Hà Nội trong mắt Lê Bích

Thu Hằng - Ảnh: Lê Bích| 04/10/2019 10:08

(NSHN) – Lê Bích là một nhiếp ảnh gia nặng lòng với Hà Nội. Với anh, thành phố hơn một nghìn năm tuổi này mang một vẻ đẹp thân thương, vẻ đẹp của sự gắn bó máu thịt.

Lòng đam mê

“Quen” Lê Bích từ lâu qua những bức ảnh anh chụp về làng nghề và lễ hội nhưng phải đến năm ngoái, khi anh đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh 2018” do Báo Hànộimới phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, tôi mới có dịp trò chuyện với anh.

Ấn tượng đầu tiên về Lê Bích là một người nhiệt tình, đôn hậu và đầy đam mê. Anh hơn hẳn nhiều tay máy khác ở sự kiên nhẫn và sự công phu. Anh ghi chép, kể những câu chuyện bằng ảnh và bằng cả những phần lời ngắn gọn đánh thức sự quan tâm của cộng đồng. 

Thuộc thế hệ 7X sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuổi thơ Lê Bích gắn với những kỷ niệm, những hình ảnh của một Hà Nội xưa cũ.

Anh kể: “Bố tôi là họa sĩ, ông rất yêu cái đẹp và cũng có chụp ảnh. Tôi cũng đam mê nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh từ xưa nhưng việc kiếm sống vẫn phải đặt lên hàng đầu”.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Lê Bích làm việc cho một công ty nước ngoài, nhiếp ảnh chỉ là thú vui thư giãn của anh trong những ngày nghỉ cuối tuần. Ấy thế mà duyên nợ thế nào để rồi anh quyết định thôi việc, dấn thân vào nghiệp ảnh, và phấn đấu sống hoàn toàn bằng nghề như ngày hôm nay.

Gần 15 năm theo nghề, bàn chân Lê Bích đã đi rất nhiều nơi, rong ruổi tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống. Điều thú vị là anh không chụp như khách qua đường mà luôn tìm hiểu những câu chuyện xung quanh mỗi bức ảnh mà anh lưu giữ. Bởi vậy mà ảnh của anh ngày càng đẹp hơn, có chiều sâu, có ý tưởng. Anh là cộng tác viên của nhiều báo, tạp chí và gặt hát thành công qua một số cuộc thi.

Một trong những chủ đề mà Lê Bích yêu thích là làng nghề và văn hóa làng. Những giá trị xưa cũ, truyền thống có nguy cơ mất đi luôn cuốn hút ống kính của anh. Trong mỗi bộ ảnh, anh quan tâm đến số phận của những con người đóng góp công sức của mình vào gìn giữ, phát triển những nét đẹp độc đáo, tinh hoa của làng nghề. Đó thật sự là một kho tư liệu nhiều giá trị.

Anh nói: “Làng nghề là đề tài sâu đậm nhất, dài hơi và tôi xác định là làm cả đời không hết. Đã có nhiều làng nghề không còn nữa, có làng giờ chỉ còn 1, 2 người giữ nghề. Có rất nhiều người làm về đề tài này và tôi vẫn đang tìm con đường riêng để thể hiện sâu sắc nhất thông điệp là hãy gìn giữ làng nghề và lưu giữ nó bằng hình ảnh. Tôi sẽ đi trải nghiệm hết các làng nghề, biết về làng nghề, lắng nghe những câu chuyện. Sau đó có thể tôi sẽ cố gắng cùng với những người cũng yêu thích làng nghề để làm những việc thiết thực, tôn vinh và gìn giữ”.

Hà Nội - một tình yêu lớn

Ngay từ khi bắt đầu cầm máy (2005), đề tài Hà Nội đã cuốn hút Lê Bích. Miệt mài với nhiếp ảnh về phố, về nghệ nhân, về làng nghề… có thể nói Lê Bích đã chụp gần hết những gì gọi là di sản ở Hà Nội. 

“Hà Nội là tình yêu nơi tôi lớn lên. Cơ duyên vào năm 2009, tôi đã tham gia phong trào phát động vẽ và viết về Hà Nội cho chương trình “Hà Nội 1000 năm”. Trong thời gian đó, tôi đã có cơ hội tìm hiểu khá sâu về văn hóa, cốt cách của người Hà Nội, người Tràng An thanh lịch. Đây chính là cái đà và cũng là mảng đề tài đi theo tôi cho đến giờ” - Lê Bích tâm sự.

Bộ ảnh “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội”, “Những người giữ hồn Trung thu, đêm Hà Nội”… của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người yêu Hà Nội.

Trong chuỗi ngày đam mê chụp ảnh làng nghề, Lê Bích lọ mọ khắp khu phố cổ, khắp các làng nghề truyền thống của Hà Nội, từ gốm Bát Tràng, thêu Quất Động, lụa Vạn Phúc, đến miến Cự Đà, quạt Chàng Sơn, múa Triều Khúc… Anh bắt đầu chú ý đến các nghệ nhân đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, đến những nghề từng quen thuộc một thời ở Hà Nội mà giờ đây dần rơi vào quên lãng…

Bà Vũ Thị Thanh Tâm - Nghệ nhân cuối cùng làm làm thiên nga bông

Anh nói: “Hà Nội tuy nhỏ bé nhưng lại mang trong mình rất nhiều di sản quý giá và tôi cố gắng chụp càng nhiều càng tốt. Nhiều nghề đang có nguy cơ mai một, bởi vậy tôi muốn lưu lại ngay những khoảnh khắc quý hiếm của những làng nghề đang dần mai một, của những nghệ nhân đang ngày một tuổi cao sức yếu. Làm để sau này không cảm thấy tiếc nuối và cho thế giới biết là Hà Nội đã có những góc tinh hoa như thế”.

Chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô và 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”, triển lãm "Hoài niệm" của anh tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ ngày 4 -15/10/2019 sẽ trưng bày gần 40 tác phẩm thể hiện vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc Hà Nội.

Nói về cuộc triển lãm mới nhất này, Lê Bích tâm sự: “Hà Nội đã đổi thay rất nhiều nhưng tôi không cho phép mình quên đi những vẻ đẹp xưa cũ, nét tinh hoa của Hà Nội. Theo thời gian, tôi đã và đang thực hiện những bộ ảnh về vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Tôi mong rằng nó sẽ là một nốt nhạc trầm trong bài ca về Hà Nội, một chùm nắng chiều làm rạng lên vẻ cổ kính của những cánh cổng chùa bạc màu thời gian, một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ lúc vào thu... để chúng ta thêm yêu Hà Nội, thêm trân trọng những gì chúng ta đã có ngày hôm nay”.

Dưới đây là những bức ảnh của Lê Bích được trưng bày trong “Hoài niệm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội trong mắt Lê Bích