Nhà văn - nhà giáo Đặng Hiển: Viết như một sự thử sức, giãi bày, chia sẻ

PGS.TS Tôn Phương Lan| 10/07/2020 14:41

(HNMCT) - Đọc Đặng Hiển, cảm thấy rất rõ dấu ấn của một nhà giáo gắn bó lâu năm với sự nghiệp “trồng người” và tình yêu tha thiết với mảnh đất xứ Đoài. Anh có hơn ba mươi đầu sách với nhiều thể loại: Thơ, truyện, ký, kịch bản sân khấu, lý luận phê bình (văn học, sân khấu, điện ảnh)... và nhận được khá nhiều giải thưởng cấp Trung ương và địa phương. Những cuốn sách, giải thưởng ấy đã truyền cảm hứng để anh tự tin hơn trước trang giấy cũng như khi đứng trên bục giảng.

1. Tôi nhận tin nhà giáo Đặng Hiển mất qua trang Facebook của nhà thơ Trần Nguyên Vấn. Quá bất ngờ, không tin nổi bởi trước Tết ít lâu, trong cuộc sinh hoạt thường kỳ ở Hội Nhà văn Hà Nội rồi trong cuộc họp cuối năm của Hội Nhà văn Việt Nam, gặp  anh, vẫn thấy anh mạnh khỏe dẫu năm nay đã bước vào tuổi 82...

Tôi quen Đặng Hiển dễ chừng đã hơn chục năm, ít lâu sau khi tôi chuyển về làng cổ Quan Nhân. Tôi và anh trở thành hàng xóm, lại cùng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nên có chung nhiều bạn văn. Đặng Hiển yêu nghề, ham viết. Tôi biết anh có nhiều dự định cho việc viết lách như có lần anh tâm sự: “Chỉ sau khi nghỉ hưu tôi mới được làm công việc mà mình vốn rất yêu thích”.

Đặng Hiển quê gốc ở Nam Định nhưng sinh ra, lớn lên tại Hà Nội. Lứa sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp ngày ấy, ngoài một số về các viện nghiên cứu, một số làm phóng viên, đa số được phân về các trường phổ thông làm giáo viên. Khi ấy, anh được phân về dạy văn tại các trường cấp 3 (nay là THPT) Ứng Hòa, Phú Xuyên, Lê Quý Đôn... của tỉnh Hà Tây (cũ).

Với 40 năm đứng trên bục giảng, anh bảo vẫn nhớ lứa học trò sinh ra, lớn lên trong chiến tranh bởi đó là một thế hệ hào hùng, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi cá nhân, hạnh phúc gia đình, kể cả tính mạng, dấn thân vào cuộc chiến đấu khốc liệt bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ đó đã cùng anh sống trong một thời kỳ tuy cam go nhưng tâm hồn con người trong sáng, tình nghĩa và hướng đến cái chung, cái cao cả. Có lẽ đây là một cơ sở để hiểu vì sao đa số sáng tác của anh nghiêng về ngợi ca, những mỹ cảm chính thống mà có thể thời này bị coi là “xưa cũ”.

2. Đi dạy nhưng niềm đam mê văn chương dường như chưa bao giờ nguôi trong anh. Viết, với anh như một sự thử sức, giãi bày, chia sẻ.

Bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão của Đặng Hiển từng được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 3 có lẽ bởi vì tứ thơ giản dị, lời thơ mộc mạc nhưng bài thơ bộc lộ được tình cảm chân tình. Bài thơ ra đời từ một kỷ niệm thuở các con anh còn nhỏ dại. Lần ấy vợ anh về quê, gặp bão, không lên được mà ngày thường chị là “nội tướng” lo mọi việc trong gia đình. Thế là mọi việc nhà, cha con anh cùng làm. Căn phòng trong khu tập thể càng trở nên chật chội hơn khi mái nhà bị dột đúng chỗ giường nằm nhưng cũng trở nên rộng hơn khi đêm về mấy bố con nằm co vào nhau, thao thức lo và nhớ về mẹ. “Thế rồi cơn bão qua/ Bầu trời xanh trở lại/ Mẹ về như nắng mới/ Sáng ấm cả căn nhà...”. Cái chất tình trong thơ có thể xem như một đặc trưng để giải mã thơ Đặng Hiển khi anh viết nhiều về học trò, về bạn bè, về đồng nghiệp với một tình cảm thân quý.

