Một người nặng lòng với Hà Nội

Trần Văn Mỹ| 16/02/2020 08:06

(HNM) - Ngôi nhà trong làng Đại Từ yên tĩnh, xanh bóng cây. Những trang sách ở tòa “Tĩnh tâm trai” mang theo màu thời gian. Vị nhân sĩ từ nơi ấy đã nuôi mãi niềm say mê nghiên cứu về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đó là ký ức của tôi về nhà nghiên cứu, nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán - một người luôn nặng lòng với Hà Nội dấu yêu.

Nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” năm 2014.

1. Tôi hân hạnh được quen biết cụ Vũ Tuân Sán từ năm 1986. Trong suốt mấy chục năm, mỗi khi tôi có bài viết về Hà Nội đăng trên các báo, cụ đều đọc kỹ và chỉ bảo cho nhiều điều. Khi công trình Hà Nội xưa và nay được biên soạn và ra mắt, cụ cử một người con đem sách đến tận nhà tôi, với lời đề tặng xúc động: "Kính tặng nhà báo Trần Văn Mỹ. Ghi nhận tình cảm thân thiết giữa hai người cùng gốc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, và cùng chung niềm gắn bó sâu sắc với quê hương”.

Một vài kỷ niệm riêng và cũng là chung để nhắc nhớ Vũ Tuân Sán là người như thế: Cẩn trọng, nghiêm túc nhưng chân tình, tinh tế và đầy nhiệt huyết!

2. Người Hà Nội ấy sinh năm 1915 tại làng Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Từ nhỏ, cụ đã được thân phụ là nhà giáo Vũ Duy Hoán rèn cặp chu đáo. Cụ từng học Trường Bưởi, đỗ tú tài toàn phần rồi vào học Trường Luật. Tốt nghiệp, cụ đi dạy học góp tiền để cha mẹ nuôi các em ăn học. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cụ làm việc ở Bộ Tư pháp. Kháng chiến bùng nổ, cụ lên Việt Bắc làm việc ở Bộ Kinh tế. Từ năm 1955, cụ chuyển về làm việc ở Phòng Bảo tàng, Sở Văn hóa Hà Nội.

Tại cơ quan mới, với vốn chữ Hán tự học, cụ đã thể hiện được khả năng và niềm đam mê của mình. Miền đất Hà Nội cổ còn nhiều bí ẩn lưu trên chuông đồng, bia đá, sắc phong… cần được khai phá, kẻo thời gian và mưa nắng làm cho mai một dần. Thời gian này, trên các báo và tạp chí chuyên ngành, thấy xuất hiện đều đặn các bài nghiên cứu của Vũ Tuân Sán (cùng các bút danh Tảo Trang, Chí Kiên) nói về các nữ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở bờ Bắc và bờ Nam sông Đuống. Cụ về xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì nghiên cứu về lão tướng Phạm Tu thời vua Lý Nam Đế; tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của nhà giáo Chu Văn An đời Trần. Từ những trang thần tích được dân làng lưu giữ, năm 1970, trong cuộc trưng bày các hiện vật khảo cổ và văn học, lần đầu tiên chúng ta biết được tên húy thân mẫu, ngày tháng năm sinh và mất của danh sĩ Chu Văn An.

Qua các cuộc điền dã, cụ Vũ Tuân Sán thấy rõ, muốn giữ gìn những giá trị văn hóa cho đời sau, cần phải tiến hành một cuộc điều tra tổng thể các di tích ở 4 khu phố nội thành và cả ở 4 huyện ngoại thành. Năm 1972, thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chẳng ngại hiểm nguy, cụ cùng các cán bộ Phòng Bảo tàng đến khảo sát, ghi chép tư liệu từng ngôi đình, đền, chùa. Kết quả thu được ở mỗi phố, mỗi làng được cụ biên soạn thành công trình riêng. Nhờ kết quả điều tra này, chúng ta mới biết đình Đồng Thuận ở phố Hàng Cá thờ Lý Tiến, một trong những anh hùng chống ngoại xâm đầu tiên của dân tộc, người đã chỉ huy quân đội Văn Lang chống giặc Ân và hy sinh ở trại Tiên Ngư bên bờ sông Tô Lịch, địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày nay.

