Hoàng Nhuận Cầm viên xúc xắc của mùa thu Hà Nội

Lưu Vân| 07/11/2019 09:53

(HNMCT) - Là gương mặt quen thuộc trên văn đàn Việt Nam, Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng với các bài thơ tình được độc giả yêu thích như Chiếc lá buổi đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu... Ông còn là nhà biên kịch với 3 tác phẩm về đề tài chiến tranh, lịch sử đã được dựng thành phim: Hà Nội mùa đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri và nhất là một vai diễn hài kịch “để đời” - vai "bác sĩ Hoa Súng".

Với những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực văn học nghệ thuật gắn liền với cái tên Hoàng Nhuận Cầm, viết về ông bây giờ thật khó, vì thế bài viết này chỉ khắc họa “một góc” Hoàng Nhuận Cầm trong cảm nhận của riêng tôi - một người đàn ông Hà Nội trong trẻo, đáng yêu như mùa thu xứ Bắc.

1. Hoàng Nhuận Cầm sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông nói rằng suốt tuổi thơ may mắn được sống bên Hồ Gươm nên ông không tài nào “thoát” ra khỏi không gian Hà Nội mỗi lần sáng tác. Có lẽ đó là lý do Hà Nội luôn thấp thoáng trong thơ Hoàng Nhuận Cầm. Bài thơ nào của ông, mặc dù không gọi tên phố, tên phường nhưng trong mỗi câu thơ, dòng thơ đều giữ được nét hào hoa, hồn cốt Hà Nội. Đặc biệt, đó là một Hà Nội hoàn toàn không có “bụi bặm” của thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Có phải là do ông không bận tâm thời thế mà chỉ ôm mộng quá khứ?” - “Tôi yêu nghệ thuật, yêu thơ đến muốn chết và mê điện ảnh đến phát mệt. Hai yếu tố này đã kết hợp, tạo cho tôi tình yêu cuộc sống và tình yêu đó thể hiện ở những cái gần gũi nhất với mình là gia đình và Hà Nội. Tôi cảm thấy tình yêu ấy luôn mới mẻ như ban đầu và tôi muốn dùng thơ ca cũng như điện ảnh để thanh lọc tất cả những cái xô bồ, nhằm tìm lại một Hà Nội ngàn năm văn hiến”, Hoàng Nhuận Cầm trả lời.

Có thể nhiều người nghe thấy Hoàng Nhuận Cầm nói thế sẽ buông một tiếng thở dài... ngao ngán: “Ôi ông này sống ảo, mơ mộng và cổ lỗ sĩ quá”. Thực tế lại không phải như vậy. Hoàng Nhuận Cầm có Ipad và chơi facebook rất thạo. Ông cập nhật facebook thường xuyên với nickname “Hoàng tử Bùn”. Hoàng Nhuận Cầm ngủ ít, những lần đi cùng ông và đoàn nghệ sĩ điện ảnh giao lưu với các chiến sĩ bộ đội, công an, thương bệnh binh, học sinh, sinh viên và khán giả ở các tỉnh xa, tôi đã biết được điều đó.

Người đàn ông nhỏ thó, đến bữa hầu như ăn rất ít, đêm càng ít ngủ, trước mỗi buổi giao lưu, chúng tôi từng lo Hoàng Nhuận Cầm sẽ không đủ sức để trụ được trên sân khấu. Nhưng như có phép lạ, khi cầm micro trên tay Hoàng Nhuận Cầm lập tức biến thành người khác. Nói vui một cách dân dã là giống như ông “bị nhập”. Ông nói say sưa, ở phía dưới, những chiến sĩ trẻ mười tám đôi mươi - hệt như lứa tuổi của ông cách đây mấy chục năm cùng bạn bè xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ - im lặng tuyệt đối lắng nghe như nuốt lấy từng lời từng câu của ông, để rồi họ vỡ òa trong những trận cười đầy xúc động. Kết thúc buổi giao lưu, Hoàng Nhuận Cầm lại trở về trạng thái cũ, lại trầm ngâm không ngủ, ít ăn. Chúng tôi nể phục ông rất nhiều.

2. Với thơ, Hoàng Nhuận Cầm được yêu thích cuồng nhiệt. Đặc biệt là bài thơ Chiếc lá buổi đầu tiên. Nói không quá lời, đây có lẽ là bài thơ được ghi vào trong tất cả các cuốn sổ lưu bút của những thế hệ học trò cuối cấp, thay cho lời tiễn biệt thời áo trắng. Khi tôi hỏi ông về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, căn nguyên giai thoại có lần Hoàng Nhuận Cầm trở về trường cũ và đọc Chiếc lá buổi đầu tiên, nhiều nữ sinh viên đã khóc vì cảm động và lập tức... yêu anh từ giây phút ấy, Hoàng Nhuận Cầm trả lời: “Có bài thơ tôi viết rất nhanh. Ví dụ bài Sông Thương tóc dài tôi viết trong vòng 5 phút trên vỏ bao thuốc lá, riêng bài này tôi viết trong 10 năm. Khổ đầu tiên được viết vào năm đầu tiên tôi vào đại học, khi vừa mới bước qua “tuổi khăn quàng, phấn trắng, nắng vô tâm”.

