Thạch Lam - người nghệ sĩ nặng tình của đất Hà thành

Thu Hằng| 11/12/2018 09:54

(NSHN) - Thạch Lam đã chép sử Hà Nội bằng cái nhìn và nhịp cảm, cặp mắt và trái tim của người nghệ sĩ nặng tình với đất văn vật nghìn năm.

(NSHN) - Trong số những người yêu Hà Nội, Thạch Lam là người yêu hơn cả. Đọc “Hà Nội băm sáu phố phường” của ông, độc giả bắt gặp một tâm hồn đồng điệu với Thăng Long cổ kính, tinh tế đến nhã nhặn, thanh tao.

Cây bút lãng mạn, giàu xúc cảm và tài hoa

Chân dung Thạch Lam của họa sĩ Đinh Cường.


Thạch Lam sinh năm 1910 tại ấp Thái Hà, Hà Nội và chỉ sống một cuộc đời vỏn vẹn 32 năm trên dương thế.

Ông sinh vào tháng sáu âm lịch, là con thứ sáu trong gia đình Nguyễn Tường có bảy anh chị em. Lúc nhỏ có tên là Sáu. Ông mất vào tháng sáu dương lịch năm 1942 vì bệnh lao tại nhà cây liễu ở đầu làng Yên Phụ, Hồ Tây, Hà Nội.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình Thạch Lam đã để lại sáu cuốn sách nhỏ: Ba tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1941), một truyện dài “Ngày mới” (1939), tập tiểu luận “Theo dòng” (1941) và tập bút ký “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943). Đặc biệt, cuốn sách cuối cùng này được Tự lực văn đoàn cho xuất bản sau khi Thạch Lam qua đời như lời nhắn nhủ ông gửi lại, rằng: “Hãy yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội”.

Đọc Thạch Lam, tôi hình dung ông là một người Hà Nội hào hoa, phong nhã, nhẹ nhàng trong hành động, nhân từ trong suy nghĩ, một nhà văn bằng cả cái tinh tế của hồn mình để cảm nhận những gì dịu dàng, bé nhỏ nhất trong đời. Ông yêu mến và hiểu biết tường tận Hà Nội trong mọi ngõ ngách của đời sống.

Tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường” của ông đã làm rung động con tim những người mến thương Hà Nội. Có lẽ đây là cuốn tùy bút đầu tiên, mở ra một thể văn mới, viết về Hà Nội, về món ăn và sự gắn bó của ẩm thực với đời sống văn hóa xã hội con người trong văn chương Việt Nam.

Thạch Lam và những tác phẩm của ông.


Sinh thời, nhà văn Nhất Linh và nhiều người khác đều cho rằng Thạch Lam viết hay hơn cả trong Tự lực văn đoàn. Năm 1937, khi tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” của Thạch Lam xuất bản, Khái Hưng là người đầu tiên nhận ra Thạch Lam là nhà văn của cảm giác. Đến năm 1943, khi viết lời Tựa cho tập tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường” chính Khái Hưng cũng là người đầu tiên phát hiện: “Thạch Lam thực sự là một nghệ sĩ, một thi sĩ về khoa thẩm vị”.

Văn Thạch Lam đẹp, tinh tế; con người Thạch Lam hồn hậu và rất mực tài hoa. Đó là lý do vì sao Thạch Lam luôn chiếm được cảm tình đặc biệt của người đọc nhiều thế hệ.

Đến nay, sau gần 8 thập kỷ kể từ ngày qua đời nhưng những tác phẩm của Thạch Lam vẫn được độc giả yêu mến tìm đọc. Theo GS Hà Minh Đức, sở dĩ văn của Thạch Lam chịu được sự thử thách của thời gian vì hai yếu tố cơ bản. Trước hết, về phía chủ quan, đó là con người thành thực, thành thực với bản thân và với cuộc sống. Chính vì thế trên trang viết không có những ý tưởng, lối thể hiện cầu kỳ kiểu cách, giả tạo, mơ hồ. Về phía khách quan, cuộc sống trên dòng chảy đời thường luôn hỗ trợ cho văn chương không xa lạ, lạc điệu.

