Jean-Noel Poirier và “Hà Nội của tôi”

Thu Hằng| 01/09/2018 11:13

(NSHN) - Bộ phim tài liệu dài 52 phút “Mon Hanoi” (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Jean-Noel Poirier vừa dành giải thưởng tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội 2018.

(NSHN) - Cựu Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier là người hiểu Việt Nam và đã quan sát Việt Nam suốt hơn 30 năm qua, trải nghiệm Việt Nam bằng chính công việc và cuộc sống của mình. Ông dùng chữ “hữu duyên” khi nói về sự gắn bó với Hà Nội và Việt Nam, nơi mà ông coi như quê hương thứ hai của mình.

Cựu Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier


Năm 2012, khi ông Jean-Noel Poirier đến Hà Nội để nhận nhiệm vụ Đại sứ Pháp thì thành phố này đã thay đổi quá nhiều so với 23 năm trước.

“Tôi tới Hà Nội lần đầu năm 1989. Lúc đó tôi rất xúc động, nhưng đồng thời cũng thấy buồn vì cứ tối đến lại tối om không có đèn. Nhưng khi tôi quay lại, thành phố đã trở nên vô cùng năng động. Thanh niên tươi tắn, lúc nào cũng cười rất vui. Họ cũng suy nghĩ rất tích cực nữa. Khi bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ, tôi có cảm giác thành phố này rất gần, thân thiện, như đã sống ở đây trong quá khứ. Tôi nhìn những chi tiết kiến trúc của Hà Nội và thấy văn hóa Pháp len lỏi ở đó” - ông Poirier nhớ lại.

“Hà Nội của tôi”

Cựu Đại sứ Poirier dí dỏm chia sẻ: “Nhiều đại sứ, sau khi hết nhiệm kỳ, hay viết một quyển sách về kỷ niệm của họ. Thực tế là tôi quá lười viết sách, nên tôi quyết định quay một bộ phim. “Mon Hanoi” giới thiệu về một Hà Nội qua góc nhìn của tôi. Tôi gửi vào đó những gì mình nắm được về linh hồn Hà Nội, những bí mật của Hà Nội mà người Hà Nội không mấy khi để ý đến - một góc nhìn khác từ một người nước ngoài sống ở đây rất lâu và rất yêu thành phố này”.

Vỉa hè Hà Nội


Với gần 10 năm ở Việt Nam và 5 năm sinh sống tại Hà Nội, có lẽ chẳng còn phố nhỏ, ngõ nhỏ nào của Hà Nội mà Jean-Noel Poirier chưa từng đi qua. Trong mắt của ông, Hà Nội là thành phố duyên dáng, mặn mà với những món ăn hè phố, những vũ điệu chuyển động đầy ngẫu hứng của xe cộ… Những hình ảnh mà theo ông chỉ có ở Hà Nội mà thôi. Với Poirier, điều cuốn hút ông nhất khi sống ở Hà Nội là văn hóa vỉa hè.

“Người Hà Nội có cách sống trong thành phố rất riêng. Dường như người dân trên khu phố cổ chẳng có điều gì phải giấu giếm, chẳng có điều gì cần bí mật. Họ sống trên vỉa hè, nấu cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm việc trên vỉa hè, ngủ trên vỉa hè. Không sợ ai “nhòm ngó” cả. Một điều nữa, tôi cực thích Hà Nội buổi sớm mai và Hà Nội đêm mùa đông. Đây là những khoảnh khắc tuyệt vời để tôi có thể cảm nhận được một Hà Nội bình yên, giản dị và đáng yêu. Các công trình kiến trúc, các biệt thự Pháp ở Hà Nội rất giống kiến trúc ngoại ô của Pháp, giống như nhà của người giàu ở quê tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình như ở nhà. Tuy nhiên, tôi hiểu, kiến trúc ở Hà Nội rất đa dạng và các công trình nhà ở theo kiểu Pháp chỉ chiếm khoảng 20% thôi”.

