Nhạc sĩ - Nghệ sĩ nhân dân Trọng Đài: Cảm hứng Hà Nội đến với tôi như một lẽ tự nhiên

Lý An Nguồn: thực hiện| 13/10/2020 05:46

(HNMCT) - Sinh ra, lớn lên ở Thủ đô trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc nên Hà Nội đi vào nhạc Trọng Đài như một lẽ tự nhiên. Những nhạc phẩm về Hà Nội của ông cũng vì thế mà nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khán giả, trở thành những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội. Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Đài đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng Hànộimới Cuối tuần về chủ đề này.

Nhạc sĩ Trọng Đài đệm đàn cho vợ là ca sĩ Mai Hoa hát.

- Là người được đào tạo bài bản ở Nhạc viện Tchaikovsky, Mátxcơva (Nga) về chỉ huy dàn nhạc, sáng tác âm nhạc thính phòng, nhưng ông được biết tới nhiều hơn qua mảng ca khúc, nhất là một số bài hát về Hà Nội. Đề tài Hà Nội chiếm vai trò như thế nào trong cảm hứng âm nhạc của ông?

- Về đường đến với âm nhạc của tôi thì có lẽ phải nói từ khi tôi còn bé. Bố mẹ tôi đều là “dân nhạc” (ông là con trai nhạc sĩ Nguyễn Trọng Nho), ông bà nội là người sửa nhạc cụ nên từ nhỏ tôi đã làm quen với nhiều loại nhạc cụ, được bố cho đi học đàn từ rất sớm. Từ nhỏ tôi đã chơi được nhiều loại đàn. Nhưng đến với âm nhạc chuyên nghiệp thì tôi nghĩ đó là nghề chọn người. Mọi thứ đến rất tự nhiên, kể cả khi tôi được chọn ra nước ngoài học âm nhạc hay sau này cũng vậy. Có những cơ duyên mà tôi không định trước.

Cảm hứng Hà Nội đến với tôi như một lẽ tự nhiên vậy. Tôi sinh ra tại Hà Nội, cái nôi của gia đình, cái nôi dân ca và những bài ca đi cùng năm tháng của các thế hệ cha chú, đàn anh gần như là món ăn tinh thần của bọn tôi thời trẻ. Tôi thuộc rất nhiều ca khúc về Hà Nội thời tân nhạc, thời chống Pháp, chống Mỹ rồi cả hiện đại nữa. Lớn lên trong kho tàng âm nhạc phong phú như vậy, dễ hiểu là cảm xúc của mình với Hà Nội như là hơi thở, máu thịt, một lúc nào đó sẽ cất lên thành âm nhạc.

- “Hà Nội ơi, Hà Nội ơi.../ Ta nhớ không quên những tháng năm qua/ Một nét riêng tư gợi nhắc cho ai/ Là nhắc đến những kỷ niệm đã qua/ Hà Nội ơi, nhớ về mùa thu tháng mười/ Áo học trò xanh những hàng me/ Hà Nội ơi, ta nhớ không quên/ Hà Nội ơi, trong trái tim ta...”. Phải nói rằng ca từ trong Hà Nội đêm trở gió của ông đã được rất nhiều người yêu nhạc, yêu Hà Nội thuộc lòng. Ông có thể chia sẻ đôi chút về ca khúc này?

- Bài hát này, có thể nói là điểm khởi đầu cơ duyên làm âm nhạc cho điện ảnh, truyền hình và sân khấu của tôi. Ngày nhỏ, nhà ở phố Bát Đàn, gần rạp Hồng Hà nên tôi đi xem sân khấu nhiều lắm. Tôi xem chẳng thiếu thứ gì, từ tuồng, chèo đến cải lương..., gần như thuộc lòng những vở kinh điển. Từ thời thanh niên tôi đã mơ ước viết nhạc cho sân khấu, thích nhạc phim, nhưng sau đó tôi lại sang Nga theo học chỉ huy dàn nhạc, sáng tác âm nhạc thính phòng. Bẵng đi 2 - 3 năm sau khi tốt nghiệp, tôi cứ loay hoay với kế hoạch âm nhạc của mình.

Năm 1993, Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng vở Hà Nội đêm trở gió. Nhà văn Chu Lai là tác giả kịch bản, đồng thời là tác giả lời thơ. Nhà hát có mời tôi làm âm nhạc cho vở diễn, và thế là ca khúc Hà Nội đêm trở gió ra đời. Đó cũng là ca khúc đầu tiên của tôi viết cho sân khấu.

- Tác phẩm Chị tôi của ông, dù không có những ca từ trực tiếp về Hà Nội nhưng đây là ca khúc trong phim Người Hà Nội, vì thế nhiều người vẫn coi đây như bài hát về con người Hà Nội...

- Khi làm phim này, đạo diễn Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Đoàn Lê đặt hàng tôi phổ nhạc cho bài thơ của tác giả Đoàn Thị Tảo có tên Cho ngày chị sinh. Không hiểu sao khi bài hát được thu thanh, đi vào phim và đời sống thì nó lại có tên là Chị tôi. Đó là điều thú vị. Bài hát nói lên tình cảm của người em trước cuộc sống đa đoan của người chị. Hay bài Chuyện phố phường viết cho bộ phim truyền hình cùng tên của tôi cũng là viết về con người nói chung, nhưng nhiều khán giả chia sẻ rằng họ thấy bóng dáng đời sống Hà Nội trong đó. Tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường, bởi âm nhạc viết cho phim phải đồng điệu với ý tưởng chung của phim.

- Có một điều thú vị, hầu hết các ca khúc của ông đều là phổ thơ. Ông tìm thấy sự đồng điệu với các nhà thơ như thế nào?

- Ngay từ thời sinh viên, bài tập đầu tiên mà chúng tôi phải làm là phổ nhạc cho thơ. Âm nhạc và thi ca rất gần nhau và trong cách đào tạo các nhà soạn nhạc người ta rất chú ý tới việc kết hợp âm nhạc với lời ca. Những bài học đó tạo cho tôi thói quen và sự đồng hành với thi ca mỗi ngày một đậm đà hơn, phong phú hơn. Tôi có thói quen, là khi bắt gặp ý thơ hay thì mình để suy nghĩ được thoải mái, tự nhiên, có khi ngồi viết một mạch rồi mấy hôm sau mới chỉnh sửa cho hợp lý, hài hòa. Bên cạnh đó, có những bạn thơ qua năm tháng đã trở thành tri kỷ của mình trên con đường âm nhạc.

- Chân thành cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ - Nghệ sĩ nhân dân Trọng Đài: Cảm hứng Hà Nội đến với tôi như một lẽ tự nhiên