Cuốn sách giúp nhìn thấy vóc dáng và tâm hồn Hà Nội xưa

Ai cũng biết đến Thạch Lam với những truyện ngắn giàu tính nhân văn, nhưng ông còn là một người nghệ sĩ thanh lịch và lãng tử của đất Hà thành. Hãy nghe ông biện giải về đất và người chốn văn vật, để thấy rõ ân tình mà Thạch Lam dành cho Hà Nội sâu nặng biết bao:

“Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có rất nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến”.

Cuốn sách này là tấm lòng gắn bó sâu nặng và thái độ trân trọng của Thạch Lam đối với văn hóa Hà Nội.


Đúng như tên gọi, với “Hà Nội băm sáu phố phường”, Thạch Lam như dắt tay người đọc rong ruổi qua từng con phố của Hà Nội xưa, cùng ngắm và say cái hào hoa, cái phong nhã của con người và sản vật Hà thành.

Hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, dựng nên hình bóng Hà Nội xưa. Ta sẽ bắt gặp nhiều cảnh đời qua những mẩu chuyện ngắn hết sức xúc động. Qua những trang viết của ông, người đọc còn nhận ra rằng, đằng sau một Hà Nội phồn hoa vẫn còn có một Hà Nội tĩnh lặng chứa bao nỗi lo toan của những mảnh đời nhọc nhằn cơ cực.

Họa sỹ Lê Văn Xương đã giúp người yêu mến Hà Nội đã có dịp ôn lại ký ức về một Thủ đô đã xa, về Hà Nội của Thạch Lam cách đây quãng 80 năm.


Nhưng ấn tượng hơn cả trong “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam có lẽ là những trang về văn hóa ẩm thực của người Hà Nội, đặc biệt là các loại quà.

Không ngạc nhiên khi Thạch Lam lại chọn các “thức quà” để giới thiệu về “vẻ đẹp của Hà Nội”. Ông lý giải: “Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự. Ở các thôn quê, chút “quà Hà Nội” là của mong đợi, và tỏ được lòng quý hóa của người cho”. Không chỉ quà biếu mới cầu kỳ, mà quà ăn sáng, quà ăn vặt, ăn chơi, đều được người Hà thành làm công phu, sáng tạo và tận tâm.

Nhà văn khẳng định: “Quà, tức là người”. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngòi bút của ông miêu tả thật kỹ lưỡng cái cách mà người Hà Nội làm các loại quà và thưởng thức chúng ra sao.

Nhà văn Đinh Hùng từng chia sẻ rằng: “Khiếu thưởng thức món ăn của Thạch Lam rất tế nhị, thận trọng và tinh vi trong việc từ lựa chọn miếng ăn, thức uống, từ món quà nhỏ mọn hương vị quê mùa của đất nước”.

Đối với Thạch Lam, ăn quà không đơn thuần là nếm những sản vật trong trời đất mà là sự cảm nhận những tinh hoa, một nét ứng xử trong cộng đồng, đồng thời để bộc bạch những tâm tư, tình cảm của người cầm bút về con người và cuộc đời, vì rằng: “Bao nhiêu ý tốt, tình hay gửi vào trong một chút quà nơi đô hội, món quà đem đến cho khắp nơi vị sành và trang nhã của băm sáu phố phường”.

Những món ăn Hà Nội tuy bình dân nhưng qua ngòi bút Thạch Lam trở nên đầy màu sắc, mùi vị, cảm giác, mang đầy bản sắc văn hóa. Ông viết về bún chả: “Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi”.

Cốm - món quà thanh nhã và tinh khiết của mùa thu.


Hay là nghe ông nói về món quà thanh nhã và tinh khiết của mùa thu: “Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ; trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng, thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ”.

Phở, một trong những thức quà chính tông của Hà Nội, dưới lăng kính Thạch Lam: “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội không phải chỉ riêng ở Hà Nội mới ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối”. Cũng theo Thạch Lam: “Nếu là gánh phở ngon - cả Hà Nội không có đâu làm nhiều - thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát; thịt mỡ gàu dòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả…”.