Trên khắp các vùng đất của Hà Nội, hằng ngày nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán say sưa tìm kiếm và phát hiện nhiều tư liệu đặc biệt quý nói về sự phát triển của văn học Thăng Long - Hà Nội. Cụ về làng Hạ Đình, Thanh Trì cùng nhóm nghiên cứu tìm gia phả và kết hợp với truyền thuyết dân gian đã tìm được mộ danh sĩ Đặng Trần Côn, tác giả Chinh phụ ngâm (thế kỷ XVIII). Qua đó, lần đầu xác định được tên họ của Bà Huyện Thanh Quan là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm, huyện Từ Liêm - tác giả bài thơ Qua đèo Ngang và Thăng Long thành hoài cổ…                                     

Cùng với việc đi sâu nghiên cứu và phát hiện những điều mới về người và cảnh Hà Nội xưa, cụ cùng Giáo sư Bùi Văn Nguyên, Giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà nghiên cứu Chu Hà xây móng đắp nền cho Hội Văn nghệ Hà Nội.

Là người am hiểu sâu sắc văn hóa Đông - Tây, cụ Vũ Tuân Sán cũng để lại dấu ấn sâu sắc trên lĩnh vực này. Cụ dịch Thơ Đường cùng với Hoa Bằng, Hoàng Tạo; soạn Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam, Từ điển triết học giản yếu (cùng tập thể soạn giả, chủ biên Hữu Ngọc)…

3. Có thể nói, cả cuộc đời cụ Vũ Tuân Sán gắn với những cuộc kiếm tìm không biết mệt mỏi. Năm 2014, ở tuổi 100, nhưng trí não vẫn còn minh mẫn, ngày ngày trong khu “Đường viên” cụ vẫn cần mẫn đọc sách và chú thích các tập thơ cổ và luôn giữ nguyên tắc phải đối chiếu tận gốc văn bản. Vì theo cụ, dịch sai nghĩa một chữ, sẽ để lại hậu quả cho đời sau.

Bạn bè đồng nghiệp vô cùng quý mến cụ và đã dành cho cụ những niềm yêu kính riêng: “Nhiều người nghiên cứu quốc học không đạt được trình độ của anh vì không hiểu sâu ngôn ngữ và văn hóa Hán - Pháp và chữ Nôm” (nhà văn hóa Hữu Ngọc); “Từ những tư liệu tản mạn, cụ tập hợp lại, phân tích, đối chiếu với các tư liệu khác trong thư tịch sử sách để tìm ra và xác minh những thông tin mới, góp phần dựng lại diện mạo thật và xác định giá trị của các di sản lịch sử văn hóa của đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến” (Giáo sư Phan Huy Lê).

Năm 1997, cụ Vũ Tuân Sán đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Tháng 8-2014, cụ nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội”. Ngày 8-6-2017, nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán đã thanh thản từ biệt chúng ta, thọ 103 tuổi. Trước khi mất, cụ vẫn còn làm việc mỗi ngày 30-40 phút, biên dịch, trò chuyện với các con.

4. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in thư phòng “Tĩnh tâm trai” nơi cụ làm việc, nhớ nếp nhà mẫu mực của một gia đình Hà Nội ở nơi này.

Nhớ về cụ, kể chuyện xưa cũng là để nhắc chuyện nay. Có thể nói, đề tài nghiên cứu, viết về Hà Nội không bao giờ vơi cạn. Và lực lượng viết về Hà Nội xưa giờ cũng khá đông đảo. Nửa đầu thế kỷ XX, những người nghiên cứu về Hà Nội có Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Đạo Thúy, Doãn Kế Thiện, lớp sau có Vũ Tuân Sán, Bùi Văn Nguyên, Kiều Thu Hoạch… Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội hiện có hơn 100 hội viên công tác tại các vụ, viện nghiên cứu chuyên ngành. Nhiều tác phẩm chính của tập thể hội và các hội viên đã được “trình làng” trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những người yêu Hà Nội, say mê nghiên cứu về mảnh đất nghìn năm này vẫn tiếp nối tinh thần và cảm hứng của cụ Vũ Tuân Sán - một người con của mảnh đất kinh kỳ văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một người nặng lòng với Hà Nội