Một trí thức Hà thành tiêu biểu

Thu Hằng - Ảnh: Việt Văn| 17/05/2018 09:54

(NSHN) - Nhà nghiên cứu phê bình văn học PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh là tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên trong nghiên cứu khoa học.

(NSHN) - PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh là nhà nghiên cứu uy tín về văn học Việt Nam thời kỳ 1930-1945. Cuộc đời bà là một hành trình phấn đấu khó nhọc nhưng đầy tự hào. Năm 1995, bà là một trong số ít phụ nữ trí thức Hà Nội được báo cáo thành tích trong Hội nghị Lao động giỏi Thủ đô.

Tấm gương về một nhà nghiên cứu khoa học tự học, tự đào tạo

Bước vào tuổi 84, PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh (quê Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn minh mẫn, miệt mài đọc sách, ghi chép, viết và hướng dẫn chấm luận văn thạc sỹ, tiến sĩ ngữ văn. 7 cuốn sách và hàng trăm bài viết của bà - những công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 đã trở thành sách công cụ, tài liệu nghiên cứu giảng dạy văn học, được đồng nghiệp đánh giá cao và nhiều chuyên gia nước ngoài tham khảo, nhiều luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ trích dẫn.

PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh. 

Khó có ai nghĩ tiềm ẩn trong người phụ nữ Hà Nội nhỏ bé ấy là ý chí, nghị lực, kiên trì, vượt qua rất nhiều khó khăn, không ngừng học hỏi để vươn lên. Không chỉ giỏi chuyên môn bà còn đảm đang việc nhà, giúp chồng (nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân gian Trần Việt Ngữ (1927-2015) - Giải thưởng Nhà nước năm 2012) yên tâm công tác, nuôi dạy hai con khôn lớn trưởng thành.

Con đường đến với công việc nghiên cứu khoa học của PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh không hề suôn sẻ. Vốn là học sinh có tư chất thông minh, say mê môn toán từ nhỏ nhưng vì sức khỏe đã khiến bà lỡ dở kỳ thi vào Tổng hợp Toán. Năm 1960, khi đã 26 tuổi, bà được nhận vào làm công tác sưu tầm, thống kê, ghi chép những tài liệu phục vụ cho việc viết công trình “Sơ thảo Lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945” của Viện Văn học. Tiếp xúc với khối tư liệu khổng lồ, bà đã tự sắp xếp chúng một cách khoa học từ việc tìm, đọc, ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ các tài liệu sách báo, các chuyên mục liên quan đến văn hóa, văn học Việt Nam thời kỳ này. Và cũng từ đây, bà có ý thức tích lũy vốn kiến thức văn học cho bản thân để nâng cao hiểu biết.

Những tháng ngày tìm cách đặt chân vào thế giới văn chương, nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng căn dặn bà rằng, để nghiên cứu văn học hiện đại, cần tiếp xúc với nhà văn để hiểu những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, ý đồ sáng tác, cung cách lao động, sáng tạo... của họ, để khen chê thấu tình, đạt lý hơn. Nhưng để có thể phê bình được tác phẩm của nhà văn, nói chuyện được với họ thì phải có vốn kiến thức, vốn sống nhất định. Biết mình chưa qua trường lớp, bà âm thầm tự học và xác định cho mình một hướng đi “chậm mà chắc”. Bà nộp đơn theo học lớp đại học văn - sử ban đêm, rồi tới lớp chuyên ngành của Viện Văn học. Nhờ sự “gan lì” đó của bà, giới nghiên cứu văn học Việt Nam đã có thêm một gương mặt mới.

Cuộc đời bà là một hành trình phấn đấu khó nhọc nhưng đầy tự hào.


Với các tác gia văn học Việt Nam thời kỳ 1930-1945, bà có “duyên” với Nguyễn Công Hoan nhất. Năm 1976, khi làm luận án phó tiến sỹ với đề tài “Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan”, bà đã tìm đọc hơn 30 truyện dài, hơn 200 truyện ngắn, nhiều bài viết khác của ông. Ngày ấy không có máy photo nên bà phải chép tay toàn bộ tư liệu. Luận án được hoàn thành năm 1976. Đây là tác phẩm rất dày công trong việc sưu tầm tư liệu, lục tìm trong kho sách báo trước cách mạng, bởi có nhiều sáng tác mà chính Nguyễn Công Hoan cũng không nhớ. Bởi vậy mà trong cuốn “Đời viết văn của tôi”, ông đã dành hẳn một trang viết về Lê Thị Đức Hạnh trong đó có câu: “Tôi rất cám ơn chị bạn trẻ”.

Luận án của bà được nâng cấp thành sách với nhan đề “Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Công Hoan” (1979). Cũng từ thành công này, bà đã viết tiếp cuốn “Nguyễn Công Hoan 1903-1977” (1991) nghiên cứu một cách đầy đủ, chuyên sâu hơn toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn. GS Hà Minh Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhận xét: “Có thể nói rằng, PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh là chuyên gia hàng đầu về nhà văn Nguyễn Công Hoan”.