“Mon Hanoi” đề cập đến mọi khía cạnh: Văn hóa, ẩm thực, kiến trúc, giao thông... nhưng trung tâm của phim vẫn là con người - những công dân sinh sống tại Thủ đô mà ông Jean-Noel Poirier gọi là “linh hồn của thành phố”. Ông nói: “Tôi làm phim này trong hơn một năm, vừa đạo diễn, vừa viết kịch bản. Tôi muốn nắm bắt linh hồn của Hà Nội, vẻ đẹp của thành phố này, đưa ra cái nhìn về một Hà Nội mà biết đâu nhiều người dễ bỏ qua. Tôi không làm phim như một khách du lịch mà như một người đã coi thời gian sống ở Hà Nội là phần đời quan trọng của mình”.

Để có được những thước phim chân thực và thú vị, ông Poirier đã phải đi nhiều và hòa mình vào cuộc sống của người dân


Hà Nội những ngày ông sống rộn rã và ồn ào, lộn xộn và sáng tạo, vừa cũ kỹ vừa hiện đại khiến ông nhớ lại Paris ngày trước. Hà Nội trong ông là một thành phố nơi mỗi con đường là một vở diễn sống động không ngừng, nơi những xưởng thợ thủ công và các quán cà phê bám lấy vỉa hè, nơi mùi nấu nướng tỏa ra từ căn bếp rồi bay qua những khoảng sân và níu bước khách bộ hành...

Những góc quay mộc mạc, chân thực và màu sắc phim là lạ cũng tái hiện những khung cảnh người dân lao động, từ anh thợ cắt tóc, bác xe ôm đến người phụ nữ đội nón trên chiếc xe đạp chở đầy chổi lông gà, chổi chít…

Ông Poirier có thể dùng đũa thành thạo để ăn món bún đậu mắm tôm


Như nhiều người nước ngoài khác, Poirier rất thích món phở bò Hà Nội. Thói quen lân la vỉa hè giúp ông sớm phát hiện ra những món ẩm thực thú vị khác của 36 phố phường, như món bún đậu mắm tôm. “Tôi vẫn còn ăn phở, nhưng có một món ăn khiến tôi chú ý hơn là bún đậu mắm tôm và thường đi ăn ở những hàng bún đậu nổi tiếng trong ngõ Phất Lộc hoặc là ngõ chợ Đồng Xuân” – ông cho biết.

Một trong những nét đặc trưng của Hà Nội, theo ông Poirier, là việc thành phố này vẫn giữ được những lớp kiến trúc lịch sử tiếp nối. Nói cách khác, Hà Nội vẫn còn bảo tồn được lịch sử quá khứ . “Chúng ta vẫn thấy những kiến trúc xưa tồn tại. Đó là kiến trúc Pháp, cả kiến trúc của làng, có cả những kiến trúc đặc trưng xây sau này như các khu tập thể khi hợp tác với Liên Xô, Trung Quốc. Nếu đi Bắc Kinh thì không còn di sản quá khứ, chỉ có những tòa nhà lớn. Lịch sử đã biến mất rồi. Bangkok cũng thế…” - ông Poirier nói.

Đặc biệt, Poirier rất hứng thú khi nói về các khu tập thể. Cho dù đó là những công trình mang dấu ấn Xô viết nhưng lối sống của người dân Hà Nội đã khiến chúng thay đổi để đáp ứng đời sống. Đối với ông, những "chuồng cọp" cơi nới tại các khu tập thể ở Thành Công, Giảng Võ quanh Núi Trúc là nét đặc trưng minh chứng cho lối sống thích nghi của người dân Hà Nội. “Trước đây, nó không có cửa hàng cửa hiệu gì xung quanh cả, mặc dù các khu nhà có thể rất lớn như Giảng Võ, Thành Công. Nhưng bây giờ thì khác rồi, người dân lao ra trái, lao ra phải, lao ra không trung. Chỗ nào lao ra được là họ lao ra. Khu tập thể chính là nơi có nhiều quán ăn nhất. Chắc các kiến trúc sư Nga khi quay lại cũng khó có thể nhận ra được tác phẩm của mình. Tôi hiểu nó sẽ biến mất trong tiến trình phát triển nhưng nếu giữ một vài khu tập thể như thế để làm bảo tàng thì hay quá”, ông Poirier nói.

