Hết lòng vì sự bình yên của quê hương

Đỗ Minh| 06/10/2019 08:42

(HNM) - Hình ảnh người cựu chiến binh Lê Văn Long, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Bạch Tuyết (xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức) trong bộ quần áo xanh giản dị, tất bật giải quyết những vụ việc dù to, dù nhỏ đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Đặc biệt, qua câu chuyện họ kể về ông Lê Văn Long với đầy trân trọng và trìu mến, chúng tôi cảm nhận rõ hơn tấm lòng của ông đối với bà con làng xóm và sự bình yên ở vùng quê này.

Ông Lê Văn Long (trái) trao đổi công việc với Bí thư chi bộ thôn Bạch Tuyết.

Không lùi bước trước cái xấu

Thôn Bạch Tuyết (xã Hùng Tiến) hiền hòa nép mình sau những cánh đồng lúa bạt ngàn đang vào mùa gặt, mang đậm hình ảnh của một làng quê thuần nông phía Nam Hà Nội. Thế nhưng, để có được sự bình yên ấy trong cảm nhận của mỗi người khi đến mảnh đất này là cả một cuộc đấu tranh bền bỉ với những thói hư tật xấu.

Mở cánh cổng làng trong thời hội nhập, cái tốt, cái xấu ùa vào, Bạch Tuyết từng phải đối mặt với nhiều tệ nạn. Cuộc sống người dân đủ đầy hơn, nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, như: Cờ bạc, nghiện hút, mâu thuẫn quan hệ xóm làng, dòng họ…Bí thư chi bộ thôn Bạch Tuyết Nguyễn Tiến Thệ cho biết: "Những năm trước, cũng như nhiều thôn khác trong xã, trong huyện, tại thôn Bạch Tuyết tệ nạn xã hội xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là nạn cờ bạc. Hệ lụy "đỏ đen" làm phai nhạt tình nghĩa xóm làng. Thậm chí, người ta mang nhau lên xã, lên huyện kiện tụng, mâu thuẫn nhỏ trở thành "điểm nóng". Đáng nói hơn, việc báo tin cho lực lượng chức năng thường rất chậm, dẫn đến đối tượng phạm tội đã “cao chạy, xa bay”. Lợi dụng điểm này, các loại tội phạm trộm cắp tài sản, cờ bạc ngang nhiên hoạt động. Chưa kể nạn uống rượu gây rối, đánh nhau...".

Từng nhập ngũ tham gia bảo vệ Tổ quốc, nay lại được nhân dân bầu làm Trưởng thôn, cựu chiến binh Lê Văn Long luôn trăn trở với sự bình yên của quê hương. Với suy nghĩ không lùi bước trước những tệ nạn làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm, gây tổn hại cho xã hội, tháng 5-2018, ông Long bàn bạc với lãnh đạo thôn, chủ động đề xuất UBND và công an xã cho thành lập Tổ tự quản an ninh trật tự gồm 9 người, chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm phụ trách 5 xóm, thành phần gồm các bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn, ban chấp hành cựu chiến binh… là những người có uy tín cùng Tổ ứng trực nhanh với 5 cựu chiến binh.

Từ khi Tổ tự quản an ninh trật tự đi vào hoạt động, những vụ việc mâu thuẫn, gây rối trật tự, tệ nạn trong thôn Bạch Tuyết dần được dẹp bỏ. Một trong những vụ việc được giải quyết thỏa đáng là trường hợp hai gia đình “sát vách” ở xóm 1 (gia đình bà Lê Thị Họa và bà Trần Thị Sánh) chỉ vì rãnh thoát nước gây mất vệ sinh mà dẫn đến mâu thuẫn nặng nề, đưa đơn ra thôn khiếu kiện. "Lúc đó ai cũng nghĩ mình đúng nên chẳng thể hòa giải” - bà Họa nhớ lại. Ngay sau đó, thay mặt thôn, ông Lê Văn Long đã mời hai gia đình tới nhà văn hóa, và với lý lẽ thuyết phục, phân tích thấu đáo, hai gia đình đã bắt tay nhau hòa giải. "Hàng xóm, láng giềng "tối lửa tắt đèn" có nhau, ấy vậy mà chỉ vì cái rãnh nước để mất đi cái tình đáng quý ấy thì có đáng không? Nghe ông Long nói điều hay lẽ phải chúng tôi đã tỉnh ngộ. Từ đó tình cảm hàng xóm láng giềng bền chặt hơn xưa” - bà Sánh vui vẻ cho biết.