Hàng bún ốc trong mắt Thạch Lam cũng đầy thi vị: “Có ai buổi trưa vắng hay buổi chiều, đêm khuya, đi qua nhà các cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến thế không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình”.

Thạch Lam không chỉ viết về món ăn, mà còn viết về cả môi trường của món ăn, về người ăn và người bán món ăn. Giọng văn kín đáo, nhẹ nhàng khơi sâu niềm trắc ẩn với nỗi buồn thoáng vương trên gương mặt các cô gái…

Nhà phê bình Thụy Khuê nhận xét: “Tất cả những món quà Hà Nội, từ bánh tây, bánh cuốn, xôi lúa, cơm nắm, tiết canh, lòng lợn, phở, bún ốc, miến lươn, bún chả, bánh giầy giò, bánh ít, cốm, bánh cốm, bánh xu xê... đến những món quà Tàu như phán sì thoòng, chí mà phù, mìn páo, súi ìn, sa cốc màng... dưới ngòi bút Thạch Lam, mỗi món đều tỏa ra một không gian văn hóa, quây quanh người bán, người ăn, người làm món ăn, thức ăn, khung cảnh và cả thời gian đã trôi qua trên bước đi của món ăn ấy từ xưa đến nay. Ông tạo không khí tương giao giữa những linh hồn đã làm thành khung cảnh văn hóa đó, thành một Hà Nội riêng, và mỗi lần ghé lại chốn ấy của Thạch Lam qua tiếng rao bánh giầy giò, chúng ta thấy lại không gian văn hóa của tất cả những nơi còn giữ được chất thiêng của kiếp người trên hương vị các món”.

Phong vị của Hà Nội xưa, cứ neo theo từng trang văn nhuần nhị của Thạch Lam mà được lưu giữ, được sống dậy, như một món quà cho những độc giả hôm nay, đã đi rất xa những ngày xưa cũ ấy.

Trong hồi ức của người con út

Người con út của nhà văn Thạch Lam là bác sĩ Nguyễn Tường Giang, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Hiện bác sĩ Giang cùng gia đình sống ở Mỹ.

Trong “Thạch Lam, Cha tôi trong trí tưởng”, Nguyễn Tường Giang kể: “Sự ra đời của tôi, một đứa con trai, là tai họa cho ông. Một người đoán số tử vi nào đó, năm 1942, khi mẹ tôi đang mang thai, đã nói nếu sinh con trai thì người cha sẽ chết. Khi mẹ tôi đi sinh, cha tôi đang đau nặng. Ông đau bệnh gì: bệnh lao vì làm việc và suy nghĩ nhiều, ý chí muốn dứt bỏ cái thú phù dung, hay tại số. Tôi không thể định rõ được. Lúc người nhà về báo với ông đứa trẻ mới sinh là con trai, ông không nói gì, lặng lẽ coi tiếp tờ báo đang xem dở. Ba ngày sau, ngày 27-6-1942, Thạch Lam mất. Sinh ra đời, buồn thay, nhiều khi đã mang một bản án sát nhân trong hồn”.

Đọc mà xót xa. Đứa trẻ côi cút tình cha ấy chỉ biết nhớ về cha qua những dòng hồi ức của mẹ. “Mẹ tôi thường kể rằng, cha tôi yêu hoa cẩm chướng, viết văn thật sớm vào buổi sáng, dạy học thêm một tuần đôi ba giờ, đến tờ báo vào những giờ đẹp nhất trong ngày… Người thích thơ Nguyễn Nhược Pháp, yêu văn Nguyễn Tuân, hay ngồi đánh cờ tướng với bạn bè ở tòa soạn khi rảnh rỗi, hoặc ông với cây đàn tranh để lên bàn, lơ đãng và thanh thản gẩy lên những thanh âm theo cảm hứng, một bản cò lả hay nam ai. Thi sĩ Huy Cận, khi tôi gặp ông năm 1995 để tìm kiếm một số kỷ niệm về cha tôi, đã kể với tôi rằng, có lần ông đến tòa báo tìm cha tôi, khi nghe tiếng đàn tranh vọng ra, đã đứng nép vào bên cửa để nghe, chỉ dám gõ cửa khi tiếng đàn đã dứt. Ông nói với tôi: “Cha anh đánh đàn rất hay”, rồi ông vội vã lật vài trang sách khoe tôi về những kỷ niệm ông viết về cha tôi: “Tôi đã từng quen Thạch Lam, con người mảnh khảnh tưởng như chỉ một làn gió có thể đẩy đi, một thân hình tưởng như chỉ làm bằng cảm giác, cái khối cảm giác ấy đã hóa thân vào văn”…

