Nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội: Chất thanh, chất lịch sâu đằm

Vân Thảo| 05/03/2020 08:56

(HNMCT) - Có một góc nhìn về cách ứng xử văn minh - thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện sâu đằm và thú vị qua cuộc sống và hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội. Từ góc nhìn này, lối sống, nếp sống, phong cách, “chất liệu thanh lịch” của các nghệ sĩ Hà Nội thông qua nghệ thuật đã tạo nên nguồn cảm hứng văn hóa lớn, sức hút tự nhiên cho đất kinh kỳ.

Gia đình NSND Như Quỳnh.

Trong lối sống giữ điều nhỏ nhẹ

Có cơ hội tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ điện ảnh các thế hệ, tôi nghiệm ra câu ca “Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất lịch, nhất sắc kinh kỳ Thăng Long” rất đúng với đa số nghệ sĩ người Hà Nội hoặc sinh sống lâu ở Hà Nội. Ở họ có một phong thái rất riêng, nhẹ nhàng và chỉn chu trong mọi hoàn cảnh. Sự nhẹ nhàng ấy thể hiện cả trong suy nghĩ cho tới cách ứng xử, thái độ trong lao động nghệ thuật. 

Đó là lần tôi chứng kiến NSND Như Quỳnh cư xử chừng mực đúng với phong thái người Tràng An tại một buổi lễ trao giải thưởng điện ảnh. Khán phòng đông đúc, một nam phóng viên đeo chiếc ba lô khá cồng kềnh mải mê chụp ảnh ngay phía trước nghệ sĩ Như Quỳnh, bất ngờ xoay người để chuyển vị trí khiến chiếc ba lô xô vào người chị. Quá bất ngờ, thậm chí suýt ngã nhưng nghệ sĩ Như Quỳnh vẫn nhẹ nhàng nhắc cậu phóng viên: “Vội gì thì vội, mải công việc nhưng vẫn phải chú ý để không ảnh hưởng đến xung quanh em ạ!”. Dĩ nhiên, cậu phóng viên lập tức quay lại xin lỗi Như Quỳnh. Và người xung quanh chứng kiến câu chuyện nhỏ trong sự kiện nghệ thuật cũng thấy thỏa lòng. 

Để ứng xử hài hòa trong mọi hoàn cảnh, ai cũng phải được giáo dục kỹ càng về nếp sống, nếp ứng xử nhã nhặn, thanh lịch từ trong gia đình. NSƯT Thanh Loan (vai ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn) tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở ngõ Tạm Thương cho nên cảm nhận được hầu như trọn vẹn nét văn minh, thanh lịch ở Thủ đô. Hà Nội ngày xưa không đông và không ồn ào như bây giờ mà trầm lắng, thanh bình. Người Hà Nội xưa ra ngoài đường không xô bồ, không ăn to nói lớn. Trong gia đình, tôi được bố mẹ dạy từ cái nhỏ nhất như nết ăn uống, đi đứng, thưa gửi, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ. Có thể tôi là người cổ điển nhưng tôi nghĩ cái đẹp của người Hà Nội xưa là ở trang phục trang nhã, gọn gàng và cách ứng xử”.

Còn nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn kể rằng: “Thời chúng tôi còn nhỏ, cuộc sống khó khăn, nhà nào cũng không dư thừa vật chất như bây giờ nhưng luôn được bố mẹ nhắc khi ra đường quần áo phải thẳng thớm, sạch sẽ, đi đứng làm sao để thể hiện được mình là con người nền nã. Đường phố chủ yếu xe đạp thôi nhưng không có ai phóng nhanh vượt ẩu, sang đường nhìn trước nhìn sau từ tốn, ăn nói có thưa gửi...”.

Nét thanh lịch của các nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội còn được thể hiện trong lối sống, được bộc lộ một cách tự nhiên qua nhiều mặt. Trong con ngõ ở Hàng Bông, căn nhà của đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn và người vợ là bác sĩ tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng, ấm cúng. Là đạo diễn có tiếng trong giới làm phim nhưng ông vẫn giữ nét tinh tế của người Hà Nội xưa, rất nhẹ nhàng, kín đáo. Ngoài những chuyến đi làm phim xa nhà dài ngày, Phi Tiến Sơn thường dành trọn khoảng thời gian ít ỏi còn lại cho người thân. Với ông, giá trị thực chất thường ẩn đi và đôi khi gần gũi với ta đến mức nếu không chăm chút cho nó thì sự hào nhoáng của đời sống hiện đại có thể cuốn nó trôi đi mất...

Nghệ thuật như một lời nhắn nhủ

Từ những nét tính cách đặc trưng, nét thanh lịch còn được các nghệ sĩ Hà Nội bộc lộ trong sáng tác của họ với lối sử dụng ngôn ngữ tinh tế. Và nghệ thuật lúc này như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng mà thấm thía. Điều này thì không chỉ điện ảnh nước nhà ghi nhận mà ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới cũng đã chỉ ra.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã mang theo chất thanh lịch ấy vào các kịch bản của ông, khiến cho Mùa ổi với hình ảnh của một Hà Nội những ngày xưa cũ, với nếp sống lịch thiệp, tử tế mãi lay động tâm trí khán giả trong nước và nước ngoài. Còn đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn lại “thổi” chất lãng tử, bay bổng và đầy tình cảm của người Hà Nội vào nhân vật Quang, khiến bộ phim Vào Nam ra Bắc của ông trở nên gần gũi và chân thực hơn bao giờ hết.

Đặc biệt NSND Như Quỳnh, với gương mặt đặc trưng Á đông và phong thái nhẹ nhàng, thanh lịch toát ra từ dáng đi, lối ứng xử, giọng nói cho tới phục trang đã giúp chị hóa thân xuất sắc trong các bộ phim tiêu biểu về đề tài Hà Nội, như nhân vật Liên trong phim Gánh hàng hoa của đạo diễn Trần Đắc, nữ kỹ sư Nguyệt trong Hà Nội mùa chim làm tổ.

Có thể nói, qua thời gian, Như Quỳnh luôn được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần Việt, rất thanh nhã, rất Hà Nội. Chẳng thế mà trong suốt sự nghiệp làm diễn viên của mình, chị luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà làm phim nước ngoài khi họ muốn có một nhân vật cũng như không khí đậm chất Việt trong tác phẩm như: Đông Dương, Mùa hè chiều thẳng đứng, Hai cô con gái của ông chủ vườn thuốc, Ngọn tháp Hà Nội...

Điện ảnh từ xưa đến nay vẫn là phương tiện hữu hiệu để kết nối, truyền tải thông điệp văn hóa. Bằng những điều giản dị, gần gũi, chân thực, thông qua nghệ thuật, các nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội đã góp phần không nhỏ để lan tỏa mãi nét thanh lịch ở mảnh đất, con người Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội: Chất thanh, chất lịch sâu đằm