Nét đẹp từ những gia đình đa thế hệ

Diên Khánh| 27/12/2019 06:11

(HNMCT) - Gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” từng rất phổ biến, nhưng trước sự thay đổi của cuộc sống, ngày càng ít những gia đình đa thế hệ. Tuy nhiên, ở Thủ đô Hà Nội hiện nay vẫn còn không ít đại gia đình đa thế hệ sống êm ấm trong một không gian chung. Nét đẹp, nền nếp gia phong của những đại gia đình ấy đã góp phần tích cực vào xây dựng gia đình văn hóa, bồi đắp nét đẹp văn minh, thanh lịch của thành phố.

Bà Hoàng Thị Yên hướng dẫn các cháu ôn bài.

Giữ nền tảng gia đình

Không gặp thì khó mà biết được cuộc sống của những đại gia đình đa thế hệ như thế nào, và cũng chẳng thể hình dung đến nay vẫn có những đại gia đình nhiều người cùng chung sống dưới một mái nhà nhưng vẫn rất hạnh phúc.

Tôi đã nhiều lần đến thăm ngôi nhà cổ của bà Hoàng Thị Yên ở làng Tây Mỗ (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Khuôn viên cùng với nếp nhà cổ, nhà thờ của dòng họ do bà Yên gìn giữ đến nay vẫn là một điểm đến của nhiều đoàn làm phim. Đặc biệt, gia đình bà vẫn sống ấm cúng, đa thế hệ. Bà Yên sinh được ba con là Nghiêm Xuân Tuấn Sơn, Nghiêm Xuân Hà và Nghiêm Thị Cẩm Bình. Tất cả đã dựng vợ, gả chồng, có chức vị nhưng vẫn ăn chung cùng mẹ.

Bà Yên bảo rằng, các con bà sống rất đoàn kết, hiếu thuận. Vậy là ba tổ ấm nhỏ của các con bà đều quây quần trong không gian lớn, làm thành đại gia đình. Điều đặc biệt, các thành viên giao tiếp với nhau, chăm sóc nhau thường ngày rất nhã nhặn, từ tốn, đầy tình thương.

Bà Yên chia sẻ thêm: “Xem trên ti vi, chứng kiến ngoài xã hội nhiều sự đổ vỡ, văn hóa và nền nếp gia đình lỏng lẻo nên tôi và các con đều có quan điểm chung là phải luôn giữ ấm cho đại gia đình. Càng hiếm có gia đình như thế này thì càng phải giữ gìn. Chỉ có thế thì việc giáo dục các cháu, chắt sau này mới dễ dàng, bọn trẻ mới có nền tảng đạo đức tốt”.

Còn anh Nghiêm Xuân Tuấn Sơn, con trai thứ của bà Yên cho hay: “Chúng tôi noi gương mẹ không chỉ bởi cách ứng xử tốt, lễ nghĩa với hàng xóm, người bệnh tật, người mất trong làng mà còn noi gương mẹ ở tình yêu nghệ thuật và tinh thần giúp đỡ người khác. Có khi đoàn làm phim về quay cả tháng, đạo cụ, diễn viên đầy nhà, mẹ vẫn vui vẻ hỗ trợ. Chúng tôi phải đi sơ tán, còn lúc cần thì giúp mẹ phục vụ đoàn. Cuộc sống có xáo trộn đấy, nhưng mà rất vui”.

Không đông đúc nhưng gia đình “tứ đại đồng đường” của cụ Nguyễn Văn Diệu ở phường Giang Biên (quận Long Biên) lại có một nếp sinh hoạt khá ấn tượng. Phần kinh tế chủ đạo do vợ chồng con trai cả của cụ lo, tiền “đối nội, đối ngoại” thì đích thân cụ Diệu lo, còn tiền lương của vợ chồng cháu trai được phép giữ làm vốn cho sau này.

