Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải: Như áng mây chưa dừng lại

Vương Trần| 04/04/2020 08:16

(HNMCT) - Là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên của Báo Nhân Dân, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trịnh Hải có may mắn ghi lại nhiều bức hình quý giá về những khoảnh khắc và con người làm nên lịch sử Việt Nam hiện đại, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 90 năm tuổi đời, 40 năm tuổi nghề, dù đã gặt hái không ít giải thưởng uy tín ở trong nước và quốc tế nhưng ông vẫn chưa cho phép mình dừng lại. Với ông, hạnh phúc chính là được rong ruổi trên những cung đường, đến những vùng đất và gặp gỡ những con người mới để thỏa sức sáng tạo.

1. Nói đến Trịnh Hải là nói đến thế hệ hội viên đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông biết đến nhiếp ảnh khá sớm, từ khi đang là học sinh lớp đệ tam Trường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong tiết học vật lý được thầy giáo giảng về ứng dụng quang học vào thấu kính máy ảnh, Trịnh Hải rất tò mò về cách tạo ra ảnh. Tuy nhiên, hồi đó chỉ học lý thuyết chứ không có cơ hội thực hành, vì thế sau những buổi học, ông thường lân la ở hiệu ảnh gần trường học và xin làm thợ phụ. Mãi đến sau này, cơ duyên đến khi người cha của Trịnh Hải mua lại được một hiệu ảnh với một cái máy ảnh cũ kỹ để làm nghề.

Sau 5 năm miệt mài học hỏi, Trịnh Hải đã làm được mọi việc, từ chụp ảnh đến làm buồng tối, chấm sửa ảnh bằng bút lông trong hoàn cảnh hoạt động trên rừng không có điện... Ngày Thủ đô giải phóng, thấy Trịnh Hải có niềm đam mê với ảnh, nhà báo cách mạng lão thành Phạm Văn Hảo, bác ruột vợ ông, khi ấy là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam giới thiệu ông về Báo Nhân Dân. Người thay mặt cơ quan báo đến tìm hiểu thái độ chính trị và trình độ nghề nghiệp của ông là ông Hoàng Linh, phóng viên ảnh duy nhất của báo Nhân Dân lúc bấy giờ. Hí hửng vì tưởng sẽ được làm đúng nghề mình thích, nhưng ai dè, nhà báo nổi tiếng Quang Đạm tiếp Trịnh Hải và căn dặn: “Cậu là thanh niên đi kháng chiến về làm báo Đảng là tốt, nhưng có hai điều bắt buộc. Một là làm bất cứ việc gì cơ quan giao, hai là phải yên tâm công tác”.

Sau đó, Trịnh Hải được phân công vẽ ma két và luân phiên đến nhà in để sửa mo rát báo thường đến 2, 3h sáng. Trong suốt gần 5 năm, ông “bắt buộc” phải làm công việc mà mình không có tý kiến thức và niềm đam mê nào. Khi cơ quan ngày càng được kiện toàn về nhân sự, các họa sĩ chính thức về làm việc thì ông mới được “trả về” với nhiếp ảnh.

2. Trong vai trò phóng viên nhiếp ảnh, nhờ không ngừng nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nên Trịnh Hải có điều kiện tiếp xúc với nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhớ, ngày 1-5-1968, khi Bác Hồ dự lễ mít tinh ở Quảng trường Ba Đình, do sức khỏe của Bác đã có phần giảm sút nên cảnh vệ không cho các nhà báo (cả trong nước và quốc tế) tiếp cận Đoàn Chủ tịch. Thấy cánh nhà báo nhốn nháo không ai làm việc được, Bác đứng lên gọi bằng tiếng Pháp: “Photographes” (các nhà nhiếp ảnh). Thế là mọi người ùa lên, không bị cản trở nữa. Bác Hồ rút hoa bày trên mặt bàn tặng mỗi người một bông. Lúc ấy, Trịnh Hải vì mải miết chụp ảnh Bác Hồ nên đến lượt mình thì không còn bông hoa nào.

