Nhà văn - nhà biên kịch Đoàn Tuấn: Những câu chuyện lấp lánh vẻ đẹp con người

Vân Thảo| 28/03/2020 07:25

(HNMCT) - Nhập ngũ ngay sau khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Đoàn Tuấn tham gia mặt trận biên giới Tây Nam, chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sau khi giải ngũ, ông trở lại làm sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi sang Liên Xô (cũ) học biên kịch điện ảnh. Từ đó, ông miệt mài học tập và sáng tác, xem đó là cách trả nợ đồng đội, những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Trong những trang viết của ông, những câu chuyện về người lính, về chiến trường đều hướng tới sự lấp lánh vẻ đẹp con người.

1.Tốt nghiệp phổ thông năm 1978, nhận giấy báo trúng tuyển Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp nhưng Đoàn Tuấn lại quyết định trở thành người lính. Đi thẳng vào biên giới Tây Nam, ông được phân về trung đội thông tin, tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307. Tham gia những trận đánh ác liệt nhất và dĩ nhiên là tỷ lệ hy sinh, thương vong cũng cao nhất, nhưng may mắn là ông chỉ bị tổn thương sức khỏe ở mức 19%, “coi như vui vẻ thôi” - như lời ông nói. Gần cuối cuộc chiến, được giao nhiệm vụ chăm sóc thương binh, chăm lo cho tử sĩ, thế là ông tự tay cuốc đất đào huyệt, viết, đọc điếu văn và lo chu toàn việc tang lễ cho hàng chục đồng đội. Năm đó Đoàn Tuấn 21 tuổi. 

Đối diện với cái chết không ít lần trong thời gian 5 năm tại chiến trường cho ông trải nghiệm quý báu về số phận con người. “Với tinh thần hăng hái nhập ngũ nhưng khi vào biên giới, tiếp xúc với chiến tranh bằng mắt, bằng tay, bằng cả cảm xúc buồn thương khi chứng kiến những mất mát, mới thấy chiến tranh khốc liệt đến mức nào. Đau xót nhất là khi đích thân mình phải đem tin báo tử cho gia đình đồng đội”, ông nhớ lại... Có lẽ ký ức ấy đã thôi thúc và trở thành động lực khiến Đoàn Tuấn cầm bút.

2. Với tâm niệm cần có sự mới mẻ trong sáng tác, cho dù đó là đề tài gì, Đoàn Tuấn xác định ngay từ khi cầm bút là sẽ viết cho người đọc thấy được bản chất của chiến tranh, của con người. Ông nói, những gì trong Đất bên ngoài Tổ quốc, Mùa linh cảm hay Mùa chinh chiến ấy... chỉ là phần rất nhỏ, hy vọng những ngày tới, có thời gian nhiều hơn, ông sẽ trả lời cho thế hệ sau về vẻ đẹp tiềm ẩn của con người trong chiến tranh qua những trang viết mới.

Cũng nhờ nhiều lần đối diện sự mong manh sinh - tử mà sau này, khi hòa bình lập lại, Đoàn Tuấn chỉ còn sợ hai điều: Những người tử tế và lẽ phải. Ông cũng xác định mình tồn tại vì lẽ sống ấy. Có thể nói, sự khảng khái của người lính cùng tấm lòng nhân ái và có ý chí làm việc, học tập đã khiến Đoàn Tuấn và các đồng đội của ông vẫn giữ mối liên hệ đặc biệt. Ông cho rằng, chỉ những người đồng đội cũ ở chiến trường mới có những cuộc gặp gỡ như vậy. Giờ đây, đi tỉnh nào ông cũng có anh em như ruột thịt một nhà, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Anh em không cho ở khách sạn, muốn ông về nhà họ ngủ. Trước đây ông cùng đồng đội chia nhau từng miếng cơm, ngụm nước ở chiến trường, giờ thì chia nhau từng cân chè, cân cà phê.

Đó cũng là vị thế cũng như tâm thế của Đoàn Tuấn khi ông bắt tay vào thực hiện các kịch bản của Đường thư, Sống cùng lịch sử và sắp tới là Truyền thuyết về Quán Tiên. Ông kể lại: “Với  Sống cùng lịch sử, do cả gia đình bên vợ tôi đều là người Điện Biên nên tôi nhiều lần đến đó. Mỗi lần đến từng địa danh gắn liền với các sự kiện lịch sử, tôi đều hình dung trước đây cha anh mình đã hành quân như thế nào, chiến đấu ra sao và tôi tưởng tượng họ đã trở về đây. Từ đó, tôi muốn sử dụng biện pháp đồng hiện để qua đôi mắt thế hệ trẻ hôm nay chúng ta có thể thấy Điện Biên hôm qua.

