Người giữ "hồn" hương vị Tết Trung thu

Thu Hằng| 11/09/2019 09:52

(NSHN) - Giữa nhịp sống đổi thay không ngừng, trên con phố cổ Hà Nội vẫn có một người đàn ông lặng lẽ, tỷ mỉ tạo ra những chiếc khuôn gỗ mà từ đó, những chiếc bánh Trung thu ra đời đưa tuổi thơ vào miền cổ tích.

40 năm cặm cụi

Nằm lọt thỏm trên con phố Hàng Quạt một thời nức tiếng với nghề chạm khắc đồ gỗ, cửa hàng rộng khoảng 10m2 của ông Phạm Văn Quang treo đủ các loại khuôn gỗ. Đây có lẽ là cửa hàng duy nhất ở phố cổ tâm huyết làm ra những chiếc khuôn bánh Trung thu, khuôn xôi, oản bằng gỗ truyền thống.

Cửa hàng giản dị trên phố Hàng Quạt của ông Quang

Trên tấm phản kê ở góc nhà, ông Quang vẫn cặm cụi, miệt mài đục đẽo… Tiếng “cạch, cạch” vang lên quen thuộc. Từ những khúc gỗ vô tri, qua bàn tay khéo léo của ông trở thành những chiếc khuôn bánh không chỉ đẹp mà còn rất tinh tế và sống động.

Ông Quang cho biết, nghề làm khuôn bánh này có gốc gác từ làng tiện gỗ Nhị Khê và làng Chiếc (nay là xã Nhân Hiền), thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Đây là các làng có truyền thống làm khuôn bánh bằng gỗ nức tiếng từ xưa. Ông nội ông mang nghề lên phố Hàng Quạt lập nghiệp những năm 1960. Sau khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, năm 1980, ông Quang tiếp tục nối nghiệp gia đình, thấm thoắt đến nay đã gần 40 năm.

Khi làm một chiếc khuôn, ông Quang gửi cả tâm hồn của mình vào đó

Vào thế kỷ trước, đến mùa bánh Trung thu, phố Hàng Quạt lúc nào cũng rộn ràng tiếng đục, tiếng đẽo. Những người thợ làm khuôn quanh năm không hết việc. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do nền kinh tế thị trường phát triển, nhiều loại khuôn nhựa đa dạng ra đời khiến nghề làm khuôn gỗ ngày càng bị mai một.

Cẩn thận, chỉn chu đến mức khó tính, với ông Quang, dù làm bất cứ nghề gì cũng cần phải có 3 điều. Thứ nhất cần có cái duyên, thứ hai cần sự kiên trì và thứ ba là sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng và nhu cầu thị trường.

Trải qua biết bao thăng trầm, trên con phố Hàng Quạt, nhiều người đã chuyển nghề nhưng ông Quang vẫn gắn bó với nghề xưa. Cái nghiệp đã “ngấm” khiến ông không thể từ bỏ công việc mà mình yêu thích. Ông nói, nghề này không chỉ giúp ông mưu sinh mà còn cho ông cơ hội được gặp gỡ với nhiều người thú vị.

Nghệ nhân tài hoa

Theo ông Phạm Văn Quang, một chiếc khuôn bánh đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng người thợ.

Các loại khuôn bánh bày bán ở cửa hàng

Trước hết phải tìm được loại gỗ phù hợp. Gỗ dùng để làm khuôn bánh thường là gỗ thị già và gỗ xà cừ vì hai loại gỗ này có độ bền, mịn, dễ gia công, lại có độ dẻo, độ rắn phù hợp với việc làm khuôn bánh. 

Trong qui trình làm khuôn, công đoạn đục là khó hơn cả, đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Người thợ làm khuôn phải tính toán độ nông, sâu tùy vào trọng lượng bánh (loại 2 lạng, loại nửa cân…) và để đảm bảo khi nướng, lửa bắt đều họa tiết, mặt bánh vàng ươm, đẹp mắt.

