Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tâm: Người ''chở đò'' cần mẫn

Sao Mai| 20/11/2020 04:00

(HNMCT) - Vượt qua định kiến trước đây “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thanh Tâm, nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã theo đuổi việc học đàn bầu và trở thành NSND đầu tiên của bộ môn này.

Trong dòng ký ức miên man về nghề giáo, bà bồi hồi chia sẻ: “Có lẽ không loại nhạc cụ nào có được lực lượng kế cận tài năng, hùng hậu và tâm huyết như đàn bầu. Đương nhiên, là người “chở đò”, tôi vô cùng hạnh phúc, tự hào vì điều đó”.

1. Căn nhà nhỏ trên phố Hào Nam của NSND Thanh Tâm trong những ngày cả nước tri ân các nhà giáo luôn đầy ắp tiếng cười. Hết nhóm khách này lại đến nhóm khách khác, họ là những cô cậu học trò nhỏ năm nào nhờ bàn tay dìu dắt, chỉ bảo tận tình của cô giáo Thanh Tâm nay đã trưởng thành, tràn đầy khát khao cống hiến cho nghệ thuật. Có thể kể đến những cái tên như: NSND Hoàng Anh Tú, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Quang Hưng, NSƯT Lệ Giang, NSƯT Bùi Lệ Chi, NSƯT Kim Anh, NSƯT Kim Thành...

Quan sát tinh tế, nghệ sĩ Thanh Tâm phát hiện ra những học trò có giọng hát thiên bẩm và kịp thời động viên họ theo con đường ca hát để tôi luyện nên những giọng ca nổi tiếng cho đất nước như NSND Thái Bảo, NSƯT Đăng Dương... Không chỉ vậy, tình yêu với cây đàn bầu và âm nhạc dân tộc còn được bà trao truyền cho chính con trai của mình - nhạc sĩ, NSƯT Hồ Hoài Anh.

Là người theo học NSND Thanh Tâm suốt 15 năm, với NSƯT Lệ Giang (hiện là giảng viên đàn bầu tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), cô giáo Tâm như người mẹ sinh ra mình lần thứ 2 vậy. NSƯT Lệ Giang chia sẻ: “Hơn 30 năm trước, tôi là học trò của cô Thanh Tâm. Cô Thanh Tâm rất đẹp, đẹp từ ánh mắt, nụ cười cho đến giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, dường như cô chưa bao giờ cáu gắt với học trò. Cô luôn nắm bắt tâm lý của từng học trò, vừa dạy vừa dỗ bởi học sinh mới vào trường hầu như còn rất nhỏ, chỉ 7 - 8 tuổi. Cũng bởi quá thần tượng cô nên trong biểu diễn lẫn giảng dạy tôi đều cố gắng tiếp thu, học tập từ phong cách đến khả năng sư phạm của cô. May mắn giờ đây là đồng nghiệp của cô, tôi lại càng có điều kiện được gặp gỡ, học hỏi cô nhiều hơn”. 

NSƯT Quang Hưng, nhạc sĩ trong những bộ phim đình đám như Ma làng, Gió làng Kình, Thương nhớ ở ai, cũng không thể quên sự chỉ bảo tận tình của cô Thanh Tâm. Anh bộc bạch: “Cô là người luôn quan tâm tới học trò. Với tôi, cô luôn tôn trọng tính sáng tạo, khuyến khích, động viên khi tôi tự cải biến kỹ năng để có được nét riêng trong cách chơi đàn”.

Hạnh phúc, tự hào về các học trò, NSND Thanh Tâm xúc động chia sẻ: “Theo đàn bầu, các em phải học từ khi còn rất nhỏ nên cô trò được gắn bó nhiều năm, tình cảm sâu đậm. Đàn bầu là môn học khó, bởi vậy tôi luôn dạy các em phải luôn nỗ lực từng ngày. Với Hồ Hoài Anh hay những học trò khác, trong cách dạy của tôi đều tràn đầy tình yêu thương, sự tâm huyết, trách nhiệm và đôi khi cũng rất nghiêm khắc. Đàn bầu nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung là tinh hoa của đất nước, bởi vậy tôi luôn dặn học trò cố gắng giữ gìn, tiếp nối cho muôn đời sau”.

2. NSND Thanh Tâm thời trẻ là cô gái cá tính và có phần bướng bỉnh. Vượt qua tiếng xì xào của các bạn nam: “Xinh quá mà lại đi học đàn bầu kìa”, “con gái mà lại học đàn bầu”... bà vẫn quyết định gắn cuộc đời mình với tiếng đàn réo rắt, lấp lánh hồn dân tộc. Vượt qua tất cả, Thanh Tâm trở thành nữ sinh đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành đàn bầu tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và cũng là nữ nghệ sĩ đầu tiên mang tiếng đàn bầu đến với bạn bè quốc tế.

