Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng: Người lưu giữ hình ảnh Hà Nội qua hai thế kỷ

Hoài Hương| 10/10/2020 06:07

(HNMCT) - Mặc dù nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Quang Phùng đã ở tuổi gần 90 nhưng khi gặp ông, người đối diện luôn có cảm giác như đang được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực bởi sự hào hứng, nhiệt huyết với đời, với nghề. Đặc biệt là khi ông nhắc tới Hà Nội, nơi mà ông, với sứ mệnh của người NSNA chân chính, đã ghi lại bao điều qua hai thế kỷ.

1. Không chỉ đến năm 2013 NSNA Quang Phùng mới được công chúng biết đến sau khi nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội với cuốn sách ảnh Dạo quanh Hồ Gươm, mà đã từ lâu giới đam mê nhiếp ảnh đã biết đến ông qua những bộ ảnh thú vị về Hà Nội.

Đầu tiên là những bộ ảnh nổi tiếng như Bộ đội vào tiếp quản Thủ đô tháng 10-1954, Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sau này là các phóng sự ảnh về nữ tài tử điện ảnh Jane Fonda khi bà thăm Hà Nội vào  năm 1972, hay tháng 12-1972 ông cũng là người chụp nhiều bức ảnh quý về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân Thủ đô... Cho đến bây giờ, dù tuổi cao nhưng nghệ sĩ Quang Phùng vẫn gây ấn tượng mạnh với những bộ ảnh thú vị về Hà Nội.

NSNA Quang Phùng sinh năm 1932, nhà ở phố Hàng Gai - Hà Nội. Đầu những năm 1950, ông tham gia vào các hội, đoàn học sinh, sinh viên cứu quốc đi đầu trong các cuộc biểu tình phản đối chế độ thực dân Pháp. Năm 21 - 22 tuổi, vì giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, biết chụp ảnh, biết đánh máy chữ, ông tham gia giúp việc cho Ủy ban quốc tế về Giám sát và Kiểm soát tại Việt Nam với nhiệm vụ ghi lại hình ảnh quân đội Pháp trong hai ngày trước khi quân ta tiếp quản Thủ đô. Chính vì thế, ngày 10-10-1954, ông là một trong số ít người Việt Nam có được những tấm ảnh sống động về đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội.

Năm 1955, Quang Phùng chính thức làm việc tại Ủy ban quốc tế về Giám sát và Kiểm soát tại Việt Nam và trong suốt khoảng thời gian hoạt động tại đây, ông đã “chớp” được những khoảnh khắc rất “đắt” về người Hà Nội.

Một thời gian sau, ông được cử công tác trong Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam với vai trò là giảng viên về phong tục tập quán, lịch sử Việt Nam cho Đại sứ Nhật Bản. Ông được Bộ Ngoại giao Nhật Bản cấp văn bằng PR (Public Relations: Văn bằng về quan hệ công chúng trong trao đổi ngoại giao văn hóa) vì đã dịch hơn 5.000 trang viết về văn hóa Nhật Bản trên tạp chí Nhật Bản ngày nay sang tiếng Việt. Đặc biệt, những người yêu văn học ở Việt Nam chắc hẳn chưa quên tác phẩm văn học Con đường sấm sét do ông dịch, một bản best seller ở thời kỳ đó.

Năm 1970, NSNA Quang Phùng về làm việc tại Bộ Ngoại giao với nhiệm vụ chính là dùng ngoại ngữ, nhiếp ảnh và tư duy ngoại giao lão luyện để phục vụ cho công tác đối ngoại và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt, trong “vai” một NSNA, những bức ảnh của ông không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là những câu chuyện kể về Hà Nội với nhiều góc nhìn, có ý nghĩa trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, thanh bình.

2. Nhiếp ảnh với Quang Phùng là công việc. Một công việc mà ông yêu thích, đam mê và không ngừng dấn thân. Suốt từ năm 23 tuổi đến nay, nghệ sĩ Quang Phùng có thể thay đổi phương tiện chụp ảnh, lúc chụp máy phim, lúc chụp máy số to kềnh càng, giờ là chiếc Leica nhỏ xíu trong lòng bàn tay, nhưng có một điều không thay đổi, đó là quan niệm của ông về nhiếp ảnh. Với ông, “cái cốt lõi của nhiếp ảnh là tài liệu”, nhất là một đề tài mà ông lúc nào cũng đau đáu, đó là “những câu chuyện ảnh về Hà Nội”.