Cụ Nguyễn Văn Diệu bảo rằng, ở phường Giang Biên hiện có tới 40 gia đình sống bốn thế hệ. Ngày Tết không khí rộn ràng, ấm cúng lan tỏa trên quê hương Giang Biên. Gia đình cụ Diệu năm nào cũng giữ nếp gói bánh chưng, chuẩn bị mua sắm cho Tết thật chu đáo.

“Dù làng đã lên phố nhưng nấu bánh chưng bằng củi vào tối 28 tháng Chạp vẫn tạo được không khí thú vị. Bao giờ tôi cũng chuẩn bị đào, quất, thủy tiên vào dịp này. Đó là một trong những nét đẹp của người Hà Nội phải giữ, như là giữ cái nền tảng của gia đình. Các loài hoa sẽ làm không khí trong nhà trở nên rực rỡ hơn”, cụ Diệu chia sẻ.

Bí quyết để hạnh phúc

Ở vùng ngoại thành Hà Nội, chuyện sinh hoạt cũng đỡ áp lực, bởi dẫu sao vẫn còn có những phần không gian riêng, như kiểu xây nhà trên - nhà dưới, nhà chính - nhà phụ. Nhờ thế có đủ không gian để hàng chục người của ba, bốn thế hệ sinh sống.

Thế nhưng, ở trên những con phố chật chội, nhất là phố cũ, phố cổ, không gian hẹp hơn, gia đình “tứ đại đồng đường” sống ra sao? Tôi đã gặp không ít gia đình “tứ đại đồng đường” nền nếp, gia phong, người trước trao truyền cho người sau sự nhẫn nhịn, đức hy sinh để rồi cùng làm lan tỏa giá trị gia đình. Như gia đình cụ Lê Thị Quỳ ở phố Nguyễn Khuyến. Không gian của gia đình là ngôi nhà cổ, rộng, xây từ thời Pháp vô cùng yên tĩnh, đầm ấm, khác xa so với những dãy nhà hiện đại, ồn ã ở sát đường phố. Gia đình cụ Quỳ không muốn phá bỏ nhà cổ, cũng bởi muốn giữ gìn sự trầm lắng, bình yên nơi ngôi nhà cổ, di sản quý giá mà các đời trước để lại.

Cụ Quỳ sinh được 6 người con, gồm 5 trai, 1 gái. Tất cả đều đã trưởng thành, lập gia đình và có địa vị nhất định trong xã hội. Để gia đình hòa thuận, cụ Quỳ luôn nhắc con cháu phải có trách nhiệm với gia đình chung. Khi mỗi thành viên đều có trách nhiệm với gia đình thì ra ngoài xã hội, cũng sẽ có trách nhiệm với bản thân, với công việc.

Đại gia đình cụ Ngô Thế Chiện ở phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) với hơn 20 thành viên cũng rất đáng nể. Tiếp chúng tôi, ông Ngô Thế Phổ, con trai cả của cụ Chiện kể rằng, ngôi nhà này khá rộng lớn, có bốn tầng, được ông nội ông mua từ cách đây gần 100 năm. Theo thời gian, nhà có cũ đi nhưng sửa chữa, cải tạo lại thì các thành viên vẫn có điều kiện sống quây quần bên nhau. Ngôi nhà có rất nhiều kỷ niệm nên dù các con ông Phổ có điều kiện kinh tế cũng không muốn ra ở riêng.

“Thú thật ra ở riêng thì dễ, nhưng giữ nếp nhà, giữ nền tảng và mối quan hệ khăng khít trong gia đình mới khó. Ở thế này, người này bảo người kia, lúc ốm đau thì mỗi người một cách giúp đỡ”, ông Phổ nói thêm.

Một đại gia đình khác khá nổi tiếng là của cụ Nguyễn Thị Tề ở số nhà 24 Hàng Cân. Cụ Tề có hai con gái lấy chồng và ở nơi khác, còn ba người con trai lấy vợ, sinh con rồi cũng ở luôn cùng bố mẹ. Cụ bảo rằng, con cái cụ muốn duy trì một nếp sống giản dị, có người thân xung quanh nên chẳng ai muốn xa nhau!

