Bức tranh nhiều cung bậc cảm xúc

An Định| 06/03/2020 15:40

(HNMCT) - Nói về tài sắc, những nữ nghệ sĩ ở Thủ đô luôn được ngưỡng mộ bởi sự vẹn toàn, bởi khả năng cống hiến những vai diễn, tác phẩm để đời... Nhưng ít ai biết, để làm được điều đó, ngoài khả năng thiên phú còn cần sự miệt mài khổ luyện và trên hết là lòng yêu nghề mãnh liệt... Nghĩ về các nữ nghệ sĩ của sân khấu Thủ đô, trong tôi hiện lên những gương mặt mà mỗi người như một mảnh ghép tạo nên bức tranh nhiều cung bậc cảm xúc và sắc màu về đời sống của một nửa thế giới nghệ thuật.

Nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã có hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật hát xẩm.

Đã mang lấy nghiệp vào thân

20h một ngày cuối năm, trong cái rét mà chỉ những đôi tình nhân mới háo hức xuống phố, những nữ nghệ sĩ của Câu lạc bộ Xẩm Hà Thành vẫn tập trung ở sân khấu khu vực Tượng đài vua Lê (thuộc Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận) rất đúng giờ. Vội vàng thay trang phục, cuộn nhanh mái tóc..., thoáng chốc họ đã trở thành những liền chị trong chiếc áo tứ thân “mớ ba, mớ bảy”, thành cô gái Huế áo dài tím mộng mơ... với những điệu hát say đắm lòng người. Sự kỳ diệu của nghệ thuật là biến những câu chuyện dung dị của đời sống trở nên có hấp lực phi thường. Và cũng chính sự hấp dẫn khó cưỡng ấy đã khiến những người phụ nữ rời tổ ấm vào mỗi tối cuối tuần, tới đây biểu diễn miễn phí cho công chúng Thủ đô.

Trong số những nghệ sĩ hôm ấy, tôi chẳng thể nào rời mắt khỏi nghệ sĩ Đinh Hương, cô diễn viên trẻ của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Dưới lớp áo “mớ ba, mớ bảy”, không cần quá tinh ý cũng nhận ra cô đang mang thai ở những tháng cuối. Rồi trong cuộc trò chuyện vội vàng bên chén trà nhạt với các nghệ sĩ phía sau cánh gà, tôi biết thêm rằng trong buổi chiều hôm ấy NSƯT Diệu Hương của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn còn ốm, phải đi truyền nước nhưng vẫn lên sân khấu biểu diễn. Nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa có hàng chục năm gắn bó với sân khấu này, đều đặn mỗi tuần 3 suất diễn vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Điều gì đã hấp dẫn họ đến vậy? Có lẽ mỗi người sẽ có câu trả lời riêng, chỉ biết rằng tiền bồi dưỡng cho một đêm diễn chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Ở một sân khấu ngoài trời quen thuộc khác, sân khấu Nhà bát giác, tôi gặp NSND Thanh Hương, gương mặt nổi tiếng của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Người yêu mến cải lương không ai không biết chị, người đã có những vai diễn để đời. Tài năng của chị được khẳng định qua các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp với 9 Huy chương Vàng. Năm 2001, Thanh Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT khi mới 29 tuổi. Tháng 1-2016, chị được trao tặng danh hiệu NSND. Thế nhưng, rất ít người biết rằng chị đã bị bố mẹ cấm cản quyết liệt khi có ý định bước chân vào nghề diễn. Bố mẹ chị đều là diễn viên Đoàn cải lương Kim Phụng (trước đây) - NSƯT Nhật Minh và nghệ sĩ Minh Nghĩa.

Những năm tháng làm nghề của ông bà là khoảng thời gian dằng dặc nay đây mai đó. Tuy sân khấu lúc đó đang ở thời kỳ đỉnh cao, được khán giả rất hâm mộ nhưng đời sống của diễn viên lại vô cùng vất vả. Mỗi đợt đi diễn là cả đoàn ăn nghỉ sau cánh gà, dưới gầm sân khấu hoặc ở nhờ nhà dân, không có điều kiện chăm sóc con cái. Bởi vậy, dù cô con gái có cả thanh cả sắc, có khả năng nhập vai từ lúc mới hơn 10 tuổi song cặp đôi nghệ sĩ không muốn con gái tiếp tục theo nghề. Nhưng Thanh Hương vẫn quyết theo đuổi nghệ thuật cải lương. Thanh Hương thành công lớn với vai Kiều từ khi còn rất trẻ nên công chúng gọi chị là Hương “Kiều”. Và dường như nghệ danh ấy cũng “vận” vào đời người nghệ sĩ tài sắc. Chấp nhận cuộc sống một mình nuôi con, NSND Thanh Hương chưa một lần có ý định bỏ nghề. Chị bảo: “Nhìn lại thì thấy vất vả nhưng đó là đam mê, tôi sẵn sàng hy sinh vì nó”.

