Gửi yêu thương qua từng trang viết

Khánh Thư| 26/12/2020 04:35

(HNMCT) - Nhà văn Lê Phương Liên sinh năm 1951, ở khu phố cổ Hà Nội. Mê văn học từ thuở nhỏ và từng đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc thời trung học, nhưng phải đến khi trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thì Lê Phương Liên mới thực sự “bén duyên” với văn chương.

Nhà văn chia sẻ, thời sinh viên bà bắt đầu tập tành viết lách. Được nhà văn Tô Hải Vân động viên, “mai mối”, bà gửi truyện ngắn đầu tay Dũng cảm đến NXB Kim Đồng, sau đó được nhà xuất bản giới thiệu tham gia trại sáng tác của ngành Giáo dục. Tại đây, bà viết truyện vừa Những tia nắng đầu tiên và truyện ngắn Câu hỏi trẻ thơ. Tuy là truyện viết sau nhưng Câu hỏi trẻ thơ là tác phẩm đầu tiên của Lê Phương Liên được công bố (Báo Người giáo viên nhân dân, in ngày 2-9-1970). Cũng từ đó bà trở thành cộng tác viên của NXB Kim Đồng.

Tốt nghiệp khoa Toán - Lý của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và được phân công về Trường cấp II Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Thanh Trì, nay là phường Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhưng tình yêu với văn chương đã khiến cô giáo trẻ Lê Phương Liên ngày ấy quyết định rẽ lối, đầu quân cho NXB Kim Đồng sau 9 năm gắn bó với phấn trắng bảng đen. Suốt những năm tháng gắn bó với NXB Kim Đồng, với vai trò là biên tập viên mảng sách văn học, nhà văn Lê Phương Liên trở thành “bà đỡ” cho nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi.

Đặc biệt phải kể tới bộ truyện tranh Nhật Bản Doraemon của tác giả Fujiko Fujio và tiếp đó là bộ sách Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Từng nhiều năm đứng trên bục giảng, Lê Phương Liên hiểu rất rõ tâm lý lứa tuổi học trò, đây cũng chính là lợi thế của bà khi đảm trách công việc thẩm định, biên tập bản thảo tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng. 

Dù bận rộn với công việc biên tập nhưng nhà văn Lê Phương Liên vẫn dành thời gian cho sáng tác. Kể từ truyện ngắn đầu tiên, cứ đều đặn 2 - 3 năm bà lại có một tập truyện mới ra mắt độc giả. Có thể kể tới Khi mùa xuân đến, Hoa dại, Bức tranh còn vẽ, Én nhỏ, Khúc hát hạnh phúc, Dòng thu, Cuộc phiêu lưu của chú rối Tễu, Khu vườn biết nói, Ký ức ánh sáng... 

Trung tuần tháng 11 vừa qua, nhà văn Lê Phương Liên cho ra mắt bạn đọc cuốn Câu hỏi trẻ thơ. Gần 400 trang sách tập hợp 50 tác phẩm (gồm 25 truyện ngắn và 25 tản văn) đã được trao giải thưởng trong nhiều cuộc thi, từng in trên báo và trong các tuyển tập sách của tác giả, phần nào cho thấy thành quả mà nhà văn “gặt hái” được trong suốt hành trình 50 năm qua.

Qua các trang viết của nhà văn Lê Phương Liên, dễ nhận thấy sáng tác của bà chủ yếu dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Tác giả bộc bạch: “Từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, lẽ sống của tôi là tình yêu thương con người, nhất là những người bé bỏng như trẻ em”. Chính bởi thế mà suốt những năm tháng cầm bút bà miệt mài vun đắp yêu thương qua những trang viết trong trẻo, hồn hậu và ấm áp dành cho các em. Có khi là những truyện viết về đề tài mái trường được chắt lọc từ những trải nghiệm của tác giả - một cô giáo trẻ mới ra trường đầy tâm huyết; có khi là những truyện đồng thoại mộc mạc gợi mở nhiều điều thú vị... 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Viết cho thiếu nhi rất khó. Viết cho lứa tuổi nhi đồng, mẫu giáo còn khó hơn nhiều. Lê Phương Liên đã chọn con đường khó nhất ấy để tạo dựng sự nghiệp cho mình. Với tâm hồn trong trẻo, tinh tế và nhạy cảm, lại thêm lối kể chuyện mộc mạc, giản dị mà không kém phần hấp dẫn, sâu sắc... văn của chị là những món quà đặc biệt đã “thửa” riêng dâng tặng con trẻ và những ai từng là con trẻ”. 

Ở thể loại tản văn và ghi chép, nhà văn Lê Phương Liên cũng ghi dấu ấn với cảm nhận sâu sắc và tinh tế khi viết về những vùng đất mình đã đi qua, về nơi mình từng gắn bó; về kỷ niệm của ngày ấu thơ nơi phố cổ Hà thành; và cả những nhà văn, nhà thơ, những người bạn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức bà...

Với nhà văn Lê Phương Liên, viết chính là sự tỏ bày, gửi gắm tình cảm yêu thương đến gia đình, quê hương, bạn hữu. Và những ai đã từng đọc tác phẩm của nhà văn, chắc hẳn sẽ hiểu hơn điều mà bà mong mỏi qua mỗi trang viết của mình, đó là “sẽ đem đến cho người đọc những phút giây đầm ấm yêu thương, gửi đến người đọc những suy nghĩ tươi sáng về cuộc sống và con người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gửi yêu thương qua từng trang viết