Lễ “Mừng cưới vàng” tại phường Cổ Nhuế 2: Góp phần tạo dựng nét văn hóa mới

Trần Công Huyền| 27/02/2020 09:41

(HNMCT) - Xác định tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của xã hội đồng thời đề cao ý nghĩa của hôn nhân bền vững, từ nhiều năm nay phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tổ chức lễ “Mừng cưới vàng” cho những cặp vợ chồng có đời sống hôn nhân bền vững từ 50 năm trở lên. 15 năm qua, hoạt động giàu ý nghĩa này đã trở thành quen thuộc mỗi dịp xuân về, được nhân dân ủng hộ.

Một lễ “Mừng cưới vàng” tại tổ dân phố Đống 2, phường Cổ Nhuế 2.

Chuyện hôm qua còn đó...

Cứ vào ngày mùng 8, mùng 9 tháng Giêng hằng năm, phường Cổ Nhuế 2 lại nhộn nhịp chuẩn bị cho các cặp vợ chồng giữ đời sống hôn nhân bền vững từ 50 năm trở lên dự lễ “Mừng cưới vàng” do Hội Người cao tuổi, Đảng ủy, UBND phường và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức. Vào ngày kỷ niệm này, những bộ cánh mới, khăn xếp áo the, áo dài, comple và những bó hoa rực rỡ như tôn lên nụ cười rạng rỡ hân hoan trên những khuôn mặt không giấu được nét khó nhọc qua thời gian.

Lễ "Mừng cưới vàng" ở phường Cổ Nhuế 2 được tổ chức từ năm 2005. Từ đó đến nay đã có hàng trăm cặp vợ chồng được chính quyền và các ngành, đoàn thể của phường đứng ra tổ chức "Mừng cưới vàng", trong đó có những cặp vợ chồng đã sống bên nhau 70, 80 năm.

Năm nay, lễ “Mừng cưới vàng” tại phường Cổ Nhuế 2 tôn vinh 22 cặp vợ chồng tròn 50 năm, 60 năm chung sống. Trong lời phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Viết Chiến, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: “Tôn vinh những cặp vợ chồng người cao tuổi song toàn chính là thể hiện lòng tôn kính, hiếu nghĩa, trách nhiệm chăm lo cho cha mẹ, ông bà của lớp con cháu. Đây là một việc làm có ý nghĩa nhân văn để bảo vệ nền tảng xã hội, bởi gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc thì xã hội thêm phần tốt đẹp”.

Trong ngày vui chung của nhân dân cả phường và niềm xúc động của riêng mình, cụ Hà Đăng Nhương (Tổ dân phố Đống 2, phường Cổ Nhuế 2) nhớ lại: "Thời gian đã xa nhưng kỷ niệm ngày chúng tôi “về với nhau” không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Đám cưới hồi đó chưa có chuyện chụp ảnh, quay phim như bây giờ, nhưng những lời chúc tụng của gia đình, họ hàng, bà con láng giềng dành cho cô dâu, chú rể thì vẫn vậy, vẫn là niềm mong ước cho đôi vợ chồng trẻ mau sinh quý tử, hạnh phúc đến đầu bạc răng long”.

Mỗi năm qua đi, câu chuyện về những cặp vợ chồng sống bên nhau hạnh phúc dù “đầu bạc, răng long” càng thêm thú vị, như câu chuyện cổ tích ở thời hiện đại. Đặc biệt nhất, thú vị nhất là câu chuyện về những cụ ông, cụ bà từng tổ chức đám cưới vào những năm sau Cách mạng Tháng Tám hoặc sau ngày hòa bình lập lại năm 1954. Ở những thời điểm đó, quan niệm, tập quán mới về hôn nhân và gia đình đã dần hình thành, thay thế một số quan niệm cũ.

