Họa sĩ Phạm Hà Hải: Chiếc phin và những giọt cà phê...

Đỗ Bích Thúy| 08/05/2020 15:12

(HNMCT) - Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tranh của Phạm Hà Hải là một bức vẽ sen, với cái lá màu xanh. Đấy vẫn là bức tranh ấn tượng nhất trong tư duy của tôi cho đến nay, mỗi khi nhắc đến Phạm Hà Hải.

Trong một cuộc trao đổi đầy tính tò mò về nghề, tôi có hỏi Phạm Hà Hải, đại ý là anh điều khiển tay như thế nào khi não anh nghĩ về một hình ảnh gì đó. Anh trả lời tự bức tranh nó dẫn anh đi. Và cũng như vậy, về xu hướng sáng tác, Phạm Hà Hải tâm niệm: “Bản thân tôi sẽ như cái phin pha cà phê để những điều tôi vẽ ra nó là những giọt cà phê...".

Họa sĩ Phạm Hà Hải.

1. Phạm Hà Hải sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cha và mẹ đều là cán bộ nhà nước. Anh trai Phạm An Hải của anh cũng là một họa sĩ nổi tiếng. Từ nhỏ hai anh em đã mày mò tự vẽ, giống như hầu hết những người đàn ông trong đại gia đình họ Phạm này cũng đều có khả năng vẽ. Ông nội Phạm Hà Hải là người vẽ đồ họa kỹ thuật thiết kế toàn bộ mạng lưới điện của Hà Nội thời thuộc Pháp. Cha và các anh em của ông cũng đều vẽ. Và cho đến bây giờ, toàn bộ con cháu trong đại gia đình đều đã học mỹ thuật ở các mức độ cao đẳng, đại học hoặc... tự học. Một trong những đúc kết rất thú vị của Phạm Hà Hải về cái tố chất hội họa là ngôi làng quê nội anh ở Hải Dương có nghề nhuộm vải, và anh nghĩ rằng những sắc màu ấy đã tự có trong ý thức của anh.

Mỗi họa sĩ đều có một xu hướng sáng tác. Thực ra thì loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, người nghệ sĩ đều (và phải) nỗ lực tìm cho mình một xu hướng cá nhân, để có thể đi riêng trên một con đường. Thành công đến đâu chưa biết nhưng chắc chắn nó chiếm một vị trí rất quan trọng.

Xu hướng của Phạm Hà Hải là không tập trung vào miêu tả hiện thực với những hình ảnh thuần túy mà anh quan niệm: “Bản thân tôi sẽ như cái phin pha cà phê để những điều tôi vẽ ra nó là những giọt cà phê. Có thể hiểu rằng, hình thức của bức họa là xu hướng trừu tượng các hình ảnh của thế giới khách quan nhưng về bản chất là cuộc đối thoại giữa cuộc sống của tôi với ý thức văn hóa. Tư duy này khiến tôi thấy mình mang xu hướng duy tình khác với các họa sĩ trừu tượng châu Âu theo xu hướng duy lý”.

2. Phạm Hà Hải đặc biệt gây ấn tượng với những đề tài đậm chất phương Đông. Tôi cho rằng đây là một lựa chọn thông minh nhưng đầy rẫy khó khăn. Khi một nghệ sĩ muốn đưa tác phẩm của mình vượt ra khỏi biên giới thì điều đầu tiên khiến cho thế giới chú ý là anh mang tới điều gì đặc sắc, điều gì mà họ chưa thấy, chưa có. Phương Đông nhiều thế kỷ qua vẫn là một vùng đất huyền bí, hấp dẫn.

Hội họa có lẽ là lĩnh vực nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam có thể đặt chân tới những trung tâm văn hóa lớn nhất thế giới, với những bức tranh được định giá tới vài trăm nghìn đô la - điều mà các loại hình nghệ thuật khác còn lâu mới chạm tới được. Nhưng với Phạm Hà Hải, chất phương Đông cũng sẽ là một thách thức bởi anh đang ở trong nó, như tất cả các họa sĩ cùng thời, cùng một vùng văn hóa và anh sẽ phải luôn nỗ lực để khác biệt.

Phạm Hà Hải say mê lịch sử dân tộc, say mê các loại hình nghệ thuật cổ truyền, say mê điêu khắc, gốm, vật dụng, trang phục, âm nhạc... trong dân gian. Anh tâm niệm “đi đến huyền sử để gặp đương đại” nên tranh của anh luôn mang trạng thái thiền, gợi mở những rung động tinh tế và mẫn cảm từ sự đổi thay của thiên nhiên, những giao cảm tiết trời, thanh âm của mùa màng, của cuộc sống và rồi cùng với huyền sử để kết lại những ý tưởng tạo hình.

