Người nghệ nhân một đời say ca trù

Ảnh và bài: Thanh Huyền| 09/04/2019 10:36

(NSHN) - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Nguyễn Văn Chi (87 tuổi) vẫn dành trọn tấm lòng say mê cho ca trù.

(NSHN) - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Nguyễn Văn Chi (87 tuổi) vẫn dành trọn tấm lòng say mê cho ca trù.

Căn nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Văn Chi nép mình trong một góc phố Hàng Điếu. Bức tường cũ trong nhà treo đầy bằng khen cùng những bức ảnh chụp hồi ông còn đi lưu diễn.

Khi được hỏi về ca trù, nét mặt ông tươi tỉnh hẳn lên. Ông nói về ca trù với một giọng điệu hào hứng xen lẫn tự hào. Tôi như được sưởi ấm bởi niềm say mê ca trù trong ông.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Chi – một tấm lòng say đắm ca trù


Nghệ nhân Nguyễn Văn Chi sinh ra và lớn lên ở Kiêu Kỵ (Gia Lâm). Cha ông là một nhà Nho lại có niềm yêu thơ phú. Ông kể lại: “Ngày ấy, tiệm ca trù là nơi gặp gỡ giữa cha tôi và các cụ đồng môn. Họ uống rượu, ngâm thơ, thưởng thức câu hát, tiếng đàn. Đôi khi tức cảnh, cha tôi làm thơ, viết lời cho đào hát. Theo chân cha từ nhỏ, tôi biết được văn hóa sinh hoạt của ca trù xưa”.

Năm 1944, ông khăn gói lên trung tâm Hà Nội học, ở trọ tại phố Khâm Thiên - cái nôi của ca trù đất Thăng Long thuở trước. Ông coi đó như một mối lương duyên của mình với ca trù. “Phố Khâm Thiên ngày đó là nơi tụ hội nhiều danh ca, danh cầm có tiếng. Đêm khuya, không gian chìm vào im ắng cũng là lúc tiếng đàn, tiếng hát vang lên”. 

Không khí ca trù của giáo phường Khâm Thiên xưa đã nuôi dưỡng tình yêu của ông với nghệ thuật diễn xướng độc đáo này. Thanh âm vừa thanh tao, mượt mà vừa mê hoặc, ám ảnh của ca trù ngày ấy theo ông đến tận bây giờ.

Sau năm 1945, các tiệm ca trù gánh chịu tiếng xấu là nơi chứa rượu và thuốc phiện, ca nương bị coi là "xướng ca vô loài”. Nhiều ca nương phải bỏ hát, xa lánh, thậm chí giấu đi lai lịch của mình. Nhắc lại quãng thời gian ấy, ông không khỏi chạnh lòng xót xa.

Năm 1976, Giáo sư, nhạc sĩ Trần Văn Khê từ Pháp về đã say mê ghi âm hai giọng ca trù lão luyện Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc, đồng thời giới thiệu nghệ thuật độc đáo này với thế giới. Ca trù được “giải oan”, đón nhận sự quan tâm của công chúng và phục hồi.

Năm 1990, nghệ nhân Bạch Vân đã thành lập Giáo phường Bích Câu đạo quán với mong muốn nuôi dưỡng, đem ca trù trở lại với cuộc sống. Lúc bấy giờ, dù đã ngấp nghé cái tuổi lục tuần nhưng ông vẫn quyết định tham gia. Không quản ngại mưa nắng, ngày nào ông cũng tới sinh hoạt tại Giáo phường. Một năm trở lại đây, dù không thể tham gia đều đặn như trước nữa nhưng ông vẫn dành thời gian đến đình Kim Ngân (Hàng Bạc) để nghe ca trù.

Năm 2012, ông được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khen thưởng vì những đóng góp thành công cho Liên hoan Ca trù Hà Nội. Năm 2015, ông được Nhà nước vinh danh là “Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian”.

Vốn sành về ca trù, ông Chi được nghệ nhân Bạch Vân tin tưởng, mời làm người cầm chầu (hay còn gọi là quan viên). Nghệ nhân Nguyễn Văn Chi đã có thâm niêm hơn 50 năm trong việc cầm chầu. Với ông, cầm chầu là cả một nghệ thuật bởi quan viên phải là người nắm rõ các công thức xuyên tâm, song châu, liên châu, hạ mã, lạc nhạn đồng thời am hiểu âm luật mới có thể cầm roi chầu.

Khi ca nương chuẩn bị hát, người cầm chầu gõ tiếng “thùng” khai mở cho câu đầu tiên của đêm diễn. Tiếng “thùng” chấm câu của trống vang lên mỗi khi câu hát kết thúc, vớt hơi để đỡ giọng cho ca nương mỗi khi hơi bị đuối. Tiếng “cắc” để thưởng cho những câu hát hay. Ngược lại, khi ca nương hát chưa đạt, người cầm chầu thường phạt bằng cách gõ những tiếng “cạch, cạch” vào tang trống.

Âm thanh trầm đục, sâu lắng, nền nã của đàn đáy hòa với tiếng phách sắc giòn tạo nên một sự đối chọi thanh âm vừa độc lập lại vừa bén quyện. Thỉnh thoảng lại xen một tiếng trống chầu nhọn chắc, đĩnh đạc, khiến cho cuộc hát trở nên thi vị, mà trong đó chủ khách vừa tôn vinh nhau, vừa khẳng định sự độc lập và chủ động của mình.

Ngoài việc cầm chầu, nghệ nhân Nguyễn Văn Chi cũng dành thời gian sáng tác thơ hát nói ca trù. Theo ông, để viết được lời cho ca trù, người viết phải có vốn hiểu biết văn học cũng như làn điệu và khổ phách.

Cả một đời tận lòng với ca trù, nghệ nhân Nguyễn Văn Chi trăn trở khi loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một. "Giới trẻ bây giờ chỉ thích nhạc hiện đại, mấy ai còn theo đuổi ca trù. Những nghệ nhân ca trù có tiếng ngày xưa nay cũng đã về chầu tiên tổ, số người hiểu và yêu ca trù đếm trên đầu ngón tay. Với tôi, còn sống ngày nào, tôi còn yêu ca trù ngày đó", ông Chi trải lòng.

Tạm biệt ông, tâm trí tôi vẫn còn vang vọng mấy câu thơ trong "Cung đàn nhịp phách: "Đời sau nối tiếp cha anh .Giữ gìn vốn cổ bao năm phai mờ. Ca trù lai láng hồn thơ"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nghệ nhân một đời say ca trù