Một đời lãng du qua những miền văn hóa

Vân Hạ| 27/03/2020 09:39

(HNMCT) - Đối với phần lớn mọi người, về hưu là nghỉ ngơi, là dưỡng già, còn với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc, hưu nghĩa là càng được làm việc nhiều hơn, càng có thời gian đi khắp nẻo đường, giao lưu với thế giới, nghiên cứu và viết.

Cuộc đời ông là một hành trình tích lũy không ngơi nghỉ, để tuổi càng cao trí càng cao, bút lực càng dồi dào, sức sáng tạo càng mạnh mẽ. Với kho kiến thức rộng lớn và không ngừng được bồi đắp, ông được ví “tựa như một cây trầm càng già càng thơm”. Mới đây, hai tập sách Cảo thơm lần giở được ra mắt cho thấy sức làm việc có một không hai của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc khi ông đã bước sang tuổi 102.

Sinh năm 1918 ở khu phố cổ Hà Nội, ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Hữu Ngọc đã tỏ ra có năng khiếu ngoại ngữ - đây cũng là một trong những điều kiện để ông tiếp cận với văn hóa phương Tây, được làm báo, phụ trách công tác địch vận, viết sách... Cũng chính những tháng ngày trong kháng chiến đi nói chuyện tại các trại giam, tiếp xúc với tù binh, biên soạn tài liệu... đã giúp ông càng hoàn thiện vốn tiếng Anh, tiếng Pháp, tự học thêm tiếng Đức và tiếp tục giữ vốn chữ Hán.

Khả năng ngoại ngữ cùng vốn tri thức uyên thâm đã đưa Hữu Ngọc trở thành “nhà xuất nhập khẩu văn hóa”, khi ông góp phần quảng bá ra thế giới những tinh hoa văn hóa Việt Nam, đồng thời giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam văn hóa của nhiều dân tộc, quốc gia khác. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi viết “vài nét về Hữu Ngọc” trong lời đầu của một cuốn sách đã nhận định: “Hữu Ngọc là người Việt Nam, nhưng ông cũng là công dân của cả một thế giới rộng lớn. Ông kết hợp và tận dụng được cùng một lúc hai “nguồn lực” đó”.

Với sức làm việc phi thường, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc đã “xuất khẩu” hàng loạt đầu sách bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức về sử, văn học, văn hóa Việt Nam như Việt Nam tiến bước, Ca dao Việt Nam, Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, Những nẻo đường văn hóa, Khám phá văn hóa Việt Nam…, trong đó có hơn ba chục đầu sách về Hà Nội như Phác họa chân dung Hà Nội, Hà Nội của tôi, Ha Noi Who are you? (Hà Nội, bạn là ai)…, đồng thời “nhập khẩu” nhiều miền văn hóa như Mảnh trời Bắc Âu, Dạo chơi vườn văn Nhật Bản, Phác thảo chân dung văn hóa Pháp, Văn hóa Thụy Điển, Hồ sơ văn hóa Mỹ, Chìa khóa tìm hiểu Lào, Sổ tay người dịch tiếng Anh… 

Ông là người đầu tiên dịch Truyện cổ Grimm từ tiếng Đức cho độc giả Việt Nam, bộ truyện sau này đã được tái bản rất nhiều lần. Ở tuổi 90, ông tiếp tục làm kinh ngạc độc giả bằng cuốn sách nghìn trang Lãng du trong văn hóa Việt Nam. Bộ sách được ví như cẩm nang văn hóa Việt Nam đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt qua nhiều lần tái bản.

Năm 2014, nhà văn hóa Hữu Ngọc tiếp tục gây ấn tượng khi xuất bản cuốn sách Đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam, sau đó, năm 2016 là cuốn sách Việt Nam - Truyền thống và đổi thay, và mới đây là Cảo thơm lần giở (2 tập). Trong khi “hầu hết người thân và bạn bè đều đã yên nghỉ ở cõi nhớ thương” thì Hữu Ngọc đã “vượt qua tuổi một trăm” bằng hơn 700 trang sách về 180 danh nhân thế giới trải rộng trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, triết học, khoa học, văn học nghệ thuật, xã hội học, lịch sử, chính trị, tôn giáo...

Ông cho rằng tuổi già thường sống với dĩ vãng, và trong quá trình hành hương tìm về quá khứ của bản thân, ông lại hồi tưởng cả chuyện riêng tư cũng như các sự kiện quốc gia, quốc tế đương thời, để từ đó lại ngẫm nghĩ về ý nghĩa các sự việc đã qua, ý nghĩa đời người, phận người. Từ khi đặt ra những câu hỏi đầy ý niệm và siêu hình muôn thuở Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đi đâu?, cuộc hành hương của Hữu Ngọc đã rẽ sang ngả khác, qua thư tịch, đi “gõ cửa” các danh nhân thế giới để tìm lời giải đáp mà thành quả cuối cùng chính là 2 tập sách Cảo thơm lần giở. Trong số 180 danh nhân mà Hữu Ngọc đã “tầm sư”, có 4 nhân vật Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và thiền sư Thích Nhất Hạnh được giới thiệu.

Bằng cách viết ngắn gọn, súc tích, giàu tính thông tin, trong Cảo thơm lần giở, mỗi nhân vật được Hữu Ngọc khắc họa kèm suy ngẫm, tư tưởng của tác giả. Đặc biệt, sau mỗi bài viết ông đều chọn đăng kèm các câu danh ngôn nổi tiếng, những bài viết, bài nói chuyện hay suy nghĩ thể hiện tư tưởng, quan điểm, chính kiến của nhân vật. Cách “minh họa” này khiến cho cuốn sách trở nên thú vị hơn và mỗi bài viết càng thêm thuyết phục. 

Tin rằng, sau cuốn sách này, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc vẫn tiếp tục dâng tặng cho đời nhiều trang sách ý nghĩa khác, như chính ông đã khẳng định: “Tuy lựa chọn các nhân vật là những danh nhân tiêu biểu, nhưng do sở thích cá nhân và thời gian nghiên cứu hạn chế của tác giả, một số vị quan trọng đã vắng mặt. Tác giả hy vọng, đến lần tái bản sau sẽ bổ sung một số vị quan trọng nhẽ ra có mặt ở lần xuất bản này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một đời lãng du qua những miền văn hóa