Khuôn bánh đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng người thợ. Ảnh Lê Bích

Chỉ cần đục hơi sâu hơn một chút hay nông đi một chút là tạo hình hoa văn đã khác. Hoa văn thay đổi, trọng lượng bánh cũng thay đổi theo. "Bí quyết để tạo ra những chiếc khuôn vừa vặn, đúng trọng lượng, người làm khuôn trước tiên phải trở thành thợ làm bánh. Có như vậy, khuôn bánh làm ra mới chuẩn được" - ông Quang cho biết.

Khâu khắc thô hay sơ chế, ông chuyển yêu cầu về xưởng mộc ở quê Thường Tín (Hà Nội) để thợ làm. Khâu quan trọng nhất, thổi hồn vào những thớ gỗ thì đích thân ông thực hiện. Những khuôn bánh hình con thú như hình cá, hình lợn, hình rồng… chỉ cần thiếu chút tinh tế là chiếc bánh thành phẩm sẽ thiếu sức sống và nhìn không bắt mắt. 

“Nghề này khó nhất là thực sự hiểu được nhu cầu của khách để làm ra những chiếc khuôn bánh mà người làm bánh nhìn thấy là ưng ngay và người mua bánh cũng thích. Khách hàng có hiểu việc, có sành sỏi mới tìm ra điểm chưa tốt ở sản phẩm để chê. Người thợ có kinh nghiệm sẽ thấy lời chê của khách hàng gợi mở cho mình nhiều ý tưởng mới” - ông Quang chia sẻ.

Khuôn cá chép luôn được ưa chuộng trong mùa Trung thu

Bây giờ, khuôn bánh gỗ truyền thống phải cạnh tranh với khuôn nhựa. Khuôn nhựa rẻ, đa dạng, phục vụ cho số đông. Trên thị trường hiện nay, ngoài những khuôn nhựa được sản xuất công nghiệp còn có cả những chiếc máy đục gỗ tự động công nghệ cao. Tuy nhiên, khách của ông Quang vẫn khá ổn định vì những người yêu giá trị truyền thống vẫn thích sử dụng khuôn gỗ hơn. Và quan trọng, ông Quang vẫn cho ra đời những chiếc khuôn riêng biệt, sáng tạo, không máy móc nào làm được.  

Sống chết với nghề

Hàng ngày trong căn nhà nhỏ, tiếng chạm đục vào gỗ vẫn âm vang, ông Quang vẫn miệt mài làm việc để cung cấp cho thị trường những chiếc khuôn bánh truyền thống, góp phần lưu giữ nét nghề truyền thống độc đáo của Hà Nội. Khách chỉ cần đưa ý tưởng, ông sẽ hiện thực hóa lên những chiếc khuôn. Ông nói đó là “sáng tạo nghệ thuật”, dù ông chưa bao giờ nhận mình là nghệ nhân cả. 

Ông Quang luôn say mê, tận tâm với công việc. Ảnh Lê Bích

Cửa hàng trên phố Hàng Quạt không chỉ là “thánh đường nghệ thuật” của riêng ông Quang, đó còn là nơi ông giới thiệu văn hóa Hà Nội đến du khách trong và ngoài  nước. Mấy chục năm làm nghề, ông Quang đã lưu giữ được nhiều kỷ niệm sâu sắc. Những kỷ niệm đó khiến lòng ông ấm áp hơn, yêu nghề hơn. Và ông hiểu rằng, công việc giản dị và thầm lặng của mình đang từng ngày làm cho Hà Nội đẹp thêm trong mắt bạn bè quốc tế và trong chính trái tim của những người con mảnh đất kinh kỳ.

Hiện tại, con cháu của ông không theo nghề gia truyền. Đó, âu cũng là một nỗi buồn nhưng ông cho rằng, làm nghề phải có duyên, nếu không yêu thích sẽ khó sống bằng nghề được.

Ngắm nhìn sự say mê, tận tâm của ông, tôi bỗng lo một ngày Hà Nội sẽ mất dần những dấu vết xưa, không còn nghề cũ, không còn những con người hết mình trong lặng lẽ để giữ mãi một dấu ấn văn hóa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ "hồn" hương vị Tết Trung thu