Câu chuyện của NSND Thanh Hương hay nỗi vất vả của các nghệ sĩ như Diệu Hương, Đinh Hương kể trên... cũng là cảnh chung của nhiều nữ nghệ sĩ. Rất nhiều khi họ phải gạt bỏ nỗi niềm riêng để có thể hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh nghệ thuật của mình.

Nghệ sĩ Đinh Hương trong một buổi biểu diễn.

Vẫn nguyện trọn đời “rút ruột nhả tơ”

NSND Thanh Trầm đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng thật kỳ lạ, mỗi lần gặp bà tôi lại tưởng như mình được tiếp thêm... sức trẻ. Chất giọng sang sảng, dáng đi nhanh nhẹn và khuôn mặt lúc nào cũng thường trực nụ cười, ở đâu có bà là ở đó có hoạt động nghiệp vụ sôi nổi. Nữ diễn viên nổi danh của Nhà hát Chèo Hà Nội khi xưa hiện là Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội.

Ngoài công việc ở Hội, bà còn là thành viên của Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, rồi thành viên Hội đồng Nghệ thuật của thành phố, làm giám khảo các liên hoan, hội diễn, kể cả lĩnh vực không chuyên, đi chấm thi ở các quận, huyện... Hơn thế, bà còn được xem là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ nghệ sĩ Thủ đô. Trong những lứa học trò của bà nhiều người nay đã trở thành NSND, NSƯT. Có những đêm khuya, khi buổi diễn tổng duyệt kết thúc, khán giả về hết, các diễn viên vẫn ở lại để được nghe “cô Trầm” nhận xét từng lời ca, nét diễn. Học trò yêu mến NSND Thanh Trầm, gọi bà là “u” bởi bà luôn đối xử với họ như con em. Bà luôn bảo: “Mình phải nhân ái, phải yêu thương các em, chia sẻ cho các em kiến thức của mình”. Sức làm việc dẻo dai và sự tận tâm với nghề của người phụ nữ nhỏ nhắn ấy quả thực hiếm ai bì kịp.

Người ta thường nói “Thầy già, con hát trẻ”, khi đã qua tuổi để thăng hoa trên sân khấu, rất nhiều nữ nghệ sĩ lui về hậu trường, truyền dạy cho học trò từng lời ca, điệu múa. Cùng với NSND Thanh Trầm, sân khấu Thủ đô còn có biết bao nghệ sĩ vẫn luôn tâm niệm “còn sức khỏe thì còn cống hiến” như NSND Thúy Mùi, NSƯT Mai Hương, NSƯT Minh Vượng, NSƯT Thanh Vân... Họ không chỉ truyền dạy mà vẫn tiếp tục sáng tạo để mang đến cho công chúng những tác phẩm có chất lượng cao.

Thăng hoa với đam mê của đời mình

Không có một vở kịch nào lại vắng bóng diễn viên nữ, điều đó cũng có nghĩa mọi dấu ấn nghệ thuật đều có sự góp công của “một nửa thế giới”- những bóng hồng trong nghệ thuật. Và lịch sử sân khấu Thủ đô hơn nửa thế kỷ qua cũng có thể được phác thảo qua tên người nghệ sĩ. Với một Thanh Trầm trong vở Cô Son (chèo), Hoàng Cúc trong Lũy hoa (kịch nói), Lâm Bằng với Nàng Sita (chèo), Thúy Mùi trong vở Lý Thường Kiệt (chèo), Thanh Hương với Kiều (cải lương)... hay sau này là Thu Hà trong Cát bụi (kịch nói), Thu Huyền trong Quan Âm Thị Kính (chèo), Hồng Nhung trong Lễ mở xiêm áo (cải lương), Thanh Hương trong Đôi mắt (kịch nói)..., họ đã tạo nên những hình tượng đẹp lồng lộng ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Giờ đây, sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống gặp muôn vàn khó khăn. Các nữ nghệ sĩ phải năng động hơn để đưa nghệ thuật đến với công chúng. Họ chấp nhận vất vả với những chuyến lưu diễn về các địa phương xa, chấp nhận hy sinh những tối cuối tuần quây quần bên gia đình để đi diễn miễn phí cho khán giả... Nói như NSND Thanh Hương là mang nghệ thuật đến với mọi người để khán giả trẻ được tiếp cận, được hiểu và từ đó yêu mến sân khấu hơn. Khi sân khấu có khán giả, đó cũng là lúc họ được toại nguyện với ước mơ cống hiến cho đời những tác phẩm hay, được thăng hoa với đam mê của đời mình. Và như thế thì những đắng cay, vất vả khi trót “theo nghiệp cầm ca” của các chị sẽ được đền đáp.

NSƯT Thanh Vân, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh nhiều cung bậc cảm xúc