Nhà văn Vũ Bằng, khi nhận xét về lối sống tao nhã của Thạch Lam, đã viết rằng: “Nghĩ lại thì trong suốt cuộc đời anh, cái gì cũng nhẹ nhàng: Nhẹ nhàng từ cử chỉ, từ tiếng nói, nhẹ nhàng từ câu nói, từ bước đi... dường như nếu bước mạnh thì đất nó đau”.

Nguồn gien văn chương của dòng họ Nguyễn Tường, nhất là Thạch Lam không còn tồn tại ở lớp hậu duệ. Con cháu nội, ngoại của ông đều nghiêng về khoa học kỹ thuật. Duy có bác sĩ Nguyễn Tường Giang là có viết văn, làm thơ. Bên những bận rộn của một bác sĩ sản khoa ông vẫn đi tiếp con đường chữ nghĩa thừa hưởng từ thân phụ. Những sáng tác của ông nói lên bao nỗi niềm của một người nặng lòng với quê hương, trong đó, nỗi cô đơn sầu xứ như một mạch ngầm chủ đạo không ngừng dào dạt chảy qua từng ký ức, từng khung cảnh làng quê vời vợi nghìn trùng, nhất là Hà Nội - nơi yên nghỉ của người cha tài hoa và lịch lãm có quá nhiều dấu ấn nhớ thương.

Không gian bàng bạc của Hà Nội xưa được tái hiện qua bức vẽ phố Hàng Da của họa sỹ Lê Văn Xương những năm 1940.


Trong cuộc đời, bác sĩ Giang có một niềm mơ ước cháy bỏng, như ông từng thổ lộ: “Tôi vẫn mơ có một buổi chiều nào tôi cùng cha tôi thơ thẩn trên một con đường ở Hà Nội, một con đường từ đê Yên Phụ đến Cổ Ngư, hay một ngã rẽ vào vườn hoa hàng Đậu, chúng tôi cùng 32 tuổi, cùng nói với nhau các chuyện đời thường, chuyện vợ con, cuộc sống và bạn bè, và chuyện văn chương... Cha tôi có lẽ có một tâm hồn rất yếu đuối, rất thương người và hy sinh cả cuộc đời để chăm chút đến những số phận nhỏ bé nhưng đáng quý, một tâm tình nhân bản và hiền dịu biết bao. Tôi có thể kể cho ông những khó khăn ông để lại cho vợ con vào thời kỳ bắt đầu của súng ống và hận thù, của những cái nghèo đói thật sự mà ông đã phơi bầy trên nhiều trang sách... Tôi có thể kể bao nhiêu chuyện xẩy ra từ ngày ông mất đi… nhưng có hề chi, vì tôi biết rằng, ông sẽ nhẹ nhàng nói với tôi: Không có chuyện gì là sai hay phải, là xấu hay tốt, khi người ta cư xử với nhau bằng một tấm lòng”...

Vâng, cuộc đời và những tác phẩm của Thạch Lam, đặc biệt là cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường” chính là tấm lòng gắn bó sâu nặng và thái độ trân trọng của ông đối với văn hóa Hà Nội.

Tình yêu với cái Đẹp và Con người, cùng những giá trị đích thực trong văn chương của Thạch Lam sẽ sống mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Lam - người nghệ sĩ nặng tình của đất Hà thành