NSƯT Thanh Vinh: Tình yêu và sự nghiệp song hành cùng âm nhạc

Đặng Thùy| 05/07/2019 17:06

(HNMCT) - Là giọng ca thế chỗ cho cố NSND Doãn Tần trong nhóm “ngũ lão” (gồm NSND Quang Thọ, NSND Hoàng Chè, NSND Doãn Tần, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Quang Huy), NSƯT Thanh Vinh đã góp phần làm cho tên tuổi của nhóm 5 giọng ca hàng đầu tiếp tục vang xa. Ông còn là người thầy tâm huyết, tận tụy khi có nhiều năm giảng dạy tại Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, là người dàn dựng tài năng cho nhiều đoàn nghệ thuật trong các kỳ hội diễn chuyên và không chuyên.

NSƯT Thanh Vinh

1. Tôi thực sự ấn tượng với câu chuyện mà NSƯT Thanh Vinh kể trong chương trình truyền hình “Quán Thanh xuân” về cuộc tình với người bạn đời của mình. Đó là cơ duyên vào dịp Tết năm 1986, ông cùng NSND Lê Dung là hai du học sinh được mời đến biểu diễn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (cũ). Khi ấy, một nữ nhân viên của Đại sứ quán đã đề nghị ông đệm piano cho ca khúc Hoa sim biên giới - sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Minh Quang. Tiếng đàn dương cầm ngọt ngào của chàng ca sĩ trẻ đã chinh phục trái tim người nữ nhân viên sứ quán ấy, và họ đã tổ chức đám cưới ở xứ sở Bạch dương đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga 7-11-1986.

Đó là một đám cưới đặc biệt, họ hàng hai bên không ai tham dự vì khoảng cách địa lý quá xa xôi. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Xô (cũ) khi ấy là ông Nguyễn Mạnh Cầm (sau là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) đã đứng ra đại diện cho họ nhà trai, còn phu nhân của Đại sứ, khi ấy là Trưởng phòng Lãnh sự tham tán, thì đại diện cho nhà gái. Bây giờ nghĩ lại NSƯT Thanh Vinh vẫn cho rằng đó là do số trời sắp đặt khi chính âm nhạc - nghề mà ông theo đuổi suốt cuộc đời, lại là cái duyên gắn kết ông với người bạn đời yêu quý, chung thủy của mình.

2. Là người con của quê hương Hà Tây (cũ), nơi sản sinh nhiều “giọng ca vàng” của đất nước (tiêu biểu như NSND Trần Hiếu, NSƯT Kiều Hưng), từ nhỏ cậu bé Thanh Vinh đã ước mơ trở thành ca sĩ. Sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ những năm học tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông) nên sau khi rời ghế nhà trường, ông đã tham gia vào đội Tuyên văn (Tuyên truyền văn hóa) của Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng. Ông đã cùng đồng đội đi biểu diễn tại các đơn vị của Tổng cục Kỹ thuật ở khắp các tỉnh phía Bắc. Khi đất nước thống nhất, năm 1976, ông đã cùng Đoàn nghệ thuật Tổng cục Kỹ thuật vào biểu diễn tại thành phố mang tên Bác.

Nhưng tên tuổi của Thanh Vinh chỉ thực sự được biết đến khi ông tham gia thu 8 bài hát với ban nhạc Mùa Thu - ban nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam, do nhạc sĩ Phú Quang phụ trách và phối khí. Sau đó, ông ra quân và trúng tuyển vào Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam khi biểu diễn ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ Phan Nhân bằng giọng Mi trưởng. Sau 1 năm làm việc tại Nhà hát ông thấy mình cần phải được đào tạo chuyên sâu hơn nữa về âm nhạc, vì thế ông đã thi vào khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Vì thi đỗ thủ khoa, kết quả năm học đầu tiên đạt loại xuất sắc nên ông được cử đi học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Tchaikovsky tại Mátxcơva (Liên Xô cũ) trong 7 năm.

NSƯT Thanh Vinh

Nói về sự học của mình, nghệ sĩ Thanh Vinh xúc động khi nhắc về người thầy dạy nhạc đầu tiên cho ông, đó là Giáo sư, NSND Trung Kiên: “Nếu như cha mẹ đã sinh ra tôi thì thầy Trung Kiên là người đã sinh ra tôi một lần nữa. Tôi vẫn nhớ vào một ngày của năm 1982, thầy Trung Kiên nói với tôi rằng: Sau 13 năm, nước ta mới có một chỉ tiêu đi học nước ngoài và Nhạc viện đã chọn Vinh rồi đó. Được người thầy lớn động viên, chỉ bảo, dạy dỗ, tôi đã xa quê hương, xa gia đình để vững tâm, quyết chí tiếp tục đi học mặc dù lúc ấy đã ở tuổi 30”.

