Cổ tích giữa đời thường

Dương Linh| 07/10/2019 07:20

(HNM) - Là nhà giáo về hưu giàu lòng nhân ái, 30 năm qua, gia đình ông, bà Vũ Tiến - Vũ Thị Ngọc Oanh đã viết chuyện cổ tích giữa đời thường khi cưu mang, giúp đỡ hàng trăm trẻ em nghèo, mồ côi, không nơi nương tựa trở thành người có ích cho xã hội. “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ” tại số 13 phố Ngô Văn Sở (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) từ lâu đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp, một mái ấm thứ hai dành cho trẻ em kém may mắn.

Từ “Tổ bán báo Xa mẹ” đến “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ”

Khi nhắc đến “Tổ bán báo Xa mẹ”, hẳn nhiều người Hà Nội đã biết đó là nơi cưu mang những đứa trẻ không được sinh ra, lớn lên trong một gia đình đủ đầy và nay vẫn đang hoạt động dưới cái tên “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ”. Bà Vũ Thị Ngọc Oanh cùng chồng là ông Vũ Tiến đã xây dựng ngôi nhà của mình thành nơi nuôi ăn học và chăm sóc, giáo dục hàng trăm trẻ mồ côi, nghèo đói không nơi nương tựa như một gia đình thực thụ suốt 30 năm qua.

Bà Vũ Thị Ngọc Oanh dạy các em nhỏ múa hát sau giờ học văn hóa.

Bà Vũ Thị Ngọc Oanh nhớ lại: “Hơn 30 năm trước, chúng tôi mở quán cơm với mục đích để thêm thắt nuôi con ăn học. Do quán nằm gần chùa Quán Sứ, nên người già, trẻ nhỏ đến xin cơm rất đông. Nhìn những đứa trẻ ốm yếu, mặt mũi nhem nhuốc, đói khát, tôi không khỏi xót xa. Tôi cho chúng ăn và trẻ truyền tai nhau đến quán ngày một đông. Vợ chồng tôi rất vui vì có thể chia sẻ phần nào nỗi bất hạnh, thiệt thòi cùng các cháu, nhưng cũng nhận thấy việc cho trẻ ăn chỉ mang tính tình thế".

Càng tiếp xúc với những số phận bất hạnh, ông, bà càng thấu hiểu và thương cảm. Thời điểm đó, ở Hà Nội có hàng trăm trẻ lang thang, không nơi nương tựa. “Chồng tôi đề nghị tôi nuôi và giúp các cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi chồng tôi vốn cũng là một trẻ lang thang...”, bà Oanh kể lý do xây dựng “Tổ bán báo Xa mẹ”.

Vậy là ngay sau đó, năm 1989, “Tổ bán báo Xa mẹ” ra đời và hoạt động rất hiệu quả. Mọi vốn liếng do vợ chồng ông, bà bỏ ra mua báo và giao cho từng em đi đến các con phố của Hà Nội bán. Tất cả tiền bán báo sau mỗi buổi được chuyển trả lại tổ để tái sản xuất và phục vụ sinh hoạt hằng ngày của các em. “Nhiều cháu coi “Tổ bán báo Xa mẹ” như mái nhà thứ hai. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận ra việc cho các cháu đi bán báo cũng nảy sinh những hệ lụy. Tuổi còn nhỏ, các cháu chưa kiểm soát được hành vi mà đã va chạm với tiền từ sớm, như thế không tốt”, ông Tiến chia sẻ.

Đầu năm 1996, ông, bà Tiến - Oanh quyết định dừng việc cho trẻ đi bán báo và đưa các cháu về ngôi nhà ở số 13 phố Ngô Văn Sở để nuôi dạy. “Tổ bán báo Xa mẹ” được đổi tên thành “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ”. Mục đích chính là để những đứa trẻ mồ côi được học hành, vươn lên thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

Bà Vũ Thị Ngọc Oanh cho biết thêm: “Từng là giáo viên, tôi thấy rằng, các cháu không được ở bên gia đình, không được học văn hóa, không có người kèm cặp, dạy bảo, phải tự kiếm sống ở độ tuổi còn quá nhỏ sẽ không tốt, dễ nảy sinh tật xấu... Thế nên, những cháu nào có thể học lên đại học tôi cũng nuôi, cháu nào muốn đi học nghề, chúng tôi cho đi học, miễn sao khi lớn lên có một nghề để mưu sinh”.

