Danh nhân tuổi Tý đất Hà thành

Khánh Vũ Nguồn: tổng hợp| 23/01/2020 08:32

Phùng Khắc Khoan (Mậu Tý, 1528-1613)

Là danh sĩ đời Lê Thế Tông, tự Hoằng Phu, quê xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Ông nổi tiếng về tài thơ văn, chí khí khảng khái, hào hùng. Sau khi đỗ đầu một khoa thi Hương, ông được bổ làm Ngự doanh ký lục, coi sóc quân Tứ vệ góp sức chiêu dân vào Thanh Hóa lập nghiệp, được thăng chức Lễ khoa cấp sự trung. Năm Canh Thìn 1580, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, sau giữ chức Thị lang Bộ Công.

Năm 1579, ông đi sứ nhà Minh. Với khí phách và tài biện bác, ông khiến vua Minh phải chấp nhận những lý lẽ ông bênh vực nhà Lê. Sau đó, ông được phong làm Thượng thư Bộ Hộ, Bộ Công, tước Mai Lĩnh hầu, rồi thăng tước Mai Quận công. Tương truyền, ông là người đem nghề dệt lụa về cho dân Phùng Xá và đem giống ngô về vùng sông Đáy, tạo nên một nông sản mới tại đây.

Sau khi ông mất, nhân dân làng Phùng Xá đã lập đền thờ.

Nguyễn Quý Đức (Mậu Tý, 1648-1720) 

Là danh sĩ đời Lê Hy Tông, tự Thể Nhận, hiệu Đường Hiên, quê làng Thiêm Mễ, tức làng Đại Mỗ, nay thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ông nổi tiếng là “kỳ đồng”, năm 1676, đỗ Thám hoa, năm 1690 được sung chức Chánh sứ sang Trung Quốc. Khi về nước, ông làm Tả thị lang Bộ Lễ, rồi được thăng làm Bồi tụng trong phủ chúa Trịnh, tước Liêm Đường bá. Năm 1708, được thăng Thượng thư Bộ Binh, được phong Tá lý công thần.

Năm 1714, ông được thăng Thiếu phó, năm 1717 về hưu, được gia phong Thái phó, Quốc lão. Ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm. Dân gian có câu đồng dao ngợi khen ông "Tể tướng Quý Đức, thiên hạ hưu tức" (Tể tướng Quý Đức làm thiên hạ yên vui).

Lúc đi sứ (1690) ông soạn bộ Hoa Châu tập. Ông hợp tác với Lê Hy xem xét và sửa chữa bộ sử cũ, rồi viết nối từ đời Lê Huyền Tông đến Gia Tôn (1663-1675) bổ sung bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên. 

Bùi Huy Bích (Giáp Tý, 1744-1818) 

Tự là Hy Chương là một danh sĩ, người làng Ðịnh Công, sau dời sang làng Thịnh Liệt, nay thuộc quận Hoàng Mai. Ông xuất thân trong một gia đình dòng dõi. Nội tổ Bùi Xương Tự, thân phụ Bùi Trọng Tân đều có tiếng trong lịch sử và văn học nước nhà.

Năm 1769, ông đỗ Hoàng giáp. Năm 1777, ông làm Ðốc đồng Nghệ An, rồi làm Hiệp trấn. Đến năm 1781, ông được chúa Trịnh Sâm triệu về, trao cho chức Nhập thị Bồi tụng, chức đứng hàng thứ 2 trong phủ chúa, nhưng ông xin từ chức, lấy cớ là ốm yếu dù khi đó mới 38 tuổi. Ông từng được Trịnh Tông mời làm Hành tham tụng, sau đó cũng từ quan về dưỡng bệnh. Về sau, ông còn từ chối ba lời mời ra làm quan của các vua Lê Chiêu Thống, Quang Trung và Gia Long.

Ông tập trung làm công việc sáng tác, biên khảo văn học, sử học. Ông có công sưu tập những áng văn thơ tiêu biểu từ thời nhà Lý đến thời nhà Hậu Lê, được khắc in năm Ất Dậu 1825 và năm Kỷ Hợi 1839 dưới thời vua Minh Mạng. Hai bản khắc in trên, đó là Hoàng Việt thi tuyển và Hoàng Việt văn tuyển. Trước tác của Bùi Huy Bích, về thơ có ba bộ Tồn Am thi cảo, gồm khoảng 700 bài thơ bằng chữ Hán. Về văn xuôi, có tập Nghệ An chí, Lữ Trung tập thuyết, ghi lại những suy nghĩ về nhân tình thế thái…

Xuân Thủy (Nhâm Tý, 1912-1985) 

Là nhà cách mạng, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thơ, tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm. Ông sinh tại xã Xuân Phương, nay thuộc quận Nam Từ Liêm. Ông học tại Hà Nội, tham gia các tổ chức yêu nước chống thực dân Pháp, tích cực hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần, nhưng vẫn kiên trì đấu tranh trong tù cũng như khi được trả tự do. Ông làm Chủ nhiệm Báo Cứu quốc (tiền thân của Báo Đại đoàn kết), tờ báo của Tổng bộ Việt Minh từ thời kỳ bí mật, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được đề cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Năm 1963, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao cho đến năm 1965. Ông là người góp phần tích cực vào thành công của Hiệp định Hòa bình Paris với vai trò là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam.

Trần Duy Hưng (Nhâm Tý, 1912-1988) 

Tên thật là Phạm Thư, ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của thành phố Hà Nội. Ông quê xã Xuân Phương, nay thuộc quận Nam Từ Liêm, thuở nhỏ học ở Hà Nội, sau đó du học ngành Y ở Pháp. Sau khi tốt nghiệp, ông về nước làm bác sĩ, từng tham gia hoạt động xã hội trong các tổ chức cứu tế ở Hà Nội.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Hà Nội. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội (khóa I). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ như Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Nội vụ trong Hội đồng Quốc phòng.

Sau Hiệp định Geneve 1954, ông về tiếp quản Hà Nội, vẫn giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính và sau này là UBND thành phố Hà Nội, liên tục từ năm 1957 đến năm 1977. Trong suốt thời gian làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính và UBND thành phố Hà Nội, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc quản lý và xây dựng Thủ đô. Chính ông cũng là người đưa ra tầm nhìn chiến lược khi muốn đưa sông Hồng trở thành một phần không thể thiếu trong phát triển không gian Hà Nội, gắn với những lợi ích kinh tế cụ thể.

Nguyễn Huy Tưởng (Nhâm Tý, 1912-1960) 

Quê ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông là một nhà văn, nhà viết kịch, tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với Thủ đô. Ông là người sớm có ý thức đưa lịch sử dân tộc vào văn học để giữ lấy cái gốc của văn học, nghệ thuật. Năm 20 tuổi, ông ghi trong nhật ký "Người không biết lịch sử nước mình là con trâu đi cày ruộng; cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được".

Nguyễn Huy Tưởng tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên, học sinh Hải Phòng từ năm 1930, khi ông học Trường Bonnal. Năm 1938, ông tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ và phong trào hướng đạo sinh ở Hải Phòng. Sau đó, ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội, Nam Định và Phúc Yên. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc. Sau năm 1954, ông làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I). Ông là người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Nhà Xuất bản Kim Đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh nhân tuổi Tý đất Hà thành