Những căn hộ trong khu tập thể Giảng Võ san sát nhau không còn một kẽ hở


Trong những chia sẻ đầy xúc cảm của mình, ông nói: “Hà Nội tự tái tạo mỗi ngày. Tôi tin rằng những người ra quyết sách của Hà Nội sẽ tìm được sự cân bằng thích đáng giữa xây dựng và phá bỏ, Hà Nội sẽ có trách nhiệm tập thể để không trở thành một thủ đô châu Á đánh mất tâm hồn và sự cuốn hút của mình trên con đường hiện đại hóa”.

Theo cựu Đại sứ Poirier, mục đích của “Mon Hanoi” không phải dành cho người nước ngoài khám phá Hà Nội. Bộ phim mang một hoài bão, đó là đem đến cho những cư dân của Hà Nội cũng như tất cả người dân Việt Nam một cái nhìn cá nhân đầy cảm xúc về vẻ đẹp và những nét quyến rũ không ngờ của Thủ đô nghìn năm văn hiến. “Đây là món quà tôi dành cho Hà Nội” - ông nói.

Một người Pháp am hiểu văn hóa Việt Nam

Ông Jean-Noel Poirier sinh năm 1962 tại Pháp nhưng có nhiều mối duyên với Việt Nam.

Truyền thống gia đình đã “thấm” vào Jean-Noel Poirier tình yêu đối với Việt Nam. Bà nội Poirier sinh ra tại Hội An. Khi còn nhỏ, cậu bé Poirier vẫn thường đến nhà ông bà mình ở Saint Malo, Brittany, phía Tây nước Pháp, để xem những bức ảnh kỷ niệm về Việt Nam. Ông nội của Poirier công tác trong ngành Giao thông, thường xuyên thực hiện các chuyến đi giữa Pháp và Việt Nam. Những câu chuyện của ông nội đã dần hình thành trong cậu bé Poirier mối quan tâm đến Việt Nam - xứ sở phương Đông có một chiều dài lịch sử thăng trầm với nước Pháp.

Hình ảnh ông Jean-Noel Poirier trong phim "Mon Hanoi"


Thời trẻ, Poirier học tiếng Việt tại Đại học Paris 7. Ông đã có bằng cao học về ngôn ngữ và văn hóa phương Đông. Ở Paris, Poirier hay tự nấu những món ăn Việt Nam cho cả gia đình ăn, nên các con ông đều quen với ẩm thực Việt, đặc biệt là rất thích nước mắm và gạo.

Gắn bó với Việt Nam sâu nặng, Jean-Noel Poirier từng là Tổng lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh (2000- 2004) và Đại sứ Pháp tại Hà Nội (2012-2016). Ông tâm sự: “Tôi đã quan tâm đến Việt Nam từ 30 năm nay rồi. Từ khi là sinh viên, tôi đã học tiếng Việt. Tôi cảm thấy ở Việt Nam rất thoải mái. Vợ tôi cũng là người gốc Việt và do vậy 3 đứa con của tôi cũng mang trong mình dòng máu Việt. Ở Việt Nam, tôi cảm thấy như ở nhà mình”. Cựu đại sứ khẳng định chắc nịch rằng, nếu ông không may mắn thi đỗ vào Bộ Ngoại giao Pháp, sau đó được bổ nhiệm làm việc ở Việt Nam thì cuộc đời ông cũng sẽ gắn bó với Việt Nam bằng cách khác, có thể là trong lĩnh vực kinh doanh.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Jean-Noel Poirier và “Hà Nội của tôi”