Những người con Hà Nội ở trời Nam

Thiện Minh - Tuệ An| 24/01/2020 08:04

(HNM) - Là doanh nhân thành đạt hay nhân sĩ trí thức, những người con Hà Nội sống ở trời Nam luôn giữ được cốt cách của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Vẫn thanh lịch, vẫn giọng nói “đặc vị” miền Bắc và trái tim luôn hướng về quê hương...

Gặp người Hà Nội giữa trời Nam

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối năm, tiết trời bắt đầu mang chút hơi se lạnh. Có lẽ, cái lạnh “hiếm hoi” của phương Nam làm cho những người con đất Bắc càng nhớ về Thăng Long - Hà Nội, nơi gắn bó cả quãng trưởng thành đầu đời, với những kỷ niệm khó quên.

Là người lưu giữ rất nhiều kỷ niệm về Hà Nội, ông Phan Văn Bảo, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh kể lại, năm 1978, ông cùng vợ là bà Phan Thị Hòa Bình chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh theo diện điều động cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Hà Nội thời đó, những con phố vắng chạy dài dưới những hàng cây sấu vàng lá mùa thu, hay hàng phượng vĩ đỏ hoa mùa hạ. Nón lá trắng của những cô gái Hà thành tô điểm cho Bờ Hồ leng keng tàu điện trở nên thơ hơn, giúp cho đường Thanh Niên lộng gió chiều hồ Tây bớt phần vắng lặng.

Còn thành phố Hồ Chí Minh thì khác. Ba năm sau ngày giải phóng, vợ chồng ông Bảo đặt chân đến thành phố sôi động nhất đất phương Nam, quanh năm tràn nắng. Những con đường rộng thênh thang thẳng tắp, người xe nhộn nhịp qua lại, giọng người phương Nam ăn to nói lớn.

Những ngày đầu ở mảnh đất mới với vợ chồng ông Bảo quả thật rất khó khăn. “Chúng tôi ở nhà tập thể, mua thực phẩm, đồ dùng qua chế độ tem phiếu. Thứ quý giá nhất trong bếp chính là hũ mỡ, tích trữ sau những lần lọc mỡ từ miếng thịt lợn phân phối nho nhỏ, lâu lâu mới có. Khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng lạ một điều là không ai thấy nản. Công việc là trên hết và chúng tôi toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình…”, ông Bảo nhớ lại.

Vợ chồng ông Bảo nằm trong số những người đầu tiên xây dựng nên Khoa Tiếng Nga của Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10-1978. Giờ đây, sau 41 năm hình thành, Khoa Tiếng Nga đã phát triển thành một trong những khoa chuyên môn nổi bật, với 4 tổ bộ môn. Đội ngũ 20 giảng viên của Khoa Tiếng Nga là những tiến sĩ, thạc sĩ tiếng Nga, tiếng Anh, đào tạo ra những cử nhân sư phạm, cử nhân ngôn ngữ tiếng Nga và cử nhân cao đẳng sư phạm, cao đẳng ngôn ngữ tiếng Anh, góp phần phát triển nguồn nhân lực đa dạng về chuyên môn và trình độ cho thành phố Hồ Chí Minh.

“Dù xa Hà Nội đã lâu, nhưng gia đình tôi vẫn giữ những thói quen của người Hà Nội. Các con trai của chúng tôi, cả những cháu sinh ra, lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh, vẫn nói giọng Hà Nội đấy”, ông Bảo tự hào khoe.

Câu chuyện của ông Bảo khiến chúng tôi tò mò về những người Hà Nội thuộc thế hệ 8X đang sinh sống và làm việc tại thành phố mang tên Bác. Không thể hình dung được người con gái nhỏ nhắn Bùi Việt Hà lại có thể đảm đương một khối lượng công việc lớn đến vậy trong 24 giờ mỗi ngày: Đầu mối liên lạc với hơn 40 đầu báo, tạp chí, trang tin về đổi mới sáng tạo; giảng viên báo chí truyền thông; biên tập viên và dẫn chương trình kinh tế của một kênh truyền hình; tham gia đội ngũ tư vấn truyền thông cho những doanh nghiệp lớn; tổ chức tin, bài cho 3 chuyên trang về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Cô gái Hà thành sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội và là một Amser chính hiệu, đã có quãng thời gian học đại học tại nước Nga rồi về nước giảng dạy tại Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trước khi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. “Em mới về Hà Nội hôm qua đấy. Trời lạnh rồi, thích lắm, tiếc là có ít thời gian quá. Em bay chuyến sáng sớm, hưởng trọn 12 giờ với mùa đông rồi lại phải bay đêm về nơi đầy nắng này”, Việt Hà kể say sưa.

Nối nhịp cầu Bắc - Nam

Bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ Nguyễn Bính, luôn cảm thấy tự hào vì mang thương hiệu bún Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) vào trời Nam. Bà cho biết, khi chưa tròn 18 tuổi, vào năm 1987, đã một mình lặn lội đến đất Long Thành (Đồng Nai) để vừa học trung cấp, vừa mưu sinh kiếm sống.