Vì xóm làng "5 không", "3 hạn chế"

Theo Bí thư chi bộ thôn Bạch Tuyết Nguyễn Tiến Thệ, Tổ tự quản an ninh trật tự đứng đầu là ông Lê Văn Long đã chủ động phối hợp với thôn và các dòng tộc hòa giải thành công nhiều mâu thuẫn, chưa có vụ việc phát sinh nào phải đưa lên xã. Trong đó có những vụ rất phức tạp như: Hòa giải thành công mâu thuẫn giữa vợ chồng ông Lê Văn Định (65 tuổi) và bà Trần Thị Thu (57 tuổi). Ông Định thường xuyên uống rượu, bà Thu khuyên răn nhiều lần không được. Vợ chồng cãi vã, mâu thuẫn ngày càng lớn, bà Thu đưa đơn ly hôn. Chính quyền thôn và một số hội, đoàn thể hòa giải không thành công, ông  Lê Văn Long đến động viên gia đình với những câu chuyện hơn thiệt lẽ đời. "Mưa dầm thấm đất", bà Thu đã quyết định rút đơn ly hôn, hai vợ chồng sống hòa thuận đến nay. Rồi việc giải quyết nhanh vụ đánh chửi nhau giữa chủ quán và khách hàng do uống rượu say hay việc phối hợp với UBND xã, hợp tác xã nông nghiệp hòa giải vụ tranh chấp ruộng, đào ao làm trang trại...

Dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Long, nhiều vụ việc được giải quyết ổn thỏa, nhân dân ủng hộ, người trong cuộc cũng cảm thấy hợp lý, hợp tình. Đặc biệt, qua những buổi họp thôn, xóm, sinh hoạt cộng đồng, ông Long đã đề xuất nhiều giải pháp quản lý và giáo dục thanh niên "nói không" với tệ nạn xã hội... “Bằng những việc cụ thể, tận tâm, Tổ tự quản an ninh trật tự của Hội Cựu chiến binh đã tạo được niềm tin trong nhân dân và năm 2018, thôn Bạch Tuyết không xảy ra vụ trộm cắp tài sản, gây rối an ninh trật tự nào” - ông Thệ cho biết thêm.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của Tổ tự quản an ninh trật tự và vai trò của Tổ trưởng Lê Văn Long, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Tiến Đặng Quang Huy nhận xét: Với tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, các thành viên trong tổ đều nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc. Hằng ngày, ngoài việc tổ chức tuần tra, bảo vệ, họ còn vận động người dân đấu tranh phòng chống và tố giác tội phạm ngay tại địa bàn cư trú… Trong những trường hợp đột xuất hay các đợt cao điểm, Tổ tự quản huy động tối đa lực lượng thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hiện tại, Bạch Tuyết đã trở thành thôn duy nhất của xã thực hiện tốt “5 không” (không tệ nạn ma túy, không tệ nạn mại dâm, không tệ nạn bạo hành gia đình, không có trẻ em thất học, không tàng trữ, buôn bán hàng quốc cấm) và "3 hạn chế" (hạn chế cờ bạc dưới mọi hình thức, hạn chế mâu thuẫn chửi cãi nhau trong thôn xóm, hạn chế tranh chấp dân sự, quyền lợi cá nhân về ruộng đất, tệ nạn cho vay nặng lãi). Có thể nói, “vào cuộc” với tâm thế vì dân, vì sự bình yên của xóm làng, các thành viên trong Tổ tự quản an ninh trật tự, trong đó nổi bật là Tổ trưởng - Trưởng thôn Lê Văn Long đã tạo động lực mới cho phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở thôn Bạch Tuyết. Và, thành công lớn nhất là họ nhận được sự trân trọng của người dân.

Rời thôn Bạch Tuyết với câu chuyện về những người nhiệt tâm với quê hương, trong đó có cựu chiến binh Lê Văn Long, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những giá trị trong đời sống cộng đồng, trong tình làng nghĩa xóm và sự thanh bình của những miền quê. Đây chính là nền tảng để phong trào xây dựng nông thôn mới "ăn sâu, bén rễ" trong cuộc sống và mỗi người dân ý thức hơn về trách nhiệm của mình để làng quê thật sự là nơi đáng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết lòng vì sự bình yên của quê hương