Hạnh phúc khi được sẻ chia

Dương Linh| 13/10/2020 06:02

(HNM) - Bản thân là người khuyết tật, nên chị Đinh Thị Quỳnh Nga, giáo viên Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn luôn dành tình yêu thương, tận tâm với các học sinh của mình. Đặc biệt, với tâm niệm hạnh phúc là được sẻ chia, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng do chị Nga thành lập từ năm 2015 đến nay đã trở thành mái nhà chung, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật trên địa bàn.

Chị Đinh Thị Quỳnh Nga được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội khen thưởng sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô năm 2020.

Mái nhà chung cho người khuyết tật

Sinh ra ở xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Đại học Thủ đô Hà Nội), năm 2007, chị Đinh Thị Quỳnh Nga (sinh năm 1977) về công tác tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn. Chứng kiến hầu hết học sinh khi ra trường không có việc làm để trang trải cuộc sống, chị Nga luôn trăn trở phải làm sao tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh như mình.

Đó là lý do khiến năm 2015, chị Nga đã thành lập Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng để tạo việc làm cho những người kém may mắn, đặc biệt là người khuyết tật ở huyện Sóc Sơn và học sinh của chị khi ra trường. Ngoài ra, với vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khuyết tật huyện Sóc Sơn, chị Nga đã giúp nhiều phụ nữ cùng hoàn cảnh có việc làm, tự tin khẳng định bản thân. Hiện, Hợp tác xã của chị thường xuyên có khoảng 40 người khuyết tật làm việc, trong đó có 28 phụ nữ.

Mới đây, chị Nga đã có ý tưởng tái chế các phế phẩm từ gỗ hương thành chất đốt bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho mọi người. “Tôi thấy các xưởng chế tác hạt gỗ thải ra nhiều phế phẩm, đồng thời các phế phẩm nông, lâm nghiệp trên địa bàn rất nhiều, không xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, tôi đã nghiên cứu ra sản phẩm “than hoạt tính thân thiện môi trường” từ nguyên liệu gỗ, không thải khói, không mùi và không độc hại để người dân sử dụng hằng ngày, có thể thay thế than tổ ong. Điều quan trọng là ý tưởng này tạo việc làm cho 10 người khuyết tật”, chị Đinh Thị Quỳnh Nga nói.

Với những tiện ích trên, sản phẩm “than hoạt tính thân thiện môi trường” là dự án khởi nghiệp được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội vinh danh một trong 10 sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô năm 2020. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn Trương Thị Thanh Nhàn nhận xét: “Chị Nga là một trong những Chi hội trưởng phụ nữ khuyết tật tích cực, tiêu biểu trong các phong trào, đặc biệt là tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ trên địa bàn. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hợp tác xã của chị Nga đã tặng hàng nghìn chiếc khẩu trang cho hội viên phụ nữ trong huyện”.

Mong giúp được nhiều người khuyết tật hơn nữa

Trong số gần 40 lao động khuyết tật đang làm việc tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, thường xuyên có 6-10 em đang là học sinh của chị Nga. Hằng ngày, sau giờ lên lớp, chị lại dành thời gian hướng dẫn những người khuyết tật học may, làm đồ gỗ... Nhìn chị Nga ân cần chỉ dẫn học viên cách vào kim, nút chỉ mới thấy sự kiên nhẫn, tận tình của chị. “Mỗi em khuyết tật một dạng, các em cũng hay mặc cảm nên nhiều khi phải vừa dạy, vừa dỗ…”, chị Nga chia sẻ.

Ngôi nhà của chị Đinh Thị Quỳnh Nga vừa là trụ sở của Hợp tác xã, vừa là nơi học sinh của chị và người ở xa đến học nghề, làm việc lưu trú. Trong các học sinh đang sống tại nhà chị Nga có em Nguyễn Ngọc Ánh, 14 tuổi, vẫn chưa biết chữ và được chị Nga nuôi ăn, ở từ tháng 6-2020. “Ánh quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, bị câm, điếc bẩm sinh, nhà không có điều kiện cho đi học nên giờ quá tuổi không trường nào nhận. Chúng tôi xin cho Ánh học ở huyện Sóc Sơn này, nhưng nhà trường không có chỗ ở, quê lại quá xa nên tôi đưa về sống cùng gia đình mình”, chị Nga kể. Cảm kích trước tấm lòng nhân ái của chị Nga, anh Nguyễn Văn Vinh, bố của em Nguyễn Ngọc Ánh cho hay: “Chị Nga thực sự như người mẹ thứ hai của Ánh”.

Không chỉ vậy, ít ai biết được, mỗi tháng chị Nga vẫn dùng tiền lương giáo viên để hỗ trợ bữa tối cho người lao động, học sinh của mình và hỗ trợ các trường hợp phụ nữ yếu thế khác trong huyện. Điều đặc biệt, dù Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng mới thành lập 5 năm nhưng đã kết nối cho 12 cặp vợ chồng khuyết tật nên duyên, chung sống hạnh phúc. Ngoài ra, chị Nga còn giúp gắn kết và giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng.

Nỗ lực vượt lên trong cuộc sống và luôn tâm huyết giúp đỡ người khuyết tật, chị Đinh Thị Quỳnh Nga là tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, được thành phố tôn vinh năm 2018. Thế nhưng, khi được hỏi sức mạnh nào để có thể làm được nhiều điều tốt đẹp như vậy, chị Nga khiêm tốn chia sẻ: “Nhiều học sinh của tôi không nói được, nhưng từ đôi tay đến ánh mắt đều bày tỏ lòng yêu mến và rất vui khi được làm việc ở đây. Đó là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi mong muốn giúp được nhiều người khuyết tật hơn nữa vươn lên trong cuộc sống”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc khi được sẻ chia