Còn Truyền thuyết về Quán Tiên cũng là một tác phẩm tri ân đồng đội. Khi vào chiến trường biên giới tôi gặp nhiều thanh niên xung phong, thấy mình đã khổ rồi mà họ còn khổ gấp nhiều lần. Họ không sợ chiến tranh, không sợ bom đạn, hy sinh, họ chỉ sợ sự cô đơn, nhất là nỗi cô đơn một mình trong rừng. Chiều sâu câu chuyện Truyền thuyết về Quán Tiên là mối quan hệ giữa phụ nữ và chiến tranh, giữa con người và thiên nhiên, giữa bản năng và đời thường. Trong đó có nhiều tầng ẩn hiện nhằm lột tả sự cô đơn của người phụ nữ trong chiến tranh. Là người đi qua chiến tranh, tôi rất thích tác phẩm này ở các tầng ý nghĩa của nó nên mới bắt tay vào chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều”.

Tác phẩm điện ảnh Sống cùng lịch sử được xây dựng từ kịch bản của nhà văn - nhà biên kịch Đoàn Tuấn.

3. Đoàn Tuấn còn là tác giả kịch bản của phim Chiếc chìa khóa vàng (đề tài chiến tranh) và Chuyện tình trong ngõ hẹp (đề tài tâm lý xã hội). Đó đều là những tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét cho điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới. Nét thâm thúy, đôi khi hài hước, tếu táo của ông đã khiến cho chiến tranh và những áp lực, thành kiến qua góc nhìn chiều sâu thân phận con người phần nào bớt nặng nề, khốc liệt, tàn nhẫn. Có được điều đó là do Đoàn Tuấn đã tiếp xúc với chiến tranh một cách trực diện và thẳng thắn.

Hai năm sau khi tự tay chôn 53 đồng đội, Đoàn Tuấn trở lại để đưa họ về đất mẹ Việt Nam. Cũng bởi từ chiến trường đi qua cõi chết trở về, ông nhận ra mọi chuyện còn lại đều trở nên rất đỗi bình thường. Ngay cả vàng bạc cũng chỉ là kim loại. “Lúc chúng tôi đánh vào thành phố không người, vào bất cứ nhà nào, mở ngăn kéo ra thì lấy gì chả được nhưng chỉ xuống cầu thang nhặt vài mẩu đường thốt nốt xem mùi vị ra sao”, ông nói vậy bởi với ông khoảng thời gian đóng quân ở vùng Đông Bắc Campuchia, những địa danh tên phum, tên xã, tỉnh, ngọn núi, thậm chí mỗi chiếc lá khộp cũng như máu thịt quê hương mình. 

Viết với Đoàn Tuấn giờ đây không chỉ là niềm vui, mà còn là sứ mệnh. Đó là sứ mệnh của người lính, nên dù nói về cuộc sống hiện tại với những mối bận tâm thời cuộc thì trong những trang viết, ký ức về người chiến sĩ dường như vẫn luôn hiện diện trong ông. Bởi Đoàn Tuấn yêu thương và trân trọng quá khứ của một thời tuy chưa quá xa nhưng cách ứng xử giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên, môi trường thật đáng trân trọng.

Ông nói: “Sư đoàn tôi có hàng chục nghìn quân, trải qua bao năm tháng chiến tranh thì có cả núi chuyện. Tôi sợ những câu chuyện này chìm vào quên lãng. Vì vậy, tôi cố gắng viết lại. Để đồng đội đọc, nếu may mắn thì được bạn đọc chia sẻ. Những câu chuyện nhặt từ chiến trường đều lấp lánh vẻ đẹp của con người. Chúng tôi sinh ra không phải là chiến sĩ, nhưng khi Tổ quốc cần, chúng tôi xung trận, giữ gìn Đất Mẹ. Vẻ đẹp người chiến sĩ đồng nghĩa với vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam”.

Chiếc chìa khóa vàng, Chuyện tình trong ngõ hẹp, Đường thư, Sống cùng lịch sử, Truyền thuyết về Quán Tiên... Tác phẩm văn học: Đất bên ngoài Tổ quốc (thơ), Những người không gặp nữa (bút ký), Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm (hồi ký), Một trăm ngày trước tuổi hai mươi (tiểu thuyết)...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn - nhà biên kịch Đoàn Tuấn: Những câu chuyện lấp lánh vẻ đẹp con người