Tháng 7-2016, cuộc tọa đàm về tập thơ Mái trường mến yêu được tổ chức ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam với những gương mặt háo hức, tự hào của rất đông học sinh cũ và ánh mắt rưng rưng xúc động của thầy Hiển. Đó là niềm vinh hạnh không phải nhà giáo nào cũng có được.

Tại cuộc tọa đàm, bài viết của Vũ Quần Phương, Nguyễn Thị Mai, Trần Thị Trâm, Bùi Việt Thắng, Vũ Nho, Nguyễn Thanh Ứng, Lê Phong... đã phân tích sâu sắc về tình cảm mà anh dành cho học trò. Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: “Tôi thực sự xúc động vì lâu nay chỉ thấy trò viết về thầy, rất ít khi thầy viết về trò. Nhưng với nhà giáo Đặng Hiển, tình cảm thầy dành cho học trò như vô điều kiện, vô bờ bến. Đọc tập thơ, ta thấy một không gian giáo dục, một môi trường sư phạm trong trẻo đã tràn vào thi ca với tình thầy trò chân thành nhất”.

Nguồn cảm hứng làm nên tên tuổi của Đặng Hiển chính là tình yêu đất nước. Tập Dâng Bác (năm 2015 - giải C Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”); các tập thơ như: Đất nước trong lớp học (2001), Chiều nắng (2002), Bất chợt nghĩ, bất chợt thơ (2008), Mái trường mến yêu (2015, 2016), Trường ca đôi cánh (1974, 1994)... là minh chứng xác đáng nhất cho tình cảm đó. Đặc biệt, mảnh đất xứ Đoài tuy không là nơi anh sinh ra nhưng gắn bó với anh một cách máu thịt bởi anh đã sống, lập gia đình, lập nghiệp... ở đó từ ngày rời ghế giảng đường, là nguồn cảm hứng cho anh sống và viết.

3. Sau khi nghỉ hưu, Đặng Hiển chuyển sang viết lý luận phê bình nhiều hơn, và ra sách liên tục. Tập phê bình tiểu luận Văn học dưới góc nhìn địa văn hóa thể hiện một hướng đi mới gợi nhiều thú vị mà anh dự định còn tiếp tục mở rộng. Nhiều người đã viết chân dung Tản Đà, Nguyễn Nhược Pháp, Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Nguyễn Quang Thiều... với nét đặc sắc của vùng quê lụa nhưng đọc bài viết của anh vẫn tìm thấy những nét riêng.

Cùng với một người bạn, anh đã chọn dịch 30 bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine thành các tác phẩm: Nguyên bản, dịch nghĩa, dịch thơ và cả lời bình. Anh làm công việc này khi đã bước vào tuổi 80, với một sự đắm đuối lạ kỳ, bởi nếu không có đam mê thì chắc anh không dám “chi” quỹ thời gian không còn dài rộng của mình cho công việc dày công này.

Lặng lẽ đọc và lặng lẽ viết, đắm đuối, đam mê với nghề, tận tụy với công việc, nghĩa tình với bè bạn, nhà giáo - nhà thơ Đặng Hiển đã để lại một khối lượng sách không nhỏ, số giải thưởng không ít ở cả thơ, truyện ký, kịch bản và lý luận phê bình. Với tất cả những gì ông đã viết, những việc ông đã làm, Đặng Hiển đã tự vẽ chân dung mình thật sinh động. Chân dung ấy lưu dấu đậm đà trong tâm hồn và tình cảm của nhiều thế hệ học trò, và đồng nghiệp.

Các tác phẩm lý luận phê bình: Cảm nhận và suy nghĩ (2002), Bình luận văn học (2008), Văn chương cảm nhận và bình luận (2011), Văn chương người cùng thời (2015)... Các vở kịch: Con chúng ta (1995), Trên đồi thông (2003), Áo trắng tháng Mười (2014), Mỹ nhân nơi đồng cỏ (2018 - viết chung với Lê Hoài Nam)... Truyện ngắn: Cây đời mãi xanh (2004), Những hạt vàng quanh tôi tập 1, 2 (2012, 2016)...

Nhà văn Đặng Hiển từng đoạt các giải thưởng: Giải C Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2015 với tập thơ Dâng Bác, giải Ba Cuộc vận động viết về thương binh - liệt sĩ năm 2017 với tập thơ Đất thiêng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn - nhà giáo Đặng Hiển: Viết như một sự thử sức, giãi bày, chia sẻ