Lần đầu tiên Phạm Hà Hải mang tranh ra thế giới là vào năm 2001 - tại Singapore Art Fair, khi đó anh chưa đầy 30 tuổi, và sau đó là các triển lãm khác ở Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Áo, Pháp, Hà Lan, Ba Lan, và năm nay là Mỹ. Tôi tin rằng, càng đi xa nguồn cội thì người nghệ sĩ càng có những cảm xúc đặc biệt khi ngoái lại, khi nhìn về quê hương. Đó là cảm thức mang tính tất yếu của nghệ sĩ. Và đó cũng là lúc người ta nhận ra rõ nhất điều gì luôn chiếm lĩnh không gian tư duy, cảm xúc của mình.

Tác phẩm Nhật ký mùa 03 (sáng tác năm 2020).

Tôi nói với Phạm Hà Hải rằng tôi thích sen của anh. Nó đích thị là sen của Phạm Hà Hải. Sen là loài hoa đậm chất Việt Nam, và rất nhiều họa sĩ có cảm hứng với sen. Nhưng mình anh có cách thể hiện riêng biệt. Nó có xu hướng của trừu tượng, đôi khi chỉ hé lộ ở một chi tiết, hoặc nó thường nằm sâu trong nỗi cô đơn, hoang vắng, mênh mông của một cánh đồng dù là cánh đồng ấy có khi chỉ cảm thấy chứ không nhìn thấy.

Phạm Hà Hải nói: “Kể từ bức Hồ Sen (bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005) là một bức vẽ có kích thước tương đối lớn (2m x 2m), với hòa sắc xanh lá, vàng và nâu sẫm thể hiện một mặt nước với phong cách trừu tượng nhưng lại mang xúc cảm là vẽ sen, tôi nhận ra mình không hướng tới miêu tả sen với hình hài của tự nhiên mà diễn đạt cái không gian mà tôi muốn. Khi ấy, mỗi nét vẽ, mảng màu là sự khái quát, chắt lọc từ tạo hình của sen nhưng với cấu trúc tâm lý của tôi. Cứ như vậy, nhiều năm tháng, tính đến lúc này đã 15 năm tôi vẫn tiếp tục với tinh thần ấy và bức Giao mùa đoạt Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015 là một ví dụ. Đó là tôi vẽ sen tàn, vẻ đẹp khi đã trút hết sắc màu, như đã đi qua tuổi thanh xuân, hiện ra vẻ đẹp khác như kẻ sĩ chỉ trọng quý khi nhìn vào cốt cách vậy”.

3. Phạm Hà Hải vẽ trên nhiều chất liệu, qua nhiều giai đoạn, màu nước, giấy dó, sơn dầu, sơn mài, acrylic... Anh cho rằng, việc trải nghiệm các chất liệu rất quan trọng, chất liệu và kỹ thuật tốt sẽ giúp họa sĩ diễn đạt tốt ý tưởng thẩm mỹ của mình. Chất liệu tốt bảo đảm độ bền cho bức tranh. Nhưng gần đây thì anh đưa ra trước công chúng những tác phẩm được tạo ra bởi một kỹ thuật hoàn toàn mới mà anh gọi đó là “Acrylic mài trên toan”.

Ý tưởng ấy xuất hiện vào năm 2017, khi anh muốn tái hiện cảm xúc của mình trước vẻ đẹp của gốm Việt cổ. Kỹ thuật mài với vật liệu acrylic được vận dụng cho loạt tranh mang tên Bóng gốm - đã giới thiệu tại Hà Nội và Indonesia vào năm 2018. Kỹ thuật mài acrylic tạo ra độ loãng, chảy, loang thành những lớp màu nhuyễn vào nhau mà những lớp màu rất trong trẻo, tạo chiều sâu vốn chỉ thấy hiệu ứng này trên tranh sơn mài truyền thống. Đặc biệt, bề mặt của acrylic mài trên vải toan lại không bị bóng như tranh sơn mài. Những bức tranh với kỹ thuật này đã được giới thiệu ở một số nước trong ba năm trở lại đây, được các nhà sưu tầm đón nhận ngay bởi chúng có vẻ đẹp rất riêng.

Làm mới mình trên mọi phương diện sáng tác là một áp lực đối với người nghệ sĩ. Áp lực này đôi khi khiến người ta mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí có người muốn bỏ cuộc, nhưng hưng phấn mà nó mang tới khi sự làm mới thành công lại khiến người ta muốn lao đi mạnh mẽ hơn. Với Phạm Hà Hải, tôi tin vào “những giọt cà phê” mà anh đã và sẽ nỗ lực tạo ra cho cuộc sống này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Phạm Hà Hải: Chiếc phin và những giọt cà phê...