Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hà: Người nặng lòng với xứ Đoài

Đức Huy| 10/04/2021 06:05

(HNMCT) - Thượng tá Đào Hà (nguyên cán bộ Phòng Bảo vệ An ninh Chính trị, Công an thành phố Hà Nội) là người ôm ấp nhiều đam mê, tâm huyết: Nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu môi trường, làm thơ, sáng tác nhạc, mở bảo tàng tư nhân... Đặc biệt, trên cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài, ông đã tập hợp và hướng đội ngũ hội viên đến những sáng tác ca ngợi con người, văn hóa và vùng đất Hà Tây (cũ). Sinh thời, “nhà Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc gọi ông là “nhà xứ Đoài học”.

Thượng tá Đào Hà bên những hiện vật.

1. Men theo quốc lộ 32 tìm đến thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), tôi gặp Thượng tá Đào Hà trong một ngày mưa xuân lất phất. “Quê hương người gái đảm” những năm gần đây đang trên đà phát triển, “hơi thở” đô thị hóa len lỏi trong từng ngóc ngách, từng con người, thế nhưng ông thì vẫn giữ nét chân quê đáng yêu vốn có. Không chỉ có vậy, trong tâm khảm người nguyên là cán bộ công an này là một nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào, một khát vọng được lao động, cống hiến cho xã hội và cho quê hương xứ Đoài.

Trên khuôn đất rộng chừng 1.500m2, ông cho xây dựng 3 căn nhà nhỏ. Một căn nhà là nơi thờ phụng tổ tiên, trưng bày các hòn đá quý, một căn chuyên chứa các khung nhà cổ, đồ gỗ, và căn nhà còn lại là nơi cất giữ hiện vật thời chiến tranh. Với tư duy làm văn hóa là phải có kinh tế, ông đã mạnh dạn mở xưởng may đồ bảo hộ lao động, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đồng thời để có tiền thỏa mãn thú chơi sưu tầm hiện vật. Ông chia sẻ, mình đã đi khắp mọi nơi, cả trong và ngoài nước, bỏ hàng tỷ đồng để mua hiện vật, trong đó đa phần là hiện vật chiến tranh, về lưu giữ tại “bảo tàng” của mình.

“Mặc dù chưa từng ra trận nhưng những gì diễn ra thời hậu chiến đã ám ảnh tôi rất nhiều, nhắc tôi nhớ về sự hy sinh xương máu của thế hệ đi trước để có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Tôi muốn thông qua các hiện vật để nhắc nhở thế hệ sau không được lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó thúc đẩy khát vọng cống hiến trong mỗi người trẻ”, Thượng tá Đào Hà chia sẻ.

Bước chân vào “bảo tàng” của Đào Hà, dễ nhận thấy có hàng nghìn bi đông, ăng gô (vật dụng đựng nước, đồ ăn thời chiến tranh), cùng với đó là các hòm đạn, vỏ đạn, vỏ bom, mũ sắt, bánh máy bay, dù, mũ cối, xác ngư lôi, điện thoại dã chiến, vỏ lựu đạn, vỏ đạn 12 ly 7, bát ăn cơm, túi đựng súng... Ngoài hiện vật chiến tranh, ông còn sưu tầm xe đạp Peugeot, Thống Nhất, xe máy Minsk, Cup 67..., rồi các loại mâm đồng, nồi đồng, mâm gỗ, bát đồng, bát sắt, đèn dầu đế đồng... Hằng ngày có nhiều đoàn khách đến thăm “bảo tàng” của ông, trong đó có học sinh đến từ các trường học trong và ngoài huyện Đan Phượng. Theo ông, đó là điều rất quý bởi học lịch sử qua hiện vật là buổi học ngoại khóa bổ ích để các em không cảm thấy nhàm chán với môn học này.

2. Sinh ra tại huyện Đan Phượng nhưng gần như cả cuộc đời Thượng tá Đào Hà sinh sống, làm việc tại Thủ đô. Trăn trở với vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, đặc biệt là những con sông “chết”, ông đã dày công nghiên cứu 3 công trình và đều nhận được giải cao (2 giải Nhất, 1 giải Nhì) tại các cuộc thi về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức. Công trình thứ nhất là đề án “Đào kênh đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch” để cứu dòng sông Tô Lịch và cũng từ dự án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã mời các chuyên gia môi trường Hàn Quốc sang nghiên cứu, khảo sát để tìm ra phương án tối ưu giúp Hà Nội khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Cùng với đó là hai đề án “Xử lý chất thải rắn ở nông thôn Việt Nam hiện nay” và “Chống ngập úng của thành phố Hà Nội” năm 2009 sau trận lụt lịch sử đã đem lại hiệu quả thiết thực cho môi trường.