Nhưng điều đó không làm ông buồn bởi ông đã may mắn hơn các đồng nghiệp khác khi chụp được bức ảnh Bác tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp (người đã xin được nhận làm con nuôi Bác Hồ và đã viết nhiều bài báo về Bác cũng như về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta). Đây là bức ảnh lịch sử mà theo đề nghị của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ông đã hiến tặng để các nhà báo và những người quan tâm đến nền báo chí cách mạng nước nhà thấy được tình cảm của Bác với các nhà báo. Một lần khác, ông được đi theo Bác thăm quê hương Nam Đàn (Nghệ An) và đã chụp được bức ảnh nổi tiếng Bác Hồ về thăm quê. Đây là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong đời Bác Hồ về thăm quê (cuối năm 1961). 

Mẻ lưới bình minh. Ảnh: Trịnh Hải

3. Năm 1992, khi rời nhiệm sở để nghỉ hưu, NSNA Trịnh Hải đã vận động thành lập Câu lạc bộ Nghệ sĩ nhiếp ảnh Người cao tuổi, gồm 10 hội viên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có chung hoàn cảnh và sở thích như Đinh Đăng Định, Nguyễn Đình Ưu, Trần Cừ, Lê Thanh Đức, Lê Vượng... để tiếp tục hoạt động, thỏa lòng đam mê sáng tác. Đây là tổ chức tiền thân của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội hiện nay. Các lão nghệ sĩ vẫn thường xuyên có những đợt sáng tác, gần thì loanh quanh Hà Nội, xa thì tới Đà Nẵng, Thanh Hóa, Yên Bái, Lào Cai...

Năm 2018, ở tuổi 86, ông còn đi chụp đua ngựa ở Bắc Hà trong trời mưa tầm tã rồi lại sang Mù Cang Chải. Hôm ấy, ông thuê một thanh niên người Mông chở lên đỉnh núi bằng xe máy, giờ nghĩ lại ông vẫn thấy đó là một sự đánh cược với số phận. Nhưng có được những tác phẩm ưng ý là ông vui lắm, chẳng khác những lần trong chiến tranh ác liệt vẫn không quản ngại vào tuyến lửa tác nghiệp.

Ông luôn quan niệm, một bức ảnh được gọi là tác phẩm thì trước tiên phải mang nội dung có ý nghĩa đối với đất nước, dân tộc như một thông điệp. Là một nhà báo, ảnh tin tức thì không được bịa đặt. Thứ hai là tính nghệ thuật. Điều này cần có quá trình rèn luyện, trau dồi qua năm tháng về các thủ pháp để luôn sáng tạo khi chụp ảnh. Nhưng ông cũng nói rằng, có được một tác phẩm nhiều khi cần sự may mắn. Ông lấy ví dụ bức ảnh Lý do vào lớp muộn đã giành giải thưởng của Tổ chức Giáo dục và Văn hóa châu Á - Thái Bình Dương (ACCU) năm 1990 với chủ đề Giáo dục cho mọi người.

Ông kể: “Hôm ấy khi đi xe đạp trên đê, tôi thấy tiếng trẻ con khóc rất to. Nhìn xung quanh thì không thấy ai mà hướng xuống dưới ruộng thấy một cháu bé chừng 6, 7 tuổi đang khóc. Đến gần thì thấy một cháu bé hai chân đang thụt trong bùn đến đầu gối, không rút ra được, vẻ mặt rất sợ hãi. Vừa thương lại vừa buồn cười, tôi chụp ảnh rồi giúp cháu bé thoát khỏi đó. Hỏi ra mới biết bờ ruộng này là lối tắt đến trường. Vào mấy ngày cháu nghỉ học, người ta đắp bùn cho bờ ruộng cao lên. Trời nắng hanh, cháu tưởng đất khô nên bước vào, càng bước càng thụt”. Đúng là một sự tình cờ, NSNA Trịnh Hải đột nhiên gặp được sự kiện này và kịp thời tạo nên tác phẩm để đời.

Ở tuổi gần 90, lại có dị tật ở tay phải do bị tai nạn trong một lần tác nghiệp, nhưng ông vẫn quả quyết: “Nghề này đã ngấm vào máu thịt rồi nên không dễ dàng từ bỏ được, trừ khi không đi được, không bước được thì mới thôi”. Ông bảo, điều quan trọng với ông lúc này là cố gắng giữ gìn sức khỏe để thỉnh thoảng lại được đi sáng tác. Và cứ thế, NSNA Trịnh Hải như áng mây chưa dừng lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải: Như áng mây chưa dừng lại