Tiếp nối lòng nhân ái

Một ngày tháng 9-2019, trong căn phòng chừng 25m2, bên cây đàn piano, bà Oanh đang dạy 5 bé gái điệu múa dân gian sau giờ học văn hóa ở trường. Mấy anh chị lớn hơn đi học về, thấy thế cũng ùa vào góp vui. Em Vũ Thị Kiều My vào “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ” từ lúc 5 tuổi cùng hai anh trai. Hai anh của My đã trưởng thành và thành đạt, còn My vẫn đang theo học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Kiều My chia sẻ: “Ông bà đối với chúng em rất tốt. Ông bà nhiều tuổi nên hằng ngày, ngoài việc học trên lớp, em phụ ông bà chở các em nhỏ hơn đi học, giúp chăm sóc các em”.

Để có kinh phí duy trì “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ”, ông, bà Tiến - Oanh mở một công ty kinh doanh du lịch, một quán ăn và quán cà phê. Có kinh phí để duy trì là chuyện không đơn giản, nhưng dạy học, dạy kỹ năng sống cho các em còn khó khăn hơn. Phần lớn các em đến đây hầu như không biết chữ hoặc học hành dang dở. Muốn trẻ quay lại trường học, bà Oanh phải dạy kèm để các em theo kịp chương trình. Khi được hỏi, tại sao bà có thể kiên nhẫn và bao dung để giáo dục trẻ, bà Oanh cười tươi nói: “Mỗi cháu một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau. Có cháu rất ngoan, nhưng cũng có cháu rất bướng. Trong quá trình nuôi dưỡng, phải dạy dỗ bằng tất cả tình yêu thương chân thành, có như thế mới cảm hóa được trẻ”.

Hiện tại, trong căn nhà ở số 13 phố Ngô Văn Sở, ông Tiến và bà Oanh đang nuôi ăn học 10 trẻ nghèo, mồ côi, lang thang. Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, ông Tiến cho biết, gia đình đã hỗ trợ khoảng 600 trẻ em, trong đó có 200 trẻ tham gia “Tổ bán báo Xa mẹ”, 400 trẻ được nuôi ăn học, với tổng chi phí lên đến hơn 20 tỷ đồng. Nhưng điều đáng trân trọng nhất là những đồng tiền đó, phần lớn từ mồ hôi, nước mắt của ông, bà làm ra. “Chúng tôi làm được bao nhiêu thì giúp đỡ các cháu bấy nhiêu. Số tiền tổ chức từ thiện hỗ trợ chỉ chiếm 1/10 chi phí nuôi dạy các cháu”, ông Tiến nói.

Cứ như thế, lớp này trưởng thành lại đến lớp khác. Nhiều trẻ được chăm sóc ở ngôi nhà số 13 phố Ngô Văn Sở đã trở thành công dân có ích cho xã hội. Điển hình như vợ chồng anh chị Nguyễn Minh Phú - Lê Thị Thanh hiện là chủ của ba cửa hàng bánh ngọt lớn ở Hà Nội. “Đối với chúng tôi, bác Oanh như người mẹ thứ hai”, chị Thanh chia sẻ. Tiếp bước ông, bà Tiến - Oanh, vợ chồng chị Thanh cũng thường xuyên làm việc thiện tại “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ”, sẵn sàng tiếp nhận cả trường hợp khuyết tật, tự kỷ vào học nghề.

Từng ấy năm tháng, ông, bà không nhớ hết được số lần vào vai bố, mẹ mang trầu, cau đi hỏi vợ cho các cháu. Khoe với tôi những tấm ảnh cưới của những đứa trẻ được nuôi dạy trưởng thành, bà Oanh tự hào nói: “Tính ra chúng tôi có đến cả nghìn đứa con dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại”.

Giờ đây, ông, bà Tiến - Oanh đều đã gần 80 tuổi, sức khỏe không được như xưa, “Tổ bán báo Xa mẹ” cũng dần chỉ còn trong hoài niệm, nhưng với những người đã sống trong “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ” và nhiều người vẫn không khỏi xúc động trước tấm lòng nhân ái của vợ chồng ông, bà. Thành quả họ vun trồng suốt 30 năm qua giúp xã hội bớt đi những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ thật đáng kính trọng. Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2019 cho bà Vũ Thị Ngọc Oanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ tích giữa đời thường