Trong ký ức của NSND Thanh Tâm thì lần biểu diễn trong một chương trình giao lưu nghệ thuật tại quảng trường ở Liên Xô (cũ) vào năm 1974 để lại ấn tượng sâu đậm nhất. NSND Thanh Tâm kể: “Ngay khi những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc Nga Vonga xinh đẹp vang lên trên cây đàn bầu Việt Nam thì trời bỗng đổ cơn mưa lớn, nhưng vì đang biểu diễn nên tôi không thể rời vị trí mà tiếp tục biểu diễn cho đến hết bài, và tất nhiên khán giả cũng không ai bỏ chạy. Vì quá nhập tâm nên tôi không để ý ai đó đã che ô cho mình, chỉ khi bản nhạc kết thúc, tôi ngẩng lên thì thấy có các cựu chiến binh Hồng quân Liên Xô ngực đeo đầy huy chương đứng sát lại che cho tôi và cây đàn khỏi ướt”. Hay trong lần biểu diễn ở Liên hoan Sinh viên thế giới năm 1979 tại thành phố La Habana (Cuba), bà đã không thể xuống được sân khấu bởi khán giả yêu cầu chơi hết bài này đến bài khác.

Sự nghiệp thành công là thế nhưng cuộc đời của nghệ sĩ Thanh Tâm lại lắm gian truân. Bà đã từng viết những câu thơ: “Tôi khóc cho tôi một buổi chiều/ Khi hoàng hôn xuống mộng liêu xiêu/ Khi chim xao xác tìm tổ ấm/ Còn lại mình tôi bóng xế chiều...” khi hôn nhân với người thầy giáo cũ tan vỡ sau 10 năm chung sống. Cũng vì “chấn động tâm lý” này mà bà đã nhiều lần muốn chấm dứt cuộc sống, thế nhưng, hồi tưởng lại, bà bảo chính cây đàn bầu đã khiến bà có suy nghĩ tích cực hơn. Bà học cách chấp nhận và cuối cùng cũng tìm được “bến đỗ” hạnh phúc của đời mình.  

3. Gắn bó với cây đàn bầu hơn nửa thế kỷ, nghệ sĩ Thanh Tâm luôn cảm thấy may mắn khi được học hỏi, dìu dắt bởi những người thầy, những nghệ nhân xuất sắc như: NSND Vũ Tuấn Đức, nghệ sĩ Bạch Huệ, thầy Bá Sách... Nhờ những kiến thức của các thầy, cô mà bà có được ngày hôm nay, bởi vậy bà luôn ý thức rõ trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ sau.

Một trong những việc làm tâm huyết của bà trong nhiều năm qua là biên soạn giáo trình, giáo án cho đàn bầu ở các cấp học cũng như sưu tầm, tập hợp các tác phẩm như: Đàn bầu cho tuổi học đường (tập 1, tập 2); Tuyển tập bài tập kỹ thuật cho đàn bầu (tập 1, tập 2); Tuyển tập dân ca, ca khúc và tác phẩm nước ngoài chuyển soạn cho đàn bầu độc tấu; Sách học đàn bầu, Tiếng đàn bầu... Đặc biệt, gần đây bà đã dành nhiều công sức cho cuốn sách Giáo trình đào tạo tài năng hệ trung cấp chuyên ngành đàn bầu, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao.

Tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Thanh Tâm được đánh giá không chỉ mềm mại, bay bổng mà còn đầy khát vọng, cá tính, đã làm rung động trái tim của biết bao khán giả trong và ngoài nước. Đặc biệt, tiếng đàn ấy còn là nguồn cảm hứng cho những vần thơ, trong đó có bài Cô Tâm của tác giả Nguyễn Văn Tích. Những câu thơ nhẩn nha, giàu xúc cảm ấy đã được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phổ thành bản nhạc trữ tình để tặng người mẹ yêu quý của mình. Bài hát cũng đã phần nào khắc họa được chân dung của bà, một nhà giáo cả đời đắm say, miệt mài chở những “chuyến đò sang sông”: “Biết bao nhiêu những chuyến đò/ Dòng sông sóng lớn gió to quản gì/ Biết bao nhiêu những mùa thi/ Cánh chim vỗ cánh bay đi khắp miền…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tâm: Người ''chở đò'' cần mẫn