Ngòi bút của bà tỏ ra nhạy cảm với những tác giả có số phận thiệt thòi do chưa được hiểu đúng, do bị bỏ quên. Năm 1999, bà ra mắt bạn đọc cuốn “Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam”, tiếp đến năm 2007 là cuốn “Bàn thêm về mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam”. Hai cuốn sách này đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử văn học và các hiện tượng tác giả tác phẩm thời kỳ 1930-1945, kịp thời bổ sung, điều chỉnh những bất cập, phiến diện, thiếu hụt trong nghiên cứu văn học sử, làm cho việc hiểu và nhìn toàn diện diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ này sâu sắc, đầy đặn hơn. Chính những nghiên cứu của bà đã góp phần khẳng định tầm vóc của một số nhà văn lớn như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Dương Quảng Hàm, Hải Triều, Lưu Trọng Lư… cùng nỗ lực trả lại vị trí, đóng góp đích thực của một số tác gia như Trần Tiêu, Tam Lang, Thanh Châu, Từ Ngọc Nguyễn Lân, Nguyễn Đình Lạp… trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nguồn cảm hứng vô bờ của cậu con trai tài năng

Giáp Tết Bính Thân 2016, PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh bị ngã lần thứ hai. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của bà, phải nằm trên giường, không thể ngồi dậy mà nhà lại rất neo người. Trong những ngày gian nan đó, bà vẫn thể hiện nghị lực của mình, nỗ lực tập luyện cùng với sự hỗ trợ của thuốc men, để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Bà không ngừng nỗ lực rèn luyện. 


Thời điểm bà khỏi bệnh cũng là lúc dự án ảnh “Mẹ tôi” của con trai bà, nhà báo Trần Việt Văn, liên tục được ghi nhận trong các cuộc thi ảnh quốc tế uy tín như IPA (Mỹ), ND Awards (Anh), Tokyo International Foto Awards (Nhật Bản), vào chung kết Sipa contest (Italia), PH21 gallery (Hunggari), được giới thiệu trên những tạp chí uy tín của Australia, Tây Ban Nha... và đặc biệt được Ban tổ chức lựa chọn cho một triển lãm cá nhân tại Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Photometria (Hy Lạp) vào tháng 6-2017. “Mẹ tôi” cũng được in thành sách vào cuối năm 2016.

Nói về cuốn sách “Mẹ tôi”, Việt Văn tâm sự: "Ý tưởng chụp mẹ tôi đã có từ lâu, nhưng phải đến một thời điểm nào đó, nói theo chữ nhà Phật là có duyên, tôi mới thực hiện được. Mẹ tôi là người phụ nữ gốc Hà Nội, đảm đang, chịu khó, hết lòng hết sức thương yêu chồng, con. Cuộc đời mẹ tôi đầy những vất cả, thăng trầm nhưng bằng khả năng, tư chất và ý chí mãnh liệt, bà đã nhẫn nại, lặng lẽ vượt lên thách thức, vượt lên chính mình để trở thành một nhà nghiên cứu phê bình có tên tuổi. Thời gian chăm sóc mẹ ốm cũng là thời gian tôi kết nối với mẹ nhiều hơn, hiểu và thương yêu mẹ hơn. Tôi chụp ảnh mẹ như để cất giữ những ký ức. Bộ ảnh “Mẹ tôi” này mang tính riêng tư, nhưng tôi hy vọng sẽ có nhiều người chia sẻ vì trên đời ai cũng có một người mẹ"...

Một phụ nữ Hà thành tinh tế, thanh lịch. 


Cuốn sách của Việt Văn không chỉ có ảnh. Xen kẽ vào đấy là những câu chuyện giản dị của gia đình anh - một gia đình trí thức Hà thành tiêu biểu qua những trang viết thấm đẫm ân tình. Cuộc sống thời sơ tán, thời bao cấp với bao vất vả khó khăn... mang đủ sắc thái buồn đau, hạnh phúc trải dài theo lịch sử đất nước nhưng cũng như bao gia đình cán bộ thời ấy, vượt lên tất cả, bạn đọc vẫn thấy toát lên nghị lực, tinh thần lạc quan hướng tới tương lai và khát khao cống hiến.

Câu chuyện về PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh bằng ảnh của nhà báo Việt Văn nhận được sự đồng cảm của người xem trong và ngoài nước bởi nó không dừng lại là cảm xúc riêng tư, mà đã khơi dậy những rung cảm về tình mẫu tử, tình cảm gia đình của bao người.

Nhà báo Việt Văn trong triển lãm "Mẹ tôi" tại Hy Lạp năm 2017


Thư thái, nhẹ nhàng nhưng không kém phần bền bỉ, dẻo dai, người mẹ giàu nghị lực ấy vẫn đang tiếp tục là “mẫu” cho dự án “Mẹ tôi” (phần 2) của cậu con trai tài năng gặt gái thành công. Gần đây nhất, câu chuyện kể về mẹ bằng ảnh của anh đã giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 6 do Hội nhiếp ảnh Hoàng gia Thái Lan tổ chức, tháng 5-2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một trí thức Hà thành tiêu biểu