Vậy điều gì đã giúp những đại gia đình sống hòa thuận, đoàn kết? Tôi đã hỏi nhiều thành viên của các gia đình mình đến thăm và đều nhận được câu trả lời là phải có sự nhường nhịn, hy sinh, sống vì nhau và muốn ở bên nhau.

Bà Nguyễn Thị Kim Quy (sinh năm 1955), con dâu trưởng của cụ Nguyễn Thị Tề ở số nhà 24 Hàng Cân chia sẻ: “Tôi về làm dâu gia đình này từ năm 1974, sống dưới một mái nhà với rất nhiều người. Nói thật là đại gia đình có ba người con dâu, ít nhiều cũng có chuyện nọ chuyện kia nhưng bố mẹ chồng tôi là tấm gương sáng về đức hy sinh. Bố mẹ tôi giải quyết rất êm thấm mọi phát sinh trong nhà, phân công rõ công việc nhà cửa, lo chuyện kinh tế, chi tiêu cho đại gia đình khiến chúng tôi rất kính nể. Một điều nữa là các con dâu cũng coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ”.

Để có những gia đình đa thế hệ luôn giữ được hòa khí, không có tiếng cãi vã khó lắm thay. Bởi dù thế nào thì trong sinh hoạt hằng ngày không thể không có các va chạm, bát đũa xô lệch. Song như chia sẻ của nhiều người trong cuộc, quan trọng là việc giáo dục nền nếp cho con cháu, khích lệ tinh thần học tập của lớp trẻ phải được duy trì. Tiếp đó là việc giải quyết bất hòa, nếu có, cần dựa trên tinh thần chia sẻ, công tâm, rối đâu gỡ ngay ở đó.

Cụ Nguyễn Thị Tề ở 24 Hàng Cân diễn giải thêm: "Mỗi thành viên là mỗi cá tính, không hài lòng cái gì thì phải nói thẳng, góp ý cho nhau để sửa. Vợ chồng tôi dạy các con cháu rằng, vợ chồng không được xưng hô "mày" - "tao". Người Hà Nội mà, ăn nói thanh lịch, không to tiếng, không thô tục, sỗ sàng. Trò chuyện với ai cũng thể hiện sự tôn trọng. Các cụ xưa dạy rồi, lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Chung chia sẻ ấy, chị Bùi Thị Thủy, con dâu lớn của bà Hoàng Thị Yên (làng Tây Mỗ) chia sẻ: “Ở gia đình nào bố mẹ sống nghiêm túc, dạy bảo con cái tử tế thì phần lớn con cái ngoan ngoãn. Mẹ chồng tôi được hồng phúc tổ tiên nên con cháu đều biết giữ đạo nhà”.

Là người nhiều năm nghiên cứu về gia đình, giới và từng có thời gian được sống trong gia đình “tứ đại đồng đường”, Giáo sư Lê Thị Quý, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, chia sẻ rằng: “Dù nhiều gia đình trải qua khó khăn về vật chất nhưng nếu duy trì được tinh thần hiếu đễ thì gia đình đó êm ấm. Hiếu, tức là con cái có hiếu với cha mẹ. Đễ, tức là anh em như thể tay chân. Ngoài ra, nền tảng của gia đình còn có phần của tình yêu chung thủy của các cặp vợ chồng, có nhân nghĩa”.

Gia đình là tế bào của xã hội. Dưới những nếp nhà gia phong được gìn giữ, chắc chắn sẽ có những người thành đạt, sống trách nhiệm với xã hội. Họ vẫn từng ngày gìn giữ phong cách sống tương hỗ, đoàn kết. Phải chăng đó là một cách cụ thể, hiệu quả để xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa, góp phần xây dựng thành phố văn minh, thanh lịch?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp từ những gia đình đa thế hệ