Đáng chú ý, ông dành tình yêu sâu sắc với cảnh quan quanh hồ Hoàn Kiếm, hàng cây ven hồ mà theo ông là chứng nhân của đất và người Hà Nội: “Mỗi lần đi qua, mỗi mùa đi qua lại thấy có nhiều thay đổi. Vẫn cái cây ấy, nhưng lá đã khác, lá già rơi xuống, lá mới mọc lên... Và ngay cả những gốc cây, nó cũng không lành lặn, mỗi ngày hình như thêm một vết sẹo”.

Bức ảnh Những đứa trẻ bên Hồ Gươm được NSNA Quang Phùng chụp vào sáng ngày 10-10-1954 lịch sử.

Năm 2011, NSNA Quang Phùng cho ra mắt cuốn sách ảnh Dạo quanh Hồ Gươm, in song ngữ Việt - Anh, tập hợp gần 100 bức ảnh chọn lọc trong mấy ngàn file ảnh về Hồ Gươm - Hà Nội. Mỗi bức ảnh chứa đựng tình yêu nặng sâu, tinh tế mà chan chứa nỗi niềm, ký ức với Hà Nội dấu yêu. Cuốn sách còn là nguồn tư liệu độc đáo khi đăng tải một số bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Nguyễn Tuân mà Quang Phùng chụp từ đầu những năm 1970. Ban Tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2013 đã trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho cuốn sách ảnh này, cũng chính là trao tặng ông phần thưởng xứng đáng vì đã dành trọn tình yêu cho Hà Nội.

3. Có lần tôi hỏi, theo ông, hồn cốt Hà Nội nằm ở đâu? Nghệ sĩ Quang Phùng trả lời: “Nó nằm ở con người. Người Hà Nội lương thiện, trung thực và hòa nhã. Hết sức nhân văn. Đi nhẹ nói khẽ, không gây gổ ngoài đường. Người Hà Nội chuộng sự tinh tế, cái gì các cụ để lại là gìn giữ, chăm chút...”. 

Bên cạnh hàng vạn bức ảnh ghi lại nét duyên thầm Hà Nội, NSNA Quang Phùng còn có nhiều bức ảnh mang tính phản biện mạnh mẽ. Các tác phẩm của Quang Phùng trong triển lãm về đề tài phòng, chống ma túy năm 2004 đã tạo được hiệu ứng xã hội rất lớn. Hay những bức ảnh dự triển lãm Hoa rơi mặt hồ của ông chụp mặt hồ Hoàn Kiếm với vẻ quyến rũ của muôn màu sắc hoa song lại có chút xót xa khi thẳng thắn chỉ ra vấn đề ô nhiễm ở đó. Bên cạnh các bức ảnh về hồ Hoàn Kiếm, nghệ sĩ Quang Phùng còn nổi tiếng với ảnh về đề tài gánh hàng rong, đó là những bức ảnh đẹp, bảng lảng tình người ở Thủ đô hơn nghìn năm tuổi...

Tuổi gần 90, tóc búi tó sau gáy, NSNA Quang Phùng mủm mỉm cười bảo rằng, ông thích sống thật với chính mình, không màu mè. Bởi cái nghề mà ông đi theo hơn nửa thế kỷ đòi hỏi thế. “Cái dòng đời cuộn trôi kia, anh chỉ bấm “tách” một cái, đó là một khoảnh khắc. Và khoảnh khắc đó phải thật, mỗi bức ảnh phải hội đủ “Chân - Thiện - Mỹ”, ông bảo vậy.

Chia tay ông, người dành cả đời ghi lại hình ảnh về Hà Nội, tôi hỏi rằng sắp tới ông còn chụp ảnh về Hà Nội nữa không? Vẫn rất hào hứng, NSNA Quang Phùng đáp: “Còn chứ, tôi sẽ chụp ảnh về Hà Nội đến khi nào không thể bước chân ra khỏi nhà, không còn nhìn thấy cảnh vật xung quanh, không còn nghe tiếng reo vui của lá hoa cây cỏ mỗi mùa”.

Ngoài giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013), ông còn được trao Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc - Bộ Công an, Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam - Bộ Ngoại giao, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam - Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam - Hội Nhiếp ảnh Việt Nam...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng: Người lưu giữ hình ảnh Hà Nội qua hai thế kỷ