Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu

Vĩnh Hà| 15/11/2019 15:50

(HNNN) - 17 năm gắn bó với nghề “trồng người”, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp (Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai) không chỉ được biết đến là một giáo viên giỏi về chuyên môn mà còn là một người có trái tim nhân hậu, hết lòng vì học sinh thân yêu, đặc biệt là những học sinh bị tự kỷ. Mới đây cô Nguyễn Thị Bích Diệp đã đón nhận niềm vui lớn khi được ngành Giáo dục Hà Nội trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm học 2018 - 2019”.

Cô Nguyễn Thị Bích Diệp trong một tiết học ở Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai.

Những trăn trở

Sinh năm 1981, có cha là một nhà giáo nên từ nhỏ cô bé Nguyễn Thị Bích Diệp đã nuôi mơ ước nối nghiệp cha. Thi đỗ vào khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, suốt 4 năm theo học, Diệp luôn đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc với nhiều tìm tòi, nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, các trò chơi học tập để tiết học thật sự sinh động, cuốn hút. Đây cũng là quãng thời gian cô làm gia sư cho một số học sinh, trong đó có những bé mắc chứng tự kỷ.

Năm 2003, cô Nguyễn Thị Bích Diệp tốt nghiệp Đại học Sư phạm 2 với điểm 10 tuyệt đối cho đề tài khoa học Sử dụng trò chơi toán học nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng dạy học cho học sinh tiểu học. Ra trường, được biên chế vào Trường Tiểu học Tân Mai, cô đã dồn hết tâm huyết đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp quận, nhiều năm liền có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải C cấp Thành phố. Cô tham gia thi Thiết kế bài giảng Elearning, dạy học trực tuyến cấp Thành phố và có sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo quốc gia. Quan tâm tới mọi học trò, cô đã phát hiện và bồi dưỡng các học sinh khá giỏi, năng khiếu, tạo động lực để các em tham gia nhiều kỳ thi. Chỉ riêng năm học 2018 - 2019, học sinh của cô đạt 16 giải quốc tế tại cuộc thi Toán học không biên giới, 1 giải Khuyến khích cuộc thi viết chữ đẹp toàn quốc “Nét chữ - Nết người” và nhiều giải thưởng khác.

Mặc dù vậy, điều luôn khiến cô Diệp trăn trở là làm sao giúp đỡ những học sinh thiệt thòi bị tự kỷ, tăng động trong lớp của mình có thể phát triển bình thường và hòa nhập với các bạn. Trong quá trình làm nghề cô Diệp nhận thấy ngày càng nhiều con trẻ mắc các chứng bệnh tự kỷ, phổ tự kỷ, tăng động, giảm tập trung và đáng ngại hơn là nếu không can thiệp sớm thì tình trạng bệnh của các bé sẽ ngày càng nặng thêm. Thực tế ấy đã thôi thúc cô tìm mọi cách hỗ trợ trẻ đặc biệt này. Để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm dạy dỗ trẻ tự kỷ, cô Diệp tham gia Câu lạc bộ Hội Cha mẹ có con tự kỷ tại Hà Nội, rồi thường xuyên đến các trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ, tham gia các khóa học, tìm hiểu tài liệu về trẻ tự kỷ của nước ngoài... Từ việc chủ động tiếp cận những kiến thức đặc biệt này và trên hết là bằng tình yêu thương hết mực với các học trò tự kỷ, cô Diệp đã từng bước đồng hành cùng các trẻ tự kỷ trong lớp vượt lên bệnh tật, học tập và hòa nhập cộng đồng.

Nỗ lực vì trẻ tự kỷ

Kể về những học trò đặc biệt của mình, cô Diệp chia sẻ: “Mỗi học trò mắc bệnh tự kỷ, tăng động có tâm tính, dạng bệnh khác nhau. Có học sinh ở dạng nặng vô thức ngay cả ở việc đi vệ sinh. Lại có em không thể cầm nắm vật gì. Nhiều bé gần như không hiểu cô chỉ dạy điều gì, cũng không giao tiếp, chuyện trò với cô và bạn”. Trong giờ học, cô luôn dành sự quan tâm uốn nắn các trẻ tự kỷ, tăng động từ cách cầm bút, viết bài, giúp trẻ hiểu từng bài đọc, cách làm toán. Lúc ra chơi hay giờ nghỉ trưa, cô chủ động trò chuyện, gần gũi, động viên để hiểu hơn và có phương pháp giáo dục cụ thể với từng trò. Những khi chuyển mùa có bé trở nên khó ăn, khó ngủ, khóc, bứt rứt khó chịu, đôi lúc còn đập đầu vào tường, cô Diệp lại dịu dàng ôm ấp, xoa lưng, vỗ về như người mẹ để bé bớt căng thẳng hơn. Cô còn động viên các phụ huynh và các học trò khác cùng hỗ trợ các bạn tự kỷ hòa nhập với tập thể lớp. Nhiều học sinh đã hưởng ứng cùng dạy và chơi với các bạn tự kỷ. Chính tình cảm, sự giúp đỡ trong sáng ấy đã tác động đến cả các phụ huynh cùng giang rộng vòng tay với trẻ tự kỷ. Sự sẻ chia theo đó lan tỏa.