Đặc biệt, với quê hương xứ Đoài, ông là người có công tìm ra nguồn gốc Hội hát Chèo tàu ở Đan Phượng rồi từ đó phát hiện ra cuộc khởi nghĩa Hắc Y (những năm 1407 - 1416) chưa được lịch sử nhắc đến. Ông cũng là người nắm giữ nhiều tư liệu đáng tin cậy về gốc gác của vua Lý Nam Đế với sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân và võ tướng Phạm Tu. Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng đánh giá: “Tôi từng gặp rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử không chuyên nhưng chưa thấy ai tâm huyết như Đào Hà”.

3. Với tư cách Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài, nơi tập hợp 340 văn nghệ sĩ quê gốc Hà Tây, Thượng tá Đào Hà là một nghệ sĩ đích thực. Để thể hiện tình yêu quê hương, ông làm thơ, sáng tác nhạc ca ngợi con người, mảnh đất xứ Đoài. Ông đã xuất bản tập thơ “Xứ Đoài đẹp mãi vườn quê” và sáng tác nhiều ca khúc đi vào lòng người như: “Tìm em trong lễ hội làng Phùng”, “Đồng đêm”, “Chùa Thầy”, “Tất cả vì yêu”, “Chín dũng sĩ đập Phùng”, và đặc biệt gần đây là “Xứ Đoài quê tôi”.

Kế thừa các đời Chủ nhiệm như họa sĩ Phan Kế An, Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương, nhạc sĩ Hoàng Lân, Thượng tá Đào Hà là thế hệ Chủ nhiệm thứ 4 của Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài, một câu lạc bộ đã tồn tại, phát triển trong suốt 27 năm qua. Tất nhiên là người đứng đầu của một tổ chức văn nghệ sĩ với những người rất có cá tính, làm sao để câu lạc bộ có thể tạo điều kiện, hỗ trợ để họ có tác phẩm xuất sắc là điều không dễ. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người chiến sĩ công an nhân dân một lòng tha thiết với quê hương, ông đã đưa câu lạc bộ không ngừng phát triển trong những năm làm lãnh đạo.

“Hiện nay, câu lạc bộ mới có 7 chi nhánh ở Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Sơn Tây. Điều trăn trở của tôi là câu lạc bộ phải “phủ sóng” hết các địa danh của vùng đất Hà Tây trước đây. Cùng với đó, tôi muốn tách riêng các chuyên ngành, giao người có uy tín đứng đầu để thường xuyên có những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, qua đó hối thúc các hội viên có tác phẩm xuất sắc. Tôi mong muốn đến từng trường học để kết nối các em học sinh yêu văn chương giao lưu, trò chuyện cùng các nhà văn trong câu lạc bộ, từ đó ươm mầm yêu văn chương trong các em và từ đó biết đâu sẽ có một Tản Đà, một Quang Dũng ở thế kỷ XXI”, Thượng tá Đào Hà bày tỏ.

Thượng tá Đào Hà kể, trước đây câu lạc bộ đã dựng tượng nhà viết kịch Tào Mạt (tức Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Duy Thục, người được biết đến là “Vua chèo đất Bắc”) và nhà thơ Quang Dũng, tới đây câu lạc bộ sẽ phối hợp cùng UBND huyện Ba Vì vận động kinh phí, khảo sát công trình để dựng tượng nhà thơ Tản Đà trên lăng mộ của ông ở quê nhà. Rồi ông tâm huyết nói về việc xây dựng lực lượng kế cận, phát triển hội viên trẻ trong câu lạc bộ... Nghe ông say sưa nói về những dự định ấy, tôi càng hiểu thêm về ông cùng quan điểm sống mà ông vẫn kiên định cho đến bây giờ: “Con người ai sinh ra cũng phải mất đi, nhưng trong khi đang sống thì không được phép quên đi ý thức cống hiến cho đất nước, cho xã hội, cho quê hương”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hà: Người nặng lòng với xứ Đoài