Khổ tiếp theo tôi viết khi nhập ngũ. Lúc đó là những cảm xúc đã được chắt lọc qua thời gian cùng nỗi nhớ trường lớp, bạn bè, thầy cô, nhớ về tuổi học trò tuổi thần tiên. Cho đến khổ cuối cùng là thời điểm sau ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, tôi trở lại khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp tiếp tục cuộc đời sinh viên. Trong khoảnh khắc đứng lặng lẽ trên sân trường, tôi biết rằng tất cả tuổi thanh xuân đã gửi lại ở trong những cánh rừng lửa đạn, còn trước mắt mình là thế hệ tiếp nối và khi ấy, tôi thực sự thốt nên: “Em đã yêu anh anh đã xa rồi/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoành lại/ Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên”.

Hoàng Nhuận Cầm và các diễn viên đóng vai 4 nhân vật chính trong phim Mùi cỏ cháy.

Nếu thơ Hoàng Nhuận Cầm mềm mại, trữ tình, êm dịu thì các kịch bản của ông lại luôn... rực lửa. Mùi cỏ cháy là ví dụ tiêu biểu. Đó là bức tranh về thế hệ vàng, là cuốn nhật ký bằng hình ảnh với 4 nhân vật chính Hoàng - Thành - Thăng - Long từ nguyên mẫu có thật mà nhân vật Hoàng là Hoàng Nhuận Cầm, Thành là Vũ Đình Văn, Thăng là Nguyễn Văn Thạc và Long là Hoàng Thượng Lân. Với Mùi cỏ cháy, Hoàng Nhuận Cầm muốn gửi thông điệp tới các bạn trẻ, rằng tuổi trẻ mỗi thời mỗi khác, nhưng Tổ quốc chỉ có một thôi, như mong ước của liệt sĩ Vũ Xuân gửi đến thế hệ trẻ hôm nay: “Tôi chỉ mong một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau này, là đừng bao giờ làm hoen ố máu của những người đi trước!”.

3. Mỗi lần đến các tòa soạn báo, Hoàng Nhuận Cầm thường xin một vài số báo, tạp chí mới. Ông mang theo trong các chuyến đi giao lưu và dùng làm quà tặng cho khán giả. Chứng kiến những chiến sĩ bộ đội trẻ măng, vui mừng được sờ, chạm, nhìn tận mắt “bác sĩ Hoa Súng”, trên tay cầm món quà hết sức dễ thương, tôi lại hình dung ra những buổi chiều muộn, từ cổng 51 Trần Hưng Đạo, một người đàn ông nhỏ bé đi chiếc xe máy đỏ chở theo những cuốn tạp chí in màu có nhiều hình diễn viên ca sĩ, hòa vào dòng người trên phố trở về chuẩn bị hành trang cho những chuyến đi tiếp theo. Là “Hoàng Nhuận Cầm” - “bác sĩ Hoa Súng” - “Hoàng tử Bùn”.

Hoàng Nhuận Cầm luôn giữ được cho mình một tinh thần trẻ trung, nhiệt thành và tâm hồn trong trẻo. Với ông, cuộc sống là không than vãn. Không phải ông thờ ơ với thời cuộc mà ông muốn tận dụng triệt để mối quan tâm, thời gian, ngôn ngữ, thái độ và cả sức lực của mình cho văn học nghệ thuật: “Đối với công việc, tôi luôn là người tận tâm, làm gì cũng đến nơi đến chốn và hết sức cẩn thận. Trong cuộc sống đời thường, tôi là người giản dị, dễ tính nhưng tôi sẽ khắt khe với chính mình trong thơ ca và điện ảnh” Hoàng Nhuận Cầm nói - “Chứ không phải Hoàng tử Buồn muốn né chữ Buồn mà đánh chệch ra Hoàng tử Bùn như nickname facebook?” - “Tôi thích vì chữ Bùn đó vì nó giản dị đúng chất của tôi. Còn sở dĩ tôi không dùng tên thật vì sẽ có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên yêu thơ tôi kết bạn. Tính tôi vốn cẩn thận, không trả lời được thì áy náy còn nếu trả lời thì tôi không còn thời gian làm việc nữa nên phải nấp đi sau tên Hoàng tử Bùn để không bị lộ danh tính mà vẫn liên lạc được với mọi người”.

Không chỉ là người có khả năng truyền lửa trong tác phẩm nghệ thuật, thơ ca, điện ảnh và trong các buổi giao lưu, Hoàng Nhuận Cầm còn là người cha cần mẫn, chăm sóc các con đến nơi đến chốn dù các con ông đều đã trưởng thành. “Tôi chỉ muốn truyền cảm hứng của một thời rất đẹp mà tôi đã được trải qua cùng với Nguyễn Văn Thạc xếp bút nghiên lên đường ra trận. Tôi rất muốn giữ ngọn lửa ấy cháy mãi cùng tuổi thanh xuân bất chấp tuổi tác cũng như thời gian. Nói một cách công bằng tôi thấy tôi, kể cả nội dung lẫn hình thức vẫn cứ... đẹp giai, có cái tướng của người luôn muốn cống hiến, đầy đam mê và không bao giờ bi quan trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có lẽ cuộc đời bộ đội đã rèn luyện cho tôi luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh và vươn lên phía trước với tinh thần dũng cảm của một người nghệ sĩ và nghĩa vụ của một công dân”...

Hoàng Nhuận Cầm là như thế đó, ở vai trò nào, ông cũng cố gắng để có thể khiến người ta rung động như khi bất chợt nhìn thấy viên xúc xắc dưới nắng thu vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Nhuận Cầm viên xúc xắc của mùa thu Hà Nội