Những tấm gương bình dị

Dương Linh| 23/01/2021 06:28

(HNM) - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều nữ thanh niên xung phong Thủ đô đã cống hiến cả tuổi xuân cho độc lập, tự do của dân tộc. Vượt qua bao mất mát, hy sinh, những cô gái mười tám, đôi mươi đầy nhiệt huyết ngày ấy giờ lại luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội, trở thành những tấm gương bình dị mà cao quý...

Bà Vũ Thị Thoa (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn con em cựu thanh niên xung phong học nghề tại xưởng cắt may của gia đình.

Ký ức tuổi 17

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1964, cô gái Nguyễn Thị Lan (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) đã cùng lớp lớp thanh niên Thủ đô tình nguyện lên đường chống Mỹ cứu nước. Nhớ lại năm tháng hào hùng ấy, trong mắt bà Lan ánh lên những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ sôi nổi.

Bà Nguyễn Thị Lan kể: “Khi đó tôi 17 tuổi, lên đường với khí thế hừng hực “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “chưa thắng giặc Mỹ chưa về quê hương”. Ngày ấy đi thanh niên xung phong vui lắm, ai không được đi thì thiệt thòi. Chúng tôi chỉ có 5 ngày tập trung học chính trị, tập hành quân, chuẩn bị tâm lý vào chiến trường. Trải qua 15 đêm hành quân, chúng tôi cũng vào đến địa điểm tập kết. Nhiệm vụ của đơn vị tôi là khai thông tuyến đường trọng điểm, bảo đảm giao thông thông suốt. Là Tiểu đội trưởng, ngoài những công việc như các đồng đội khác, tôi còn được giao nhiệm vụ nổ mìn phá đá. Vất vả, hiểm nguy là thế, nhưng trong suốt hơn 4 năm, tôi cố gắng hết mình hoàn thành nhiệm vụ...”.

Tốt nghiệp cấp II cũng là lúc đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bà Nguyễn Thị Hợi (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) không thi vào cấp 3 và cũng không thi vào các trường trung cấp như nhiều bạn cùng trang lứa mà viết đơn tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong khi chưa đủ 18 tuổi. Bồi hồi ôn lại kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Hợi chia sẻ: “Những trận B52 rải thảm, những trận bom từ trường, bom lá, bom bi, rốc két, chất độc da cam/dioxin cháy trụi cả cánh rừng cũng không làm nản lòng tuổi trẻ xung phong đi cứu nước. Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh với quyết tâm “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Mỗi lần chứng kiến sự ra đi của đồng đội, tôi càng quyết tâm lập nhiều chiến công hơn dù đã nhiều lần bị thương. Tôi đã vinh dự được kết nạp Đảng ở chiến trường vào tháng 10-1966 khi bước sang tuổi 19 và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ giao thông vận tải, đánh thắng giặc Mỹ” năm 1967…”.

Cũng 17 tuổi xuân phơi phới, cô gái Vũ Thị Thoa (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) đã tình nguyện lên đường tham gia thanh niên xung phong năm 1965, đóng quân tại Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình. Vóc người nhỏ nhắn, không ai nghĩ bà Thoa từng là “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Nhắc về những kỷ niệm trong chiến trường, bà Thoa xúc động nói: “Ngày cũng như đêm, máy bay địch quần nát cả bầu trời, bom đạn xé tung những con đường. Nhưng ngớt tiếng bom, đơn vị tôi lại kịp thời có mặt san lấp, với khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập, mạch máu giao thông không thể tắc”. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch, với tinh thần hăng hái của tuổi trẻ, chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua gian khổ để bảo vệ Tổ quốc…”.

Những câu chuyện trở về quá khứ như chạm vào nỗi nhớ của những nữ thanh niên xung phong chống Mỹ năm nào. Ở đó, họ đã không từ nguy nan, xông pha lửa đạn, kiên cường, dũng cảm, bảo đảm mạch máu giao thông chi viện cho miền Nam ruột thịt…

Viết tiếp những trang đời

Trong 4 năm tham gia thanh niên xung phong hay kể cả khi về nghỉ hưu, tham gia công tác địa phương, bà Vũ Thị Thoa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chính quyền địa phương đánh giá cao. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng bà Thoa không lúc nào ngơi tay. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Thanh Trì, bà Thoa luôn gần gũi nhân dân, đã giúp 29 gia đình được giải quyết sửa nhà, 9 gia đình được xây nhà tình nghĩa, trị giá trên 1 tỷ đồng; 139 hội viên cựu thanh niên xung phong được tặng sổ tiết kiệm, trị giá trên 200 triệu đồng. Không chỉ vậy, hằng tuần, bà Thoa còn tham gia nấu hàng trăm suất cơm, suất cháo phát cho bệnh nhân ở các bệnh viện; tặng hàng trăm suất quà cho đồng bào nơi vùng sâu, vùng xa, vùng bị bão lũ.

Đặc biệt, bà Vũ Thị Thoa còn thành lập công ty cắt may thời trang, tạo việc làm cho nhiều con em của cựu thanh niên xung phong. Từ năm 2015 đến nay, bà Thoa vinh dự được nhận 9 Bằng khen, được biểu dương tại Đại hội điển hình tiên tiến tổng kết 10 năm phong trào cựu thanh niên xung phong nêu gương sáng làm theo lời Bác và hiện bà đang được Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

“Mỗi khi giúp đỡ ai đó, thấy họ vui là tôi vui. Vui hơn nữa là mình đã học hỏi và noi theo gương Bác để mang lại những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Tôi cũng dạy con cháu mình phải  noi gương Bác và những người đi trước, cố gắng lao động và chia sẻ thành quả với những người xung quanh”, bà Vũ Thị Thoa chia sẻ.

Giống như bà Thoa, cả tuổi thanh xuân cống hiến cho những con đường Trường Sơn, trở về đời thường, bà Nguyễn Thị Hợi tuy là thương binh nhưng vẫn tích cực tham gia công tác địa phương. Hiện bà là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm). Người nữ thanh niên xung phong ngày nào đã đi qua nhiều chiến trường, giờ lại âm thầm với những công việc chung, đặc biệt là động viên, thăm hỏi, vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội.

Bà Nguyễn Thị Hợi cho biết: “10 năm qua, tôi đã ủng hộ trên 150 triệu đồng, cùng với Ban Chấp hành đến từng gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau thăm hỏi tặng quà. Ngoài ra, tôi còn cho đồng đội vay trên 100 triệu đồng không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình…”.

Với những đóng góp của mình, bà Hợi đã vinh dự 4 lần được Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen; 4 lần được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước…

Còn bà Nguyễn Thị Lan, về nghỉ hưu từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn tích cực tham gia công tác xây dựng địa phương. Bà đang là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) và cùng lúc kiêm nhiều công việc khác tại khu dân cư. Dù vậy, ở vị trí nào bà cũng tiên phong gương mẫu, được người dân tin yêu.

Nói về những nữ cựu thanh niên xung phong điển hình, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội Dương Thị Vịn cho biết: “Hiện nay, nữ cựu thanh niên xung phong Thủ đô có gần 1.200 chị là thương binh. Trong thời chiến cũng như thời bình, các chị đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua yêu nước. Ngoài ra, với tấm lòng nhân ái, chị em luôn đi đầu trong các phong trào thiện nguyện, có nhiều đóng góp, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn do dịch Covid-19, cũng như thiên tai, bão lũ”.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, những nữ cựu thanh niên xung phong Thủ đô mỗi người một công việc, một hoàn cảnh nhưng vẫn luôn giữ vững truyền thống năm xưa, nhiệt tình, trách nhiệm với cộng đồng, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội và là tấm gương sáng để con cháu noi theo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tấm gương bình dị