Những ''thiên thần cứu hộ''

Lê Dương| 20/06/2020 14:33

(HNMCT) - Với thông điệp “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”, anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê ở Xuân Trường, Nam Định) thành lập đội “Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel” vào tháng 9-2019, tại Hà Nội. Đội có ba hoạt động chính là sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn giao thông, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, phối hợp với cơ quan chức năng tìm kiếm nhân chứng cũng như thông tin về nạn nhân và gia đình.

Các thành viên trong đội “Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel” sơ cứu ban đầu cho nạn nhân.

Những câu chuyện cảm động

Đã vài tuần trôi qua sau vụ tai nạn trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), chị Bùi Thị Hà Thu (sinh năm 1993, nhà ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) vẫn chưa thể tin được rằng trong lúc hoảng loạn chị lại gặp được “những thiên thần cứu hộ”. Khi đó chị Thu bị ngã do ô tô quệt vào, các ngón tay bị dập, xương cẳng tay và xương bả vai bị gãy. “Đang rất đau đớn và chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì tôi được một tình nguyện viên đến sơ cứu vết thương. Động tác của anh ấy rất chuyên nghiệp khiến tôi nghĩ đây là cán bộ y tế. Thật không thể hình dung nổi nếu không được sơ cứu thì tôi có sớm bình phục như thế này không”, chị Thu tâm sự.

Tương tự, em Phùng Thị Chinh (sinh viên năm thứ 2, Đại học Đại Nam) cũng hết sức bất ngờ sau vụ tai nạn xảy ra trên đường Láng Hạ (quận Đống Đa). Tai nạn khiến Chinh bị đau ở vùng đầu, cánh tay trái, xương cụt và chân trái, lái xe gây tai nạn đã bỏ chạy. Các thành viên trong đội đã giúp lực lượng chức năng lấy thông tin cá nhân và báo về cho gia đình em. Chinh cho biết, nhờ các tình nguyện viên kịp thời báo cho gia đình mà em được chăm sóc, điều trị hiệu quả.

Không ít trường hợp được hỗ trợ, giúp đỡ đã tình nguyện gia nhập đội sau khi khỏe lại, như Phan Nhật Quang (sinh năm 1990, quê ở Hà Tĩnh), từng bị tai nạn giao thông vào cuối năm ngoái. Quang kể rằng, đúng lúc lo sợ nhất, các tình nguyện viên đã xuất hiện với túi cứu thương và sơ cứu rất chu đáo. Giờ đây, Quang đã là một thành viên tích cực trong đội.

Quang cho biết: “Thấy việc làm của đội ý nghĩa nên mình tham gia. Vào nhóm rồi mới thấy hết sự nhiệt tình của đội trưởng và các thành viên”. Một thành viên khác của đội cũng rất hăng hái là Lê Đặng Tùng (sinh năm 1999, hiện là đầu bếp tại CCCP Cafe & Restaurant Ngọc Khánh. Tùng cho biết, do ước mơ được làm công an để cứu người còn dang dở nên em chọn cách giúp đỡ mọi người thông qua đội “Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel”.

Nhân rộng mô hình

Chia sẻ về lý do thành lập đội, anh Phạm Quốc Việt cho biết, do bản thân từng bị bỏ rơi trong một vụ tai nạn giao thông trong đêm nên anh rất hiểu tâm trạng của những nạn nhân phải nằm giữa đường mà không có ai đến giúp. Vì thế, năm 2017 anh quyết định làm xe ôm công nghệ vào buổi tối để có mặt trên các tuyến đường, sẵn sàng hỗ trợ người bị tai nạn. “Tôi kêu gọi một số người cùng làm và lập nhóm sau đó 2 năm. Khi thành lập, tôi bỏ việc văn phòng để dành thời gian làm xe ôm”, anh Việt chia sẻ.

Anh Việt cũng cho biết, hiện nay, đội có 54 người, trong đó 20 người có thể sơ cứu trực tiếp tại hiện trường. Thông thường đội nhận tin báo từ các trang mạng xã hội, Fanpage “Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel” và số hotline 082.251.0627. Anh chia sẻ, bản thân mình từng có thời gian trong quân ngũ, được đào tạo kỹ năng sơ cứu, cấp cứu, lại có ông bà, mẹ, em trai là bác sĩ nên anh tích lũy khá nhiều kiến thức y khoa.

Với thu nhập ít ỏi và đang phải thuê nhà với giá 1,2 triệu đồng/tháng nhưng anh vẫn sẵn sàng chi từ 50 - 70 nghìn đồng/ngày để mua băng gạc, dụng cụ y tế phục vụ cho công việc của đội. Các thành viên khác góp khoảng 30 - 50 nghìn đồng mỗi ngày. “Để nhóm hỗ trợ nhau tốt nhất, tôi đã sớm ứng dụng công nghệ để hiển thị cung đường, định vị vị trí của thành viên. Khi nhận tin báo, căn cứ định vị, tôi biết thành viên nào ở gần hiện trường nhất, có thể tới sơ cứu kịp thời”, anh Việt cho biết.

Đã thành thông lệ, đều đặn từ 21h30 đến 1h sáng hôm sau, những “thiên thần áo xanh” lại lên đường làm nhiệm vụ. Mỗi ngày đội hỗ trợ trung bình 3 - 9 ca, với số nạn nhân 8 - 10 người. Tính đến nay, đội đã sơ cứu cho hơn 2.000 người bị tai nạn giao thông tại Hà Nội. Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Việt cho biết sẽ kết nối với những người có chung chí hướng để chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm, thậm chí là với người ở nơi xa như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ... Anh sẽ cố gắng lan tỏa tinh thần cứu người bị nạn, để bất cứ đâu có người cần giúp đỡ là những "thiên thần" có mặt kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ''thiên thần cứu hộ''