Hình thức đám cưới đời sống mới là một nét nổi bật trong văn hóa gia đình ở giai đoạn này. Nhiều đám cưới do cơ quan, đoàn thể đứng ra tổ chức; có đám cưới được tổ chức ngoài mặt trận với nghi thức đơn giản nhưng trang trọng. Khi đó, cô dâu, chú rể ăn mặc giản dị, có thể chỉ là bộ thường phục mà cán bộ cơ quan nhà nước hay mặc, hoặc đồng phục của bộ đội, thanh niên xung phong...

Trong đám cưới, bên cạnh lời chúc mừng hạnh phúc lứa đôi còn có khẩu hiệu nhắc nhở trách nhiệm công dân: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, “Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết!”... Vài ngày sau lễ cưới, thậm chí có khi ngay sau lễ cưới là chú rể lên đường ra mặt trận. Trong số các cặp vợ chồng được tôn vinh có tới 3/4 các cụ từng là bộ đội hoặc thanh niên xung phong tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, có cụ là lão thành cách mạng.

Trân trọng một nếp sống đẹp

Có chứng kiến lễ kỷ niệm thiêng liêng của các cụ đầu xuân Canh Tý mới thấy trân quý giá trị của hạnh phúc, của gia đình. Nhất là khi các cụ bà tóc đã bạc phơ cùng nhau hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, đầy khó khăn vất vả nhưng cũng tràn đầy lạc quan, tin tưởng bởi tất cả đều phấn đấu vì một lý tưởng. Ai cũng cùng lúc đảm đương nhiều vai trò: Làm vợ, làm mẹ, làm con, đồng thời gắng gỏi tham gia việc nước theo tiếng gọi phong trào “Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”..., xứng đáng là những hạt nhân tạo thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Nhiều cụ bà đã nuôi con chờ chồng hàng chục năm đằng đẵng, một lòng một dạ phụng dưỡng cha mẹ chồng, giữ vững niềm tin chung thủy sắt son. Khi chồng từ mặt trận trở về thì những người vợ ấy đã qua tuổi thanh xuân, nhưng tình yêu thì vẫn nồng thắm. Câu chuyện của các cụ vì thế mà mang tính giáo dục sâu sắc về phẩm hạnh vợ hiền, dâu thảo, sống có văn hóa, đạo đức, biết cách ứng xử phù hợp đạo lý, đảm đang, quán xuyến công việc trong gia đình, hết mực thương yêu chồng con...

Bí thư Đoàn Thanh niên phường Cổ Nhuế 2 Nguyễn Thị Ánh Nguyệt bày tỏ xúc động: “Thật vui khi được thấy các cụ ở độ tuổi xưa nay hiếm tay trong tay, miệng móm mém cười tươi, gương mặt tràn đầy hạnh phúc. Những ánh mắt yêu thương ấy là minh chứng cho tấm lòng thủy chung son sắt, khiến lớp trẻ chúng tôi thêm phấn chấn. Lễ tôn vinh những "mối tình trăm năm” rất có ý nghĩa với tuổi trẻ bởi những tấm gương mẫu mực về tình yêu chung thủy, trách nhiệm gia đình, phẩm hạnh dâu thảo, trách nhiệm làm chồng đã và đang góp phần tạo dựng nét văn hóa mới cho quê nhà”. 

Lễ “Mừng cưới vàng” xuân Canh Tý ở phường Cổ Nhuế 2 đã qua đi nhưng dư âm còn để lại. Như những gì mà Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Cổ Nhuế 2 Phạm Văn Tỵ tâm đắc nói: "Lễ kỷ niệm không chỉ là câu chuyện và bài học về tình yêu lứa đôi, về hạnh phúc mỗi người và mỗi gia đình. Đó còn là nguồn “tư liệu” chứa đựng giá trị văn hóa, nhân văn, là lời nhắn gửi của các cụ đối với thế hệ trẻ về niềm mong mỏi một nếp sống tốt đẹp, lành mạnh được trân trọng, gìn giữ và nhân lên trong xã hội hiện đại".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ “Mừng cưới vàng” tại phường Cổ Nhuế 2: Góp phần tạo dựng nét văn hóa mới