghỉ hưu, ở đâu, lúc nào, bà Lê Thị Ngừng cũng gương mẫu, nhiệt tình với công việc và chia sẻ mọi khó khăn với đồng nghiệp. Ngoài danh hiệu Anh hùng Lao động, bà Ngừng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu như, được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì tháng 1-1986; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”... Với bà, những phần thưởng này là động lực để tiếp tục sống vui, sống khỏe, động viên con, cháu sống có ích cho cộng đồng.

Nói về bà Ngừng, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 9 (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) Đặng Đình Bảo nhận xét: “Từ khi về hưu, tuổi cao lại hay ốm đau, nhưng bà Ngừng và gia đình luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của khu dân cư... Tấm gương hết mình lao động của bà Ngừng luôn là điển hình để các thế hệ thanh niên địa phương phấn đấu, học tập”.

Người Anh hùng Lao động Lê Thị Ngừng năm xưa tích cực lao động quên mình vì dòng điện của Tổ quốc, khi trở về với cuộc sống đời thường lại sống bình dị, gần gũi, luôn nêu cao ý thức công dân. Điều đó thật đáng cảm phục!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ anh hùng lái máy xúc