NSƯT Thanh Vinh bảo rằng mình có duyên với bộ đội. Bởi mặc dù đã ra quân sau 9 năm quân ngũ thế nhưng ông luôn có những người bạn thân thiết là bộ đội, đặc biệt là suốt từ năm 1991 đến nay ông đã cộng tác giảng dạy thanh nhạc với Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Thanh Vinh xúc động khi nhớ về người anh, người bạn của mình, cố nhạc sĩ An Thuyên. Ông bảo, tuy học hai chuyên ngành khác nhau nhưng hai người từng có thời ôn thi đại học cùng nhau. Lúc ấy nhạc sĩ An Thuyên mới là Thượng úy. Sau này dù lên đến Thiếu tướng nhưng tình cảm của nhạc sĩ An Thuyên với ông vẫn khăng khít, bền chặt như ngày nào. Ông kể một kỷ niệm của mình với nhạc sĩ Ca dao em và tôi. Đó là năm 1988, ông đang đi theo vợ làm nhiệm kỳ ngoại giao tại Đan Mạch. Khi biết tin nhạc sĩ An Thuyên sang Cộng hòa Liên bang Đức biểu diễn, ông đã đặt vé sang Đức gặp bạn. Nhưng khi gặp nhau thì nhạc sĩ An Thuyên đã đề nghị Thanh Vinh biểu diễn 2 đêm, thế là ông đã bỏ chiếc vé bay về Đan Mạch để ở lại diễn cùng đoàn.

3. Nói về nhóm “ngũ lão”, NSƯT Thanh Vinh cho biết đây là cách gọi vui của nhóm 5 giọng ca nam, ban đầu gồm NSND Quang Thọ, NSND Hoàng Chè, NSND Doãn Tần, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Quang Huy. Đây là một nhóm gồm các “lão tướng” trong lĩnh vực thanh nhạc, có tuổi đời từ 60 tuổi trở lên, là những giảng viên âm nhạc tên tuổi đồng thời là những giọng ca đình đám. Tuy nhiên, khi sức khỏe nghệ sĩ Doãn Tần giảm sút thì Thanh Vinh được “nhắm” vào thay thế. Hiện tại thì hai thành viên thuở ban đầu của nhóm “ngũ lão” đã qua đời, đó là nghệ sĩ Hoàng Chè và nghệ sĩ Doãn Tần. Vì thế, ngoài Thanh Vinh thì NSƯT Mạnh Tuấn cũng được gọi vào nhóm. 

Trước đó, nghệ sĩ Thanh Vinh đã là một giọng hát đơn “đóng đinh” vào tâm trí người nghe với những ca khúc cách mạng như Chúng con canh giấc ngủ cho Người,  Tháng ba Tây Nguyên, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Bên kia sông Đuống... Tuy nhiên, vốn là người kín tiếng, không có thói quen ra đĩa và ít tham gia các hội diễn với vai trò ca sĩ nên so với nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa, Thanh Vinh ít được báo chí nhắc đến. Dẫu vậy, ông vẫn luôn tự hào vì mình đã có một cuộc đời gắn bó, tâm huyết với âm nhạc và được trời phú cộng với khổ luyện để có một giọng hát trữ tình, đậm chất ngợi ca hùng tráng. 

Chia sẻ về công việc hiện tại, nghệ sĩ Thanh Vinh cho biết công việc chính là cộng tác giảng dạy thanh nhạc cho 2 lớp đại học sư phạm và một lớp trung cấp chuyên nghiệp của Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Hỏi về cách nhìn nhận của mình với thế hệ sinh viên thanh nhạc hiện nay, ông cho rằng thế hệ trẻ có nhiều thuận lợi hơn so với thế hệ của ông. Đó là sự phát triển của công nghệ thông tin khiến việc ký xướng âm với những học viên dễ dàng hơn bao giờ hết và cùng với đó là nhiều trữ lượng thông tin trên Internet để họ có thể tự tìm hiểu, nghiên cứu.

Giờ đã ở tuổi 66 nhưng NSƯT Thanh Vinh vẫn đam mê, tâm huyết, miệt mài với sự nghiệp biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc. Bởi như ông nói, đó là cách để ông trau dồi nghề nghiệp, rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc để tiếp tục giữ được cái nghề mà mình đã theo đuổi suốt cuộc đời. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NSƯT Thanh Vinh: Tình yêu và sự nghiệp song hành cùng âm nhạc