Những ngày đầu xa quê, bà phải đi làm thuê từ rửa bát, bưng bê, đến chặt mía, bán thịt ở chợ..., cốt chỉ để có tiền đóng học phí và chi trả chi phí sinh hoạt mỗi ngày. Thời gian trôi qua, bà thấy làm vất vả nhưng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, nên quyết định quay về với nghề tổ của ông cha là làm bún.

Bà tự hào vì thương hiệu bún tươi Nguyễn Bính thực sự đã lan tỏa đến khắp miền đất phương Nam. Bà chia sẻ: “Bố tôi mừng lắm, khi hay tin tôi trở về nghề tổ, ông đi chặt tre, làm phên phơi bún và gửi tàu hỏa vào Nam cho con gái...”.
Không mang được sản vật đất Bắc vào Nam như bà Bính, nhưng doanh nhân Lê Sỹ Nhật, Giám đốc Công ty Tân Bảo Sài Gòn lại Nam tiến với nhiệt huyết tuổi trẻ và vốn kiến thức của một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. “Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm trước chỉ với vốn kinh nghiệm những năm kinh doanh ngoài Bắc, mối quan hệ, nhà cửa, hiểu biết thị trường là con số không. Nhưng ngay khi đặt chân đến thành phố đầy nắng này, tôi đã cảm nhận mình có thể thành công ở đây”, anh Nhật nhớ lại.Trong gian phòng ấm nắng phương Nam, vợ chồng anh Lê Sỹ Nhật say sưa kể những câu chuyện mà trong đó, hình ảnh Hà Nội luôn hiện lên sắc nét với những gánh hàng hoa len lỏi từng ngõ nhỏ, nét quyến rũ mùa thu riêng có của Hà thành. Vợ chồng anh cũng là những thành viên tích cực, phát triển nhóm 91-94 ở thành phố Hồ Chí Minh sôi động này.

Khi nói về công việc của mình, Lê Sỹ Nhật kể cho chúng tôi nghe việc doanh nghiệp của anh đã năng động ra sao, nỗ lực thế nào để có thể được đảm nhận việc thiết lập hệ thống an ninh bảo vệ các mục tiêu trọng điểm suốt từ Bắc vào Nam, cho cả các đơn vị trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. 

Hướng về Hà Nội

Có một nét chung mà chúng tôi thấy, đó là giữa nơi phồn hoa đô thị ngập tràn nắng gió, hào sảng sông nước miền Nam, những người Tràng An vẫn luôn giữ cốt cách của mình. 

Chậm rãi và kỹ càng pha một ấm trà ướp sen, cẩn thận đổ dòng nước nóng tràn ngoài ấm sau khi đậy nắp, bà Huỳnh Thị Mỹ Thành, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh nói: “Nhập gia phải tùy tục nhưng những gì thuộc nếp nhà phải giữ, giữ cho mình, cho con, cho cháu. Con cái vào mâm cơm phải giữ nếp lễ phép với người lớn; ngày giỗ, ngày Tết làm cỗ giữ đúng phép truyền thống”.

Chúng tôi nhớ lại câu chuyện ông Phan Văn Bảo đã chia sẻ: “Trong những ngày Tết đến Xuân về, bao giờ gia đình cũng luôn duy trì cái nếp là phải có đủ bánh chưng, giò thủ, món canh măng, xôi gấc... Không những vậy, vợ chồng dù lớn tuổi cũng phải cố gắng lặn lội ra Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), hay Công viên Tao Đàn (quận 1), Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) và các điểm bán đào Nhật Tân để mua về trưng Tết cho bằng được. Đến ngày mùng Một, cả đại gia đình sum vầy để mọi người mừng tuổi và chúc sức khỏe, may mắn cho mỗi thành viên.

Nếp riêng ấy không chỉ gia đình bà Thành hay ông Bảo mà không ít gia đình người Hà Nội sống ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì bấy lâu nay như cái cách để luôn giữ trong mình hình ảnh quê hương. Cũng vì lẽ đó mà giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có những tiệm bán thực phẩm đậm chất Hà Nội ở khu Hòa Hưng (quận 3), đường Hàm Nghi (quận 1)... Cận Tết, những địa chỉ này rất đông khách. Không khí mua sắm Tết tất bật, nhiều nơi mở cửa tới khuya để phục vụ nhu cầu của những người Hà Nội xa quê.

Còn nhiều nữa những người Hà Nội đang ngày đêm đóng góp cho sự phát triển chung của mảnh đất Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Đó là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, người cùng với đồng đội phá gần 90% các vụ trọng án nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2019; là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, một trong những phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam… Các anh không muốn nói về mình, nhưng chúng tôi, những người đi tìm những người con Hà Nội ở đất phương Nam không thể không nhắc đến.

Với người Hà Nội ở trời Nam, cốt cách “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” luôn không thể lẫn đi đâu được...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người con Hà Nội ở trời Nam