Trước khi trở thành học sinh lớp 2A2 của cô Diệp vào năm học 2018 - 2019, bé Huỳnh Nhật Phương vốn đã mắc bệnh tự kỷ, tăng động, giảm tập trung. Trong giờ học Phương chỉ ngồi lặng lẽ, không nói, không viết, không quan tâm đến ai. Giờ ra chơi cô Diệp tranh thủ nói chuyện với bé: “Cô không yêu cầu con phải học nhanh, học giỏi. Cô thích nhất là thấy con viết đẹp cho cô nhìn”. Tuy Phương đã học lớp 2 nhưng cô Diệp vẫn phải cầm tay bé viết từng chữ. Cô còn thủ thỉ với Phương về các bạn trong lớp và sự yêu thương dành cho Phương. Cô Diệp vận động các bạn nữ trong lớp giúp đỡ, trò chuyện với Phương mỗi ngày. Sau vài tháng được cô và các bạn kiên nhẫn chia sẻ, bệnh tự kỷ của bé Phương dần ổn định, bé đã tập trung hơn, biết lắng nghe cô giáo giảng bài. Đến hết học kỳ I Phương bắt đầu mở lòng, nói chuyện với bạn ngồi bên cạnh. Kết thúc năm học 2018 - 2019 vừa qua, Phương đã tiến bộ rõ nét, chữ viết đẹp hơn, học tập tốt hơn và đặc biệt đã nói cười vui vẻ cùng các bạn trong lớp.

“Con rất yêu cô Diệp vì cô đã giúp con viết bài, làm toán, cùng các bạn yêu quý và chơi với con” - đó là những lời nói chan chứa yêu thương, biết ơn của bé Huỳnh Nhật Phương về cô giáo của mình. Bằng tình yêu thương, sự bền bỉ không ngừng nghỉ, suốt 17 năm qua, cô Nguyễn Thị Bích Diệp đã đồng hành với hàng chục trẻ tự kỷ như bé Phương, từng bước giúp các em vượt lên bệnh tật, hòa nhập với cộng đồng. Có những trò mắc bệnh tự kỷ nặng được cô theo sát suốt 14 năm qua và hiện vẫn đang được cô quan tâm, giúp các em ngày càng hoàn thiện chính mình.

Truyền lửa đam mê

17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, trong đó có nhiều năm đồng hành với trẻ tự kỷ, cô Diệp nhận thấy là trên mạng Internet có nhiều bài tập, nhiều cuộc thi dành cho học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, thế nhưng lại chưa có phần mềm hay trang web nào dành riêng cho trẻ tự kỷ, trẻ khó hòa nhập. Thực tế đó khiến cô trăn trở và dành nhiều thời gian mày mò xây dựng phần mềm cho trẻ khó hòa nhập. Kết quả là một phần mềm có tên ISPRING SUITE 9.7 kết hợp với PowerPoint ôn luyện hỗ trợ trẻ tăng động, giảm tập trung, trẻ tự kỷ nâng cao nhận thức, hòa nhập cộng đồng đã ra đời. Đây là phần mềm mới lạ, giúp học sinh chậm phát triển có thể tự giác học mà chơi, chơi mà học. Với phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước mà không cần Internet, phụ huynh có thể giám sát con làm bài, sao lưu kết quả và tương tác với giáo viên. Nhờ đó việc học tập của trẻ tự kỷ trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn, giúp các em nhanh chóng hòa nhập với bạn bè, xã hội.

Theo cô Diệp, giáo dục chưa bao giờ là việc dễ dàng, và công việc dạy những trẻ đặc biệt lại càng là thách thức lớn. “Đã có những lần tôi bật khóc vì bất lực, nhưng rồi càng gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt ấy, tôi càng thấy thương các em hơn và tâm niệm sẽ phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để giúp đỡ các em” - cô Diệp tâm sự. Phụ huynh Nguyễn Thị Thu Hương xúc động chia sẻ: “Cô Diệp là điểm tựa vững chắc cho mọi học sinh, là trung tâm kết nối các phụ huynh. Cô là người giỏi về chuyên môn, yêu thương học trò hết mực, tôi rất nể trọng nhân cách, lối sống đầy tình người của cô Diệp”.

Nói về người đồng nghiệp trẻ của mình, nhà giáo Bùi Thị Thu Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết: “Cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp là một tấm gương sáng về tinh thần, trách nhiệm, sự đam mê, tận tụy với nghề. Ngọn lửa đam mê ấy đã lan tỏa trong đội ngũ giáo viên nhà trường, góp phần thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua... Nhờ vậy chất lượng dạy và học trong nhà trường luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Không chỉ là trường chuẩn quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội, liên tục nhiều năm qua Trường Tiểu học Tân Mai là trường tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố, nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và là lá cờ đầu của ngành Giáo dục Thủ đô”.         

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu