Một tấm lòng Hà Nội

Thu Hằng| 25/10/2020 05:42

(NSHN) - Tiến sĩ Nguyễn Chí Công không chỉ là một nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực tin học, công nghệ máy tính ở Việt Nam mà còn là người có tình yêu Hà Nội sâu sắc. Hệ thống thông tin du lịch Hà Nội trên trang 360.hncity.org do ông xây dựng được đánh giá là khoa học, có nhiều thông tin bổ ích và tiện lợi nhất hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Công bên bàn thờ người cha, Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo.

Truyền thống vẻ vang của một gia đình trí thức Thăng Long

Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau trong một buổi sáng nắng vàng như rót mật. Trước mặt tôi không phải là một vị tiến sĩ nổi tiếng, người đã tham gia nghiên cứu, chế tạo những chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam, tham gia sáng lập FPT cũng như là người đỡ đầu đắc lực đưa mạng internet vào Việt Nam và ứng dụng thành công công nghệ mạng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống, mà đơn thuần chỉ là một người con Hà Nội nặng lòng với mảnh đất này.

Sinh năm 1949 trong một gia đình trí thức Thăng Long, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công là cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Cầu, tức “cụ cử Đông Tác”, một trong những sáng lập viên của Đông Kinh Nghĩa Thục. Thân sinh ông là Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo (1900-1966), là một trong những người có công với nền giáo dục ở Việt Nam. Chú ruột ông là học giả Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) cũng nổi danh là người yêu nước, giữ đạo, có kiến thức Nho giáo và Phật giáo thâm sâu. Anh cả Nguyễn Hải Trừng là cảm tử quân của Thủ đô kháng chiến.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ truyền thống gia đình, từ bé, Nguyễn Chí Công đã có sở thích sưu tầm tem, tranh và sách cổ. Sau này, khi đã trở thành một nhà khoa học về máy tính, ông vẫn say mê nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là văn hóa Hà Nội.

Con người ông có một nền tảng văn hóa Đông - Tây nhuần nhuyễn. Ông đã lấy tên làng Đông Tác để đặt cho trang web dongtac.hncity.org của mình. Đây là một trang web cung cấp kiến thức chuyên sâu và phong phú về Hà Nội và thế giới do ông tự làm từ A đến Z để giúp truyền tải thông tin hữu ích đến bạn đọc, đặc biệt là giới trí thức.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Công cho biết, mảnh đất gia đình ông sinh sống hiện nay (số 89, ngõ 41 Đông Tác, Đống Đa, Hà Nội) xưa là làng Đông Tác ở ven Thăng Long. Chính nơi này, cụ cử Đông Tác và các nhà nho yêu nước của Hà Nội đã bí mật họp bàn việc thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Nay, ông dành một phần diện tích đáng kể để làm Bảo tàng Công nghệ thông tin với rất nhiều tâm huyết như là một bước tiếp nối truyền thống giáo dục và khai thông dân trí của gia đình. Do đó, bảo tàng của ông không chỉ là nơi trưng bày, mà còn là nơi để bất cứ ai cũng có thể đến để học hỏi nhiều thứ, không chỉ giới hạn ở công nghệ thông tin. Ông bảo ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc khi được làm những việc có ý nghĩa và lan tỏa tình yêu Hà Nội tới cộng đồng.

TS. Nguyễn Chí Công nói chuyện với các bạn trẻ tham quan Bảo tàng Công nghệ thông tin do ông xây dựng trên phần đất của gia đình.

Tận hiến bằng tinh thần trách nhiệm và lòng say mê

Bận bịu với bảo tàng là thế nhưng suốt nhiều năm nay, dù nắng hay mưa, vị tiến sĩ 72 tuổi này vẫn đi điền dã để thu thập thông tin về nguồn gốc, sự tích, sự liên kết của hàng trăm di tích quanh Hà Nội. Nhìn ông cặm cụi chụp ảnh, ghi chép, dịch các câu đối, văn bia cổ trong các di tích, nói chuyện với người dân địa phương cho tỏ tường ngọn ngành mới thấy tinh thần và sức làm việc của ông thật đáng khâm phục.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Công chia sẻ, khi ông làm một trang web cá nhân của mình, một trong những mục có đông lượng người truy cập là mục “Thủ đô”. Chính điều này đã khiến ông nghĩ đến việc tách riêng ra lập thành một trang web mới. Và trang web 360.hncity.org chính thức ra mắt vào năm 2010 như một món quà chào mừng Thủ đô tròn 1.000 năm tuổi.

Xác định điểm mạnh của Hà Nội là di sản nên ông đã đầu tư nghiên cứu về hệ thống di tích, di sản với những thông tin chi tiết, cụ thể, đáp ứng nhu cầu của du khách (cả trong và ngoài nước) và người sở tại - những người muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa, muốn tham quan thực tế các di tích lịch sử cũng như trải nghiệm địa phương với chi phí không đáng kể.

Ở 360.hncity.org, du khách được cung cấp nhiều giải pháp khác nhau để tìm một điểm du lịch. Thí dụ muốn đến một ngôi chùa, có thể tìm trong danh mục “vườn thiền”, đồng thời có thể tìm thông qua bản đồ, qua xác định tọa độ (mã cộng và GPS), hoặc tìm trên chính lộ trình di chuyển.

Phần cấu trúc dữ liệu thông tin luôn dựa trên 2 chiều không gian và thời gian, phần cấu trúc văn bản giới thiệu di tích luôn theo bố cục gồm 8 mục: Di tích thờ ai, thời nào, địa chỉ cụ thể, năm xếp hạng, hạng gì, kiến trúc, giá trị của những hiện vật, hoặc di sản văn hóa phi vật thể... Những mục này luôn được cập nhật thông tin mới nhất.

TS. Nguyễn Chí Công nói chuyện với các bạn trẻ tham quan Bảo tàng Công nghệ thông tin do ông xây dựng trên phần đất của gia đình.

Đặc biệt, mỗi điểm du lịch trên trang 360.hncity.org đều có những tấm ảnh panorama. Tiến sĩ Công không chăm chăm chỉ chụp một góc thật đẹp để “câu” khách, mà ông “quét” một vòng 360 độ để khách du lịch có nhiều lựa chọn, qua đó, khuyến khích họ tìm hiểu di tích. Một điểm đáng chú ý nữa, trang 360.hncity.org còn giới thiệu về những di tích lân cận và cung cấp thông tin về những tuyến xe buýt gần với di tích, giúp du khách có thể tự di chuyển, khám phá, tự thiết lập nhanh một tour du lịch với mức chi phí và sở thích phù hợp.

Hiện trang 360.hncity.org đã giới thiệu được hơn 600 di tích và thu hút lượng người truy cập khá lớn. Ông Claude Zurbach, phụ trách tin học trong Ủy ban hợp tác Kinh tế kỹ thuật với Việt Nam của Pháp, chia sẻ: “Trang web của Tiến sĩ Công khá hữu ích cho du khách nước ngoài khi muốn tự mình khám phá Hà Nội. Nhiều bạn bè của tôi cho biết, dù ngôn ngữ là tiếng Việt nhưng chỉ cần qua hệ thống dịch của Google thì vẫn đủ mọi thông tin cần thiết và chỉ dẫn khoa học”.

Cảm phục việc làm của ông, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ FPT, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học trực tuyến FUNiX đã kêu gọi trợ giúp. Hiện có một công ty du lịch và 3 công ty tin học hỗ trợ để xây dựng trang 360.hncity.org thành phần mềm chuyên nghiệp. Tiến sĩ Công cho biết, ông sẵn sàng trao lại quyền điều hành hệ thống cho một tổ chức, cá nhân nào đó thật sự tâm huyết, có khả năng phát triển, mở rộng hệ thống và làm việc vì mục tiêu phát triển du